Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp: Khó khăn từ phía hộ nông dân

(Tapchinongthonmoi.vn) - Với những kết quả ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nói trên có thể thấy sự tham gia của các hộ nông dân còn rất khiêm tốn. Đa phần chủ thể tham gia các mô hình ứng dụng công nghệ cao là các doanh nghiệp lớn và các Hợp tác xã. Vậy đâu là những khó khăn từ phía hộ nông dân?
Gia đình ông Bùi Văn Cương, xã Đại Đồng (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) trồng cà chua ghép giống mới cho năng suất và thu nhập cao. Ảnh: Thành Nam

Mở đầu

Có thể khẳng định, nông nghiệp vẫn luôn là thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam. Tính đến năm 2021, khu vực nông nghiệp đóng góp khoảng 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế (Tổng cục Thống kê, 2022). Đóng góp của ngành Nông nghiệp được ghi nhận ở những khía cạnh cụ thể như sau: 1) Cung cấp lương thực thực phẩm cho nhu cầu xã hội. Sản xuất lúa gạo có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực trong nước, đồng thời góp phần đưa Việt Nam liên tục trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (The World Bank Group and the Asian Development Bank, 2020); 2) Cung cấp yếu tố đầu vào cho phát triển công nghiệp đặc biệt là công nghiệp chế biến; 3) Là thị trường tiêu thụ của công nghiệp và dịch vụ: máy móc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ logistic,.. và 4) Tham gia vào xuất khẩu, đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn. Theo thống kê, năm 2021, xuất khẩu nông sản đã được mở rộng ra nhiều thị trường hơn, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt mức cao kỷ lục trên 48,6 tỉ USD, có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỉ USD là gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, caosu (Bộ Nông nghiệp & PTNT, 2022).

Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, đóng góp tương đối của ngành Nông nghiệp vào GDP của Việt Nam có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Nguyên nhân được chỉ ra là do: 1) Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vẫn đang ở quy mô hộ, nhỏ lẻ, phân tán và đây là nút thắt trong hội nhập quốc tế, giảm khả năng cạnh tranh, khó khăn trong kiểm soát về chất lượng, quy trình, giá thành. 2) Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu tổn thương lớn nhất của biến đổi khí hậu, xảy ra trên cả 7 vùng kinh tế - xã hội, trong đó những vùng trọng yếu về sản xuất nông nghiệp chịu tổn thương lớn nhất, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, vùng ven biển. Dịch bệnh xuyên biên giới trên cây trồng, vật nuôi đang diễn biến phức tạp và khó lường. 3) Bên cạnh đó, quá trình hội nhập sâu vào kinh tế thế giới với các hiệp định thương mại tự do mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng có nhiều quy định khắt khe từ các quốc gia, thậm chí sự cạnh tranh thương mại nông sản gay gắt; 4) Quy mô dân số ngày càng gia tăng (Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp, Viện chính sách chiến lược và PTNT, 2019; Trần Đức Viên, 2020).

Để đối mặt với những thách thức trên, học tập kinh nghiệm từ các nước tiên tiến trên thế giới và trong khu vực, Đảng và Nhà nước ta đã xác định phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, coi đây là phương thức để tăng gia tăng năng suất, khối lượng và nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, gia tăng giá trị cho hàng nông sản; đồng thời giúp cắt giảm chi phí sản xuất, giải phóng sức lao động nông nghiệp, giảm giá thực phẩm, và cung cấp sự lựa chọn tốt hơn cho người dân trong tiêu dùng thực phẩm (Gérard Viatte, 2020). Nghị Quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ định hướng: “Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016). Chính phủ cũng đã đề ra tầm nhìn chiến lược cho ngành Nông nghiệp đến năm 2030: “Phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh;... Đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất trên thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu”. 

Thực trạng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trong cả nước

Việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã ngày càng được nhân rộng trong cả nước. Các mô hình công nghệ cao được ứng dụng phổ biến bao gồm: hệ thống nhà màng, nhà kính, nhà lưới kết hợp với ứng dụng công nghệ số để điều khiển tự động hoặc bán tự động; ứng dụng BigData, IoT, AI trong việc quản lý và chăm sóc cây trồng; vật nuôi, công nghệ tưới tiết kiệm gồm tưới nhỏ giọt, tưới phun sương bán tự động hoặc tự động theo thời gian hoặc theo độ ẩm, nhiệt độ đo được; ứng dụng kỹ thuật canh tác không dùng đất: thủy canh, trồng cây trên giá thể. 

