Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Tỷ phú làng” thời công nghệ

16:43 06/09/2020 GMT+7
Những cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ san sát bên nhau tại “Làng tỷ phú” Hải Minh (Hải Hậu, Nam Định) đã tạo nên một khung cảnh vừa hiện đại, văn minh, vừa nhộn nhịp, khẩn trương. Gặp anh Lương Văn Minh – chủ cơ sở đồ gỗ Minh Thuyết nghe anh chia

Những cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ san sát bên nhau tại “Làng tỷ phú” Hải Minh (Hải Hậu, Nam Định) đã tạo nên một khung cảnh vừa hiện đại, văn minh, vừa nhộn nhịp, khẩn trương. Gặp anh Lương Văn Minh – chủ cơ sở đồ gỗ Minh Thuyết nghe anh chia sẻ những khó khăn, thách thức trong việc đưa thành phẩm đến tay người dùng.

Chuyển hướng sản xuất từ thủ công sang công nghiệp

Giống với những cơ sở khác trong xã, nhà anh Lương Văn Minh tập trung làm đồ dùng trang trí trong gia đình họa tiết theo lối cổ xưa như trường kỷ, câu đối, sập,… với chất liệu gỗ tự nhiên có giá trị thẩm mỹ và độ bền cao. Dưới bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề, các sản phẩm làm ra của cơ sở anh được khách hàng từ Bắc vào Nam ưa chuộng và được xuất khẩu sang Trung Quốc. Tùy theo mẫu mã, chất liệu mà thành phẩm có giá dao động từ vài triệu đến cả tỷ đồng. Cơ sở của anh cũng tạo công ăn việc làm quanh năm cho khoảng chục người dân trong xã.

Anh Minh giao lưu, đấu giá cổ vật, đồ gỗ trực tuyến trên mạng xã hội.

Gia đình anh sản xuất gỗ mỹ nghệ từ năm 2006, do vốn hạn hẹp nhân công chủ yếu là vợ chồng anh chị và bố mẹ, làm thủ công, hàng tháng chỉ xuất ra thị trường 4 – 5 bộ bàn ghế. Nhìn 3 đứa con thơ, ý chí vươn lên làm giàu trong anh bùng cháy, anh mạo hiểm bỏ vốn hơn 100 triệu đồng đầu tư máy móc hiện đại, vừa tiết kiệm sức lao động vừa năng suất hơn. Thêm vào đó anh cũng tuyển thêm nhiều thợ lành nghề để mở rộng kinh doanh.

Tuy máy móc đã tham gia vào sản xuất nhưng con người vẫn giữ vai trò quyết định. Tại xưởng của anh Minh, người cưa gỗ, người thì chạm đục, khảm trai, đánh giấy ráp…, mỗi người đảm nhận một công đoạn để hoàn thiện sản phẩm, điểm chung đều rất tỉ mỉ. Ngoài những sản phẩm làm theo mẫu mã, anh Minh còn nhận làm theo yêu cầu của khách hàng nên mỗi người thợ ở đây không những dày dạn kinh nghiệm mà còn phải có trí tưởng tượng, sự sáng tạo để thổi hồn vào từng đường nét trạm trổ từ chiếc lá trúc đơn giản đến con công, con phượng phức tạp sao cho sống động nhất để khách hàng hài lòng khi nhận được sản phẩm. Tùy độ khó của sản phẩm, trung bình một sản phẩm để đưa lên kệ mất tầm 5 đến 10 ngày, thậm chí có sản phẩm cần cả tháng mới xong.

Anh Minh kể: “Sản phẩm làm ra phải chất lượng khách hàng mới quay lại, giới thiệu cho người quen để tham khảo, trao đổi mua bán chứ không phải bán một lần rồi thôi. Sản xuất và kinh doanh mặt hàng này cũng không thể nóng vội được, có những ngày chục lượt khách đến hỏi giá xong đi, mình vẫn phải vui vẻ tiễn khách về”. Hiện hàng tháng cơ sở anh bán ra thị trường từ 20 – 30 thành phẩm các loại, thu về 100 triệu – 120 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ tất cả các chi phí nguyên liệu, gia công…

Các sản phẩm tiêu dùng từ gỗ mỹ nghệ ở Hải Minh được cả nước biết đến và đánh giá cao về chất liệu gỗ tự nhiên có độ bền cao như gỗ gụ, gỗ trắc, gỗ hương, gỗ cẩm, gỗ mun… Từ các sản phẩm thông dụng là giường, tủ, bàn, ghế đến các sản phẩm có giá trị như tranh, tượng, tủ chè, sa lông tàu, sập, gụ, tràng kỉ, đồ thờ cúng… đều độc đáo, có tính thẩm mỹ cao. Những người thợ làng nghề với đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ đã chạm khắc nên những sản phẩm gỗ mỹ nghệ đa dạng, tinh xảo với những nét hoa văn độc đáo, hình ảnh tứ linh, hoa lá, mây trời đầy nghệ thuật… Mỗi sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ được giao thoa giữa phong cách nghệ thuật truyền thống và xu hướng thẩm mỹ hiện đại mang thần thái, sắc nét.

