Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Từ tay trắng thành triệu phú nuôi thỏ

16:10 30/05/2020 GMT+7
Tìm hiểu trên Internet, anh Hoàng Trung Tình (nông dân xã Sơn Nga, Cẩm Khê, Phú Thọ) đã mua 10 đôi thỏ New Zealand về nuôi. Bằng nỗ lực tìm tòi học hỏi anh đã gây dựng thành công trang trại thỏ với hàng trăm thỏ nái, thỏ thương phẩm cho thu nhập trên 300

Tìm hiểu trên Internet, anh Hoàng Trung Tình (nông dân xã Sơn Nga, Cẩm Khê, Phú Thọ) đã mua 10 đôi thỏ New Zealand về nuôi. Bằng nỗ lực tìm tòi học hỏi anh đã gây dựng thành công trang trại thỏ với hàng trăm thỏ nái, thỏ thương phẩm cho thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm.

Trang trại nuôi thỏ của anh Hoàng Trung Tình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Nuôi dễ phù hợp với nông dân

Nhớ lại những ngày đầu bắt tay nuôi thỏ, anh Tình cho biết, tình cờ biết đến mô hình nuôi thỏ New Zealand nên mua về nuôi thử. Thấy chăm sóc dễ lại phù hợp với địa bàn, từ đó anh mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, kết hợp nuôi lợn, gà, chim bồ câu. Phân thỏ anh tận dụng để nuôi giun quế xuất bán làm thức ăn trong chăn nuôi, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Anh Tình cho biết: “Hiện nay trang trại có khoảng 50 đôi thỏ nái, còn thỏ giống, thỏ thịt thường xuyên bán thu hàng tháng. Tôi thấy nuôi thỏ hiệu quả cao, bệnh tật ít hơn, cơ bản cho ăn rau muống, rau lang, cỏ ngọt, cỏ voi, rau hoa đom đóm… Nuôi thỏ tuy luôn đòi hỏi cao về kĩ thuật thú y và khâu chọn giống, nhưng cũng rất dễ, chỉ cần làm chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ, khử trùng kịp thời; còn nguồn thức ăn chủ yếu là lúa, gạo, cám, chuối, rau, cỏ thì luôn luôn có sẵn ở địa phương”.

Để đảm bảo chất lượng thịt và giảm bớt chi phí thức ăn chăn nuôi, anh Tình mua máy móc tự chế biến được một phần thức ăn từ lúa, gạo, ngô, rau xanh cho thỏ, lợn, gà và chim. Anh Tình chia sẻ: “Tôi làm thêm cám vi sinh từ ngô, lúa, cám gạo trộn lẫn cho vào máy trộn, ép viên phơi khô cho thỏ ăn dần. Cách chế biến của tôi cứ 1,5 tạ cám ngô, lúa tôi cho 1kg men vi sinh. Ủ men vi sinh cho đường ruột con thỏ tốt, không bị tiêu chảy, vì thỏ hay mắc bệnh tiêu chảy và nấm”.

Thỏ New Zealand là loài có tốc độ sinh sản nhanh, đều, mỗi thỏ mẹ 1 năm có thể sinh sản từ 7 – 8 lứa, mỗi lứa từ 6 – 9 con. Đối với thỏ thịt thương phẩm có thời gian sinh trưởng ngắn, thời điểm xuất chuồng chỉ từ 3 – 3,5 tháng tuổi đã có trọng lượng tới 3kg.

Ngoài nuôi thỏ, anh Tình còn kết hợp chăn nuôi hàng trăm con lợn thịt, vài trăm con gà và chim bồ câu, sau khi trừ chi phí cho thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm. Mô hình chăn nuôi tổng hợp của anh Tình đem lại hiệu quả kinh tế cao và đã có thị trường tiêu thụ tốt, sản phẩm ra đến đâu là hết đến đấy. Đây là một mô hình làm kinh tế nông nghiệp điển hình của xã thu hút được nhiều nông dân đến trao đổi học hỏi kinh nghiệm.

Theo ông Hoàng Văn Duyên – Chủ tịch UBMTTQ xã Sơn Nga: Anh Tình thực hiện mô hình liên kết nuôi thỏ, lợn, gà, chim bồ câu sạch cung cấp nguồn thực phẩm cho nhân dân. Đây là mô hình điểm của địa phương. Không chỉ bằng nghị lực, nhiệt huyết, năng động, dám nghĩ dám làm để vươn lên làm giàu cho bản thân và gia đình mình, anh Hoàng Trung Tình còn luôn nhiệt tình hướng dẫn cho những nông dân có cùng sở thích phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, gia trại. Anh thực sự là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Khi nuôi thỏ cần thiết kế chuồng nuôi thông thoáng, chống được gió lùa.

