Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

TTCK: Cổ phiếu bất động sản đang “trở mình”

Tú San - 07:47 21/11/2022 GMT+7
(tapchinongthonmoi,vn) - Quyết định 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản của Chính phủ nhằm đối phó với những bất ổn nghiêm trọng gần đây trên thị trường bất động sản và tài chính . Điều này khiến hàng loạt cổ phiếu Bất động sản hồi phục sau một thời gian dài bị bán tháo dữ dội.

Chính phủ đang tạo đà lại cho cổ phiếu bất động sản

Tuần rồi, thị trường tiếp tục với một đợt giảm shock trước khi chạm đáy thấp nhất hai năm qua là 873 điểm và sau đó tăng vọt lên 969 điểm vào ngày cuối tuần. Diễn biến “quay xe bất ngờ” ​​vào ngày thứ 4 khiến VN-Index có ngày phục hồi mạnh nhất trong 5 tháng (tăng hơn +7,9% từ mức đáy mới, trong một ngày). Trái với không khí ảm đạm tuần trước, tuần này sắc xanh đã quay lại với nhiều nhóm ngành, trong đó dòng tiền tập trung chủ yếu vào các nhóm giảm mạnh giai đoạn vừa rồi như nhóm tài nguyên cơ bản, dịch vụ tài chính và bất động sản. Điều này cho thấy dộng thái của Chính phủ đang tác động tích cực lên nhóm ngành có biến động lớn trong thời gian qua.

Ông Đỗ Anh Tuấn – Trưởng Phòng Môi giới Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam

Trao đổi với Tạp chí Nông Thôn Mới, Ông Đỗ Anh Tuấn – Trưởng Phòng Môi giới Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định: “Nhóm cổ phiếu bất động sản có đà tăng trở lại mạnh mẽ nhất sau đợt giải chấp quyết liệt các tuần trước đó. Hầu hết các cổ phiếu bất động sản đều tăng trần 3 phiên liên tục từ giữa tuần đến cuối tuần. Cụ thể DIG sau đợt giải chấp mạnh đã tăng từ mức giá 9.4 lên 11.9, DXG tăng từ đáy 7.9 đến 10.4 hay NLG tăng mạnh từ 16.4 đến 21.5, tăng trên 30% từ đáy thấp nhất”.

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc khối nghiên cứu & phát triển Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam

Ở góc nhìn khác chưa lạc quan, Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc khối nghiên cứu & phát triển Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng: “Nhìn chung, nhóm cổ phiếu Dịch vụ tài chính, Ngân hàng và Bất động sản đều giảm trung bình lần lượt là -65%, -35% và -48% so với mức đỉnh tháng đầu năm 2022. Đồng thời, mức định giá P/B của ba nhóm cổ phiếu này đều giảm về gần mức 1.x cho thấy các nhóm cổ phiếu này đều đang ở vùng hấp dẫn. Tuy nhiên, xét về động lực tăng trưởng, tôi cho rằng nhóm cổ phiếu Dịch vụ tài chính và Bất động sản vẫn đang trong giai đoạn tiêu cực khi thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản vẫn đang gặp khó khăn, đặc biệt các rủi ro thanh khoản của kênh trái phiếu đang ảnh hưởng trực tiếp vào hai nhóm cổ phiếu này. Trong khi đó, tình hình tăng trưởng của nhóm cổ phiếu Ngân hàng khả quan hơn và mức P/B của nhóm này thấp hơn 1.5x, nhưng rủi ro nhóm này vẫn có khi lãi suất vẫn đang trong chu kỳ đi lên và rủi ro trái phiếu cũng có thể ảnh hưởng riêng lẻ đến từng ngân hàng”.

Khối ngoại đang “mua ròng” trở lại

Thị trường từ đầu tháng 11 tới nay thị trường giảm gần 6%, trong khi nhóm nhà đầu tư cá nhân duy trì đà bán ròng mạnh thì khối ngoại mua ròng khoảng 9.000 tỷ trên sàn. Xu hướng này đã bắt đầu trở nên tích cực từ đầu quý 3 và đặc biệt thể hiện rõ hơn trong vài tuần gần đây. Điều này phần lớn đến từ sự thu hút dòng tiền rất tốt của các quỹ ETF. Theo thống kê top 7 quỹ ETF theo quy mô tổng tài sản đầu tư trên thị trường Việt Nam đã huy động khoảng 14.000 tỷ từ đầu năm tới giữa tháng 11, trong đó hơn 4.000 tỷ là huy động trong nửa đầu tháng 11 (số liệu từ Yuanta Việt Nam)

Ông Huỳnh Đức – Chuyên gia phân tích đầu tư Công ty chứng khoán Agribank chi nhánh miền Nam