Nhiều nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng ứng dụng khoa học công nghệ rất cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: Tôm, cá tra,… Hàng chục doanh nghiệp lớn ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới như: TH (sữa), Dabaco (chăn nuôi), Nafoods (trồng, chế biến trái cây), Masan (giết mổ, chế biến), Nam miền Trung (tôm), Ba Huân (trứng), Vingroup (rau)... rất nhiều vùng nuôi trồng, nhiều nhà máy chế biến sản phẩm công nghệ cao đã được hoàn thành trong vài năm gần đây. Điều này đã làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp và phát triển bền vững. 

Phát triển các vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Tính đến nay, trên địa bàn cả nước, Chính phủ đã quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển các vùng, khu và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các kết quả cụ thể như sau: 

Theo Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT) thì đến nay mới có 6/63 địa phương công nhận được 16 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Lâm Đồng có 5 vùng, Đắc Nông 4, Kiên Giang 3, An Giang 2, Bà Rịa-Vũng Tàu 1, Phú Yên 1 vùng. Trong đó có 6 vùng nuôi trồng thủy sản, 2 vùng trồng hoa, 2 vùng trồng rau, 2 vùng trồng hồ tiêu, 2 vùng trồng lúa, 1 vùng trồng cà phê và 1 vùng nuôi bò sữa). Cũng chỉ có 56 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (trong đó có 26 doanh nghiệp do Bộ NN&PTNT công nhận, còn lại từ 2018 thì các doanh nghiệp CNC do UBND cấp tỉnh/thành phố công nhận). Đây là những con số rất thấp so với kỳ vọng của Chính phủ và các địa phương. Đặc biệt, còn thiếu thông tin liên quan đến diện tích các vùng sản xuất, quy mô doanh nghiệp đầu tư và nhất là hiệu quả kinh tế.

Đi đầu trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải kể đến tỉnh Lâm Đồng. Diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao năm 2020 đạt 60.200ha, tăng 17.116ha so với năm 2015, chiếm 20% diện tích canh tác. Hình thành được 19 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đã có 2 vùng được công nhận đạt tiêu chí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 308 ha. Toàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC với quy mô canh tác trên 286,8ha chủ yếu là rau, hoa và khoảng 3.200 bò sữa; 31 HTX, 59 trang trại sản xuất nông nghiệp CNC, 154/253 doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, 5 doanh nghiệp được chứng nhận canh tác hữu cơ và 15 doanh nghiệp và trang trại ứng dụng công nghệ thông minh sử dụng hệ thống cảm biến kết nối vạn vật (IoT). Nhiều diện tích sản xuất đã cho doanh thu 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ha, cá biệt đã có thể đạt 8 tỷ đến 24 tỷ đồng/ha. 

Về thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC: Tính đến cuối năm 2020, kết quả triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ có lũy kế cho vay đạt 66.560 tỷ đồng và dư nợ khoảng 27.500 tỷ đồng (hơn 13.400 khách hàng còn dư nợ) (Bộ NN&PTNT, 2021). Đã thu hút nhiều tập đoàn, công ty đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC như Vingroup, NutiFood, Dalat Hasfarm… Thông qua việc thực hiện dự án và sự hỗ trợ một phần kinh phí của nhà nước, các doanh nghiệp đã chủ động huy động nguồn vốn để ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất. Trong năm 2020, có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công và đi vào hoạt động (tăng 04 dự án về số lượng và khoảng 6.000 tỷ đồng về vốn đầu tư so với năm 2019) (Bộ NN&PTNT, 2021). 

Về HTX nông nghiệp công nghệ cao: Tính đến cuối năm 2020, cả nước có tổng số 17.000 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó chỉ có khoảng 1.700 HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (chiếm 10%) (Bộ NN&PTNT, 2021). 