Những lưu ý khi nuôi thỏ

Giống thỏ trắng New Zealand nhập vào Việt Nam đã được thuần hoá và thích nghi tốt với khí hậu nước ta. Hiện nay giống thỏ này được nuôi tại nhiều địa phương và con giống được bán rộng rãi. Theo Kỹ sư Ngô Văn Bình – Trung tâm Nghiên cứu Dê và Thỏ Sơn Tây (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội): Thỏ New Zealand có nhiều ưu điểm hơn so với các giống thỏ khác như khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, sinh sản nhiều, thịt thơm ngon, hấp dẫn.

Tuy nhiên khi tiến hành nuôi, bà con cần lưu ý chuồng nuôi phải thông thoáng, sạch sẽ, chống được gió lùa, đông ấm, hè mát, dễ quét dọn vệ sinh, thoát phân và nước tiểu dễ dàng. Không nên đặt chuồng nuôi thỏ gần chuồng các gia súc khác vừa ngột ngạt, hôi thối lại dễ nhiễm độc và lây lan bệnh tật sang cho thỏ. Vật liệu làm chuồng có thể là tre, nứa, gỗ, kim loại hoặc inox. Có thể làm chuồng 1 tầng hoặc 2 tầng nhưng nhất thiết phải làm cửa phía trên.

Chọn giống khi thỏ được 45 – 50 ngày tuổi đạt khối lượng từ 1,5 – 1,7kg/con. Bà con cần chọn những con hoạt bát, không bị thương tật, dị tật. Bà con có thể phân biệt giới tính thỏ bằng cách: Một tay cầm da gáy thỏ nhấc lên tay kia kẹp đuôi thỏ vào ngón tay trỏ và ngón giữa. Ngón tay cái ấn nhẹ vào lỗ sinh dục, vuốt nhẹ ngược lên phía trên bụng. Nếu thấy lỗ sinh dục tròn, hình trụ nổi lên và xa lỗ hậu môn đó là con đực, nếu lỗ sinh dục kéo dài thành khe rãnh gần hậu môn đó là con cái.

Thỏ trắng New Zealand là loài ăn tạp với mạng lưới thức ăn đa dạng và phong phú. Các loại thức ăn thô xanh chiếm 50 – 60% khẩu phần ăn/ngày như: Thân, lá cây họ đậu (đậu xanh, đậu tương, lạc, củ đậu, keo dậu…), thân lá nhóm cây lương thực (sắn, ngô, khoai lang…); Lá các loại rau (rau muống, rau cải, xu hào, bắp cả…); Lá các nhóm cây khác (mít, ổi, cỏ voi, cỏ các loại…). Thức ăn củ quả chiếm 30% khẩu phần gồm: Chuối, bí đỏ, cà rốt, thóc, ngô, khoai, sắn…

Lượng thức ăn cho thỏ/ngày bằng 30 – 40% trọng lượng cơ thể. Sau 12h thức ăn không được thỏ ăn hết chúng ta cần loại bỏ và thay thức ăn mới để tránh ôi thiu ẩm mốc làm thỏ bị tiêu chảy. Thỏ con khi nuôi từ vài tuần đến 4 tháng chỉ cần cho ăn cám viên là đủ. Ăn thêm rau cỏ thỏ dễ bị tiêu chảy và chết. Khi thỏ trưởng thành sức đề kháng tốt hơn thể cho ăn thêm rau, cỏ đã rửa sạch sẽ và để ráo nước.

Thỏ rất dễ bị bệnh rối loạn tiêu hoá, bệnh đường ruột. Do đó nên tạo cho thỏ một phản xạ có điều kiện về thời gian cho ăn và thứ tự thức ăn. Thỏ rất thích ăn đêm còn ban ngày thì ngủ nhiều, ban đêm thỏ ăn gấp 2 – 2,5 lần ban ngày. Nếu cho ăn sai nguyên tắc này thỏ rất chậm lớn.

Trong thời gian vỗ béo, nên giảm bớt ánh sáng, tạo không gian yên tĩnh để thỏ nghỉ ngơi, ngủ sau khi ăn. Trước khi giết thịt 7 ngày nên giảm thức ăn thô (cỏ khô, rơm…) để tăng chất lượng thịt. Vì vậy, để hạn chế tối đa tổn thất kinh tế do dịch bệnh, điều rất quan trọng trong chăn nuôi thỏ là tạo ra môi trường tiểu khí hậu chuồng nuôi hợp vệ sinh và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.

Để phòng trừ dịch bệnh cho đàn thỏ, theo Kỹ sư Ngô Văn Bình, bà con cần lưu ý, tiến hành tiêm phòng một số bệnh cho thỏ như, bệnh viêm mũi, bệnh ghẻ, bệnh cầu trùng, bệnh bại huyết, đau bụng ỉa chảy.

Thỏ New Zealand là loài có tốc độ sinh sản nhanh, đều, mỗi thỏ mẹ 1 năm có thể sinh sản từ 7 – 8 lứa, mỗi lứa từ 6 – 9 con. Đối với thỏ thịt thương phẩm có thời gian sinh trưởng ngắn, thời điểm xuất chuồng chỉ từ 3 – 3,5 tháng tuổi đã có trọng lượng tới 3kg.

Bài ảnh: Tất Bình