Kinh doanh đồ mỹ nghệ luôn phụ thuộc vào thị trường, trước năm 2016 cơ sở của anh Minh sản xuất chủ yếu là đồ gỗ có giá trị cao để xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên gần đây thương mại giữa 2 nước gián đoạn do dịch bệnh, xuất khẩu khó khăn ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm ăn của gia đình, đến nỗi có thời điểm không đủ trả lương cho người làm, anh phải cho họ nghỉ việc. Vợ chồng anh chạy đôn chạy đáo đi vay tiền ngân hàng, người quen để trả nợ. Vì vấn đề này, buộc anh phải nghĩ ra hướng giải quyết. Từ năm 2017, anh bắt đầu kết hợp buôn bán đồ gỗ cùng với đồ cổ, khách đến mua bàn ghế, tủ sập cũng ghé qua tủ đồ cổ của anh để sưu tầm, mua món hàng ưng ý.

Nhận thấy thị trường khách trong nước tiềm năng vẫn rất lớn anh chuyển dần mục tiêu sang phân khúc khách tầm trung, mẫu mã bàn ghế, tủ, sập vì thế cũng thay đổi ít nhiều, giá cả thành phẩm cũng “mềm” hơn, nhưng không vì thế chất lượng sản phẩm kém hơn.

Tiếp cận khách hàng qua “mạng xã hội”

Hầu hết các cơ sở sản xuất tại làng nghề gỗ ở Hải Minh đã có lượng khách nhất định nhưng anh Minh luôn luôn tìm ra hướng đi mới, muốn sản phẩm của quê hương được mọi người biết đến nhiều hơn. Tình cờ, khi lướt đọc tin tức trên mạng anh thấy rất nhiều cơ sở bán quần áo, đồ ăn trực tuyến nên anh đã áp dụng vào chính sản phẩm của mình. Hàng tuần anh dành ra 1- 2 buổi tối giao lưu trực tuyến trên mạng xã hội, chia sẻ kiến thức về đồ gỗ, đồng thời đó cũng là cách để tiếp cận khách hàng gần hơn. Anh hào hứng khi nhớ lại, lúc đầu thực hiện giao lưu trực tuyến qua mạng còn khá gượng gạo, cách nói chuyện cứng nhắc, bị bí từ để diễn giải, quảng bá giới thiệu sản phẩm của mình, người xem thì chủ yếu là người quen vào ủng hộ, nhưng sau chỉnh sửa dần giờ anh giao tiếp đã trơn tru, hoạt bát hơn, lượng người xem cũng tăng đáng kể, luôn ổn định từ 3.000 đến 5.000 lượt xem, khách hàng qua theo dõi trực tuyến trên mạng đã đến cơ sở mua hàng nhiều hơn, anh cũng bớt được thời gian giới thiệu, quảng bá và thông báo giá cả sản phẩm.

Công nhân làm việc tại cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ của anh Lương Văn Minh.

Ngoài ra, hàng tháng anh Minh tham gia sinh hoạt ở Câu lạc bộ Đồ gỗ mỹ nghệ trong huyện hay các hội chợ triển lãm quanh vùng để học hỏi những cái hay, cái đẹp, kỹ thuật chế tạo từ các hộ kinh doanh khác, nếu thấy phù hợp thì anh áp dụng vào sản xuất tại cơ sở của mình.
Sau hơn 10 năm theo nghề gỗ mỹ nghệ, gian khổ có, thách thức có, hiện tại anh đã xây dựng được cơ ngơi khang trang, 3 đứa con của anh chị thấu hiểu được sự vất vả của bố mẹ nên học hành rất chăm chỉ và hiếu thảo.

Anh Minh tâm sự: “Ban đầu mọi người vào địa chỉ trên mạng của mình xem chỉ vì tò mò, sau đó những điều mình chia sẻ, giới thiệu, hướng dẫn, giải thích về mẫu mã, loại gỗ làm ra sản phẩm, xu hướng thị trường…, rất nhiều khách sau khi xem xong đã tìm đến cơ sở tham khảo để mua do họ đã nắm được mẫu mã, đặc tính, giá cả của sản phẩm, công việc của mình dần trôi chảy hơn”.

Bài, ảnh: Ninh Thị Ngà