Kết quả sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo từng lĩnh vực

Lĩnh vực trồng trọt

Giai đoạn 2016-2020, lĩnh vực trồng trọt triển khai 64 dự án, tổng kinh phí 264,789 tỷ đồng, xây dựng 723 mô hình, 1.187 điểm trình diễn với sự tham gia 46.672 hộ. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt bao gồm:
Sản xuất giống và ứng dụng rộng rãi các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chống chịu cao, tập trung vào các đối tượng cây trồng chủ lực phục vụ cho an ninh lương thực, xuất khẩu và thay thế nhập khẩu; từng bước áp dụng trong sản xuất giống cây trồng biến đổi gen (ngô, đậu tương, bông); 

Sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, an toàn và hiệu quả cao áp dụng quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), VietGAP, tập trung vào các loại cây lương thực, cây thực phẩm, cây ăn quả và cây công nghiệp chủ lực;

Sản xuất rau an toàn, hoa cao cấp trong nhà lưới, nhà kính; 

Nhân giống và sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu quy mô tập trung;

Sản xuất và ứng dụng các chế phẩm sinh học, các bộ kít chẩn đoán bệnh, các loại phân bón thế hệ mới trong trồng trọt và bảo vệ cây trồng nông nghiệp.

Lĩnh vực chăn nuôi

Giai đoạn 2016-2020, lĩnh vực chăn nuôi triển khai 40 dự án, tổng kinh phí 142,235 tỷ đồng, xây dựng 317 mô hình, với sự tham gia 8.859 hộ. Các mô hình chủ yếu bao gồm: 
Sản xuất giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, tập trung vào một số loại vật nuôi chủ lực, như: Bò, lợn, gia cầm. Điển hình là mô hình cải tạo đàn bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạp (TTNT). Do áp dụng phương pháp nhân giống bằng TTNT đã cải thiện khả năng di truyền, tăng năng suất, chất lượng các thế hệ đời sau. Đồng thời, thông qua kỹ thuật TTNT tạo ra đàn con lai có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với bò Vàng Việt Nam. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đạt được như sau: Khối lượng bê sơ sinh đạt 24,1 kg/con, cao hơn so với yêu cầu dự án 4,1 kg/con (tương ứng 20,5%); Tỷ lệ nuôi sống đến 6 tháng tuổi đạt 99,8%, cao hơn so với yêu cầu dự án 6,8%.

Sản xuất và ứng dụng các chế phẩm sinh học, các loại thức ăn chăn nuôi, vắc-xin, bộ kít mới trong chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh. Mô hình bò vỗ béo: Do bò được tiêm tẩy nội ngoại ký sinh trùng trước khi vỗ béo và cho ăn thức ăn tinh kết hợp với thức ăn xanh một cách hợp lý nên bò có khả năng tăng trọng nhanh, bình quân đạt 736,5 g/con/ngày, vượt so với yêu cầu 36,5 g/con/ngày (tương ứng 5,2%). 

 Lĩnh vực lâm nghiệp

Giai đoạn 2016-2020 lĩnh vực lâm nghiệp đã và đang triển khai 13 dự án với tổng kinh phí: 48.300 triệu đồng, với quy mô 2640ha, 98 mô hình, 189 điểm trình diễn và 2285 hộ tham gia. Các mô hình chủ yếu bao gồm:

Nhân nhanh và sản xuất giống quy mô công nghiệp một số giống cây trồng lâm nghiệp mới, như: Keo lai, bạch đàn bằng công nghệ mô, hom;

Ứng dụng công nghệ viễn thám, hệ thống thông tin địa lý, hệ thống định vị toàn cầu trong quản lý và bảo vệ rừng.

Ảnh minh họa.

Lĩnh vực thủy sản

Giai đoạn 2016-2020 lĩnh vực thủy sản đã và đang triển khai 32 dự án với tổng kinh phí khoảng 111,41 tỷ đồng, khoảng 1.052 hộ tham gia; 313 mô hình với quy mô: 774,8ha ương nuôi; 7.286m3 lồng; 1,5 tấn ngao bố mẹ; 101 tàu khai thác hải sản xa bờ. Các mô hình chủ yếu bao gồm:

Nhân nhanh và sản xuất giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao, tập trung vào một số đối tượng thủy sản chủ yếu, như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, các loại cá nước ngọt, cá biển có giá trị cao, nhuyễn thể hai mảnh vỏ;

Nuôi thâm canh, siêu thâm canh, tự động kiểm soát và xử lý môi trường bằng các công nghệ tiên tiến (chemicalfog, biofloc, lọc sinh học) trong nuôi trồng một số loài thủy sản, như: Cá, tôm;

Sản xuất thức ăn, các loại thuốc phòng trị bệnh thủy sản, sản xuất các bộ kít chẩn đoán nhanh bệnh trên các đối tượng nuôi thủy sản;

Ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý để quy hoạch, quản lý và khai thác nguồn lợi hải sản, các vùng nuôi trồng thủy sản.

Lĩnh vực cơ điện, tự động hóa, sản xuất vật tư, máy móc, thiết bị

Các mô hình tập trung vào:

Ứng dụng các công nghệ tiên tiến, bao gồm công nghệ điều khiển tự động hóa cơ điện, điện tử trong sản xuất các loại vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy, hải sản; 

Xây dựng và phát triển các cơ sở tự động hoặc bán tự động trong trồng trọt (nhân giống và sản xuất rau, hoa), chăn nuôi (lợn, gà, bò), thủy sản (sản xuất giống và nuôi thâm canh cá, tôm).

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT (2021) ước tính có khoảng 520.000ha cây trồng cạn được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên tất cả các vùng, miền của cả nước. Việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong nông nghiệp đã thu hút được sự tham gia ngày càng nhiều của doanh nghiệp, bà con nông dân; mang lại hiệu quả rõ rệt về nhiều mặt (sản xuất, sử dụng tài nguyên nước, cải thiện thu nhập; ứng phó với hạn hán và biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường; tạo tiền đề, cơ sở thực tiễn quan trọng để hoạch định chính sách khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng đất dốc, đất cát, đất sa mạc hóa, suy thoái;…), được 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là ở các vùng hay xảy ra hạn hán, thiếu nước, sản xuất cây trồng cạn chủ lực tập trung hưởng ứng, áp dụng. Điển hình như tại Tây Nguyên, nhiều bà con nông dân đã áp dụng 2 hệ thống tưới tiết kiệm nước (hệ thống tưới nhỏ giọt hay còn gọi là hệ thống tưới Israel) và hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc. Cả hai hệ thống tưới tiết kiệm đều gia tăng lợi nhuận hơn 35,5 triệu đồng/ha/năm (với dự kiến khấu hao hệ thống tưới trong 10 năm); tuy nhiên chỉ cần sau 2-3 năm tích luỹ thì khoản lợi nhuận này cũng đã đủ để bù đắp được chi phí lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm (62-76 triệu đồng/ha). Các hệ thống tưới tiết kiệm đã giúp giảm chi phí đầu vào 10-18 triệu đồng/ha/năm, đây là khoản tiền không nhỏ với đa số nông hộ trồng cà phê hiện nay. Đồng thời tối ưu hoá nước tưới còn gia tăng năng suất vườn cây khoảng 0,5 tấn cà phê nhân/hecta. Ngoài lợi ích kinh tế, tưới nước tiết kiệm góp phần bảo vệ môi trường, giảm lượng nước tưới (600-1.150 lít/gốc/năm, tương ứng 25 - 47,9%). Bên cạnh đó việc bón phân cho cà phê qua hệ thống tưới nước tiết kiệm đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, nhờ đó tiết kiệm lượng phân bón sử dụng (giảm 20-26% lượng phân nguyên chất) đồng thời duy trì và cải thiện độ phì đất.

Những khó khăn từ phía hộ nông dân

Với những kết quả ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nói trên có thể thấy sự tham gia của các hộ nông dân còn rất khiêm tốn. Đa phần chủ thể tham gia các mô hình ứng dụng công nghệ cao là các doanh nghiệp lớn và các hợp tác xã. Vậy đâu là những khó khăn từ phía hộ nông dân?

Thứ nhất, do thiếu và yếu về nguồn lực sản xuất

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hộ nông dân là thành phần kinh tế quan trọng, chiếm ưu thế trong thực hiện các hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nước ta (chiếm 99,84% tổng số đơn vị sản xuất nông nghiệp) (Tổng cục thống kê, 2021). Tuy nhiên các hộ nông dân đa phần là có diện tích đất sản xuất nhỏ lẻ, manh mún (tỷ lệ hộ có diện tích dưới 0,5ha chiếm hơn 65% số hộ). Về nguồn lực tài chính, lượng vốn tiết kiệm để đầu tư tái sản xuất thấp, cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay cũng ít do thiếu tài sản đảm bảo. Về nguồn lực lao động, đa phần lao động ở các hộ là lao động cao tuổi và phụ nữ, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo cao dẫn đến khó khăn trong tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng các công nghệ cao trong sản xuất. Với nguồn lực sản xuất thiếu và yếu như vậy rõ ràng các hộ nông dân không đủ điều kiện để đầu tư cho ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nếu không có sự hỗ trợ từ các tác nhân bên ngoài.

Thứ hai, do ít khả năng tiếp cận thị trường sản phẩm của nông nghiệp công nghệ cao

Theo lý thuyết cung cầu, rõ ràng cầu thị trường vẫn chi phối quyết định và phương thức sản xuất của nhà sản xuất. Đối với các doanh nghiệp và hợp tác xã việc tiếp cận thông tin thị trường sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn so với các hộ nông dân. Do vậy họ cũng nhạy bén hơn với những thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông sản. Những yêu cầu cao hơn về truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã, chất lượng sản phẩm mà người tiêu dùng mong muốn, đặc biệt là thông tin từ phía người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu luôn là tín hiệu buộc các nhà doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hoá, phục vụ xuất khẩu phải ứng dụng công nghệ cao hơn trong sản xuất, thay đổi phương thức sản xuất theo hướng tiên tiến, hiện đại hơn.

Còn đối với hộ nông dân, thị trường mà họ hướng tới đa phần mới dừng lại ở thị trường địa phương, nội địa là chủ yếu với những yêu cầu không qua khắt khe về chất lượng sản phẩm. Do vậy, đối với hộ nông dân, có vẻ tín hiệu thị trường chưa đủ mạnh để buộc họ phải thay đổi phương thức sản xuất, chuyển sang các mô hình ứng dụng công nghệ cao.

Thứ ba, do thiếu tính liên kết với các tác nhân khác trong chuỗi giá trị nông sản

Mặc dù rất đông đảo về số lượng nhưng tính liên kết ngang và liên kết dọc của các hộ nông dân trong các chuỗi giá trị nông sản còn rất lỏng lẻo. Tư duy sản xuất tự phát, thiếu nhất quán ảnh hưởng đáng kể đến kết quả và hiệu quả sản xuất của các nông hộ. Tư duy này chỉ phù hợp với mô hình sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống. Còn khi muốn tham gia sâu hơn, đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi giá trị sản phẩm nông sản có chất lượng và giá trị cao thì tư duy này cần được thay đổi.

Liên kết để mở rộng quy mô sản xuất, tập trung hoá nguồn lực trong sản xuất phải đòi hỏi có sự cam kết mạnh mẽ của các hộ nông dân khi tham gia vào các mô hình. Các mô hình liên kết này sẽ giúp các tác nhân liên quan trong đó có hộ nông dân tự tin hơn trong chia sẻ nguồn lực và có những giải pháp đồng bộ hơn cho phát triển toàn chuỗi. Mặt khác, tính liên kết cao sẽ giúp tăng cơ hội chia sẻ rủi ro, chia sẻ lợi ích trong tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng các công nghệ cao trong sản xuất. Các nghiên cứu về tính liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã chỉ ra đây chính là điểm yếu trong đặc tính của các hộ nông dân ở nước ta.

Kết luận

Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong nông nghiệp, tạo tiền đề hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cho thu nhập cao. Tuy nhiên, rõ ràng chủ thể chính thực hiện quá trình này thuộc về tất cả các tác nhân trong quá trình sản xuất nông nghiệp mà trong đó hộ nông dân đóng vai trò nòng cốt. Do vậy, cần thiết phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, và các chương trình hỗ trợ tập trung, trọng điểm giúp các hộ nông dân dễ dàng tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Hơn thế nữa, cần thiết phải đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, đào tạo nhằm thay đổi nhận thức, hiểu biết của hộ về lợi ích và điều kiện án dụng của các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường liên kết, chia sẻ nguồn lực, thông tin giữa các tác nhân trong các chuỗi giá trị nông sản chủ lực để phục vụ phát triển nền nông nghiệp nước ta theo hướng hiện đại hoá, an toàn và bền vững. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ Nông nghiệp & PTNT (2021). Báo cáo Tổng kết chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2013-2020. Hà Nội.
Bộ Nông nghiệp & PTNT (2022). Báo cáo tổng kết Tổng kết thực hiện Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2021 và triển khai Kế hoạch năm 2022. Hà Nội.
Gérard Viatte (2020). Adopting technologies for sustainable farming systems: An OECD Perspective. Truy cập tại https://www.oecd.org/greengrowth/sustainable-agriculture/2739771.pdf ngày 1/12/2020
The World Bank Group and the Asian Development Bank. (2020). Climate risk country profile: Vietnam. World Bank Publications.
Tổng