Ông Huỳnh Đức – Chuyên gia phân tích đầu tư Công ty chứng khoán Agribank chi nhánh miền Nam nhận định: “Về xu hướng dòng tiền, dòng tiền vào tuần qua cải thiện đáng kể thể hiện ở thanh khoản bình quân phiên tăng hơn 12% so với tuần trước và đóng góp chính vẫn thuộc về khối ngoại khi khối này tiếp tục mua ròng cả tuần với tổng giá trị mua ròng trên cả 3 sàn đạt hơn 5.260 tỷ đồng. Đáng chú ý là phiên 16/11, tổng khối lượng giao dịch của VN-Index đạt hơn 1 tỷ đơn vị - mức cao nhất kể từ tháng 3/2022 cho thấy áp lực bán giải chấp chéo đã giảm bớt và nhà đầu tư đã mạnh dạn bắt đáy hơn khi nhiều cổ phiếu tiến về vùng định giá hấp dẫn trong lịch sử”.

Cùng nhận định trên, Ông Đỗ Anh Tuấn cho rằng: “Tâm điểm của thị trường tuần này là lực đỡ của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức. Có thể kỳ vọng sự tạo đáy của thị trường chứng khoán và khả năng hồi phục trong trung hạn. Ngoài ra, cũng quan sát thấy các hành động của chính phủ nhằm củng cố nền kinh tế vĩ mô, ngăn chặn hơn nữa tình trạng sụp đổ lĩnh vực bất động sản. Đáng chú ý, mặc dù VN-Index có sự hồi phục mạnh mẽ tuần này, nhưng xét hệ số P/E của VN-Index vẫn ở mức thấp là 10,1 nhờ vào KQKD khả quan của ngành ngân hàng. Nghĩa là định giá cổ phiếu Việt Nam vẫn đang thực sự rẻ so với quá khứ và khu vực”.

Bóng đen của margin chéo vẫn đang ám ảnh nhà đầu tư

Trong tuần qua cổ phiếu NVL dư bán sàn với 52 triệu cổ phiếu trong 12 phiên liên tục, tương tự cổ phiếu PDR cũng chất sàn 109 triệu cổ phiếu và giảm sàn liên tục 11 phiên. Hai cổ phiếu này trong rổ VN30 liên tục giảm hết biên độ hơn 60% trong từ đầu tháng tới nay. Vì thế, áp lực lớn nhất hiện nay của thị trường là rủi ro giải chấp nhóm cổ phiếu bất động sản, đặc biệt là tình trạng giảm giá mạnh và mất thanh khoản của hai cổ phiếu NVL và PDR dẫn đến tâm lý hiện tại của nhà đầu tư vẫn còn rất bi quan.

Ông Đỗ Anh Tuấn thông tin thêm “Việc các cổ phiếu này giảm sàn cũng ảnh hưởng lan qua các cổ phiếu khác và cả thị trường. Kéo theo các công ty chứng khoán phải giảm dư nợ cho vay thông qua giảm tỉ lệ margin và hạn chế room cho vay của từng cổ phiếu. Đà giảm của cổ phiếu chưa ngừng lại càng làm trầm trọng thêm áp lực giải chấp của các công ty chứng khoán. Do đó khi cổ phiếu DPR, NVL, DIG ngừng rơi và có thanh khoản thì áp lực giải chấp sẽ hạ nhiệt”.

Cùng quan điểm trên, Ông Nguyễn Thế Minh nhận định “ Tôi cho rằng nhóm cổ phiếu Dịch vụ tài chính và Bất động sản vẫn đang trong giai đoạn tiêu cực khi thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản vẫn đang gặp khó khăn, đặc biệt các rủi ro thanh khoản của kênh trái phiếu đang ảnh hưởng trực tiếp vào hai nhóm cổ phiếu này”.

Với khó khăn đủ bề từ hoạt động kinh doanh của ngành bởi việc bán hàng khó khăn do lãi suất tăng cao và dòng tiền âm đã khiến cổ phiếu bất động sản càng trở nên lao đao. Đầu tư cổ phiếu bất động sản lúc này có thể nói chịu áp lực kép, tuy nhiên giá cổ phiếu bất động sản hầu hết đều thấp hơn đáy covid19. Do đó lựa chọn những doanh nghiệp dòng tiền mạnh, vay nợ trên vốn chủ sở hữu không quá lớn cùng với các dự án có tính pháp lý cao và ban quản trị có tâm với doanh nghiệp thì nhà đầu tư có thể dễ dàng mua vào lúc này với thị giá chiết khấu so với giá trị sổ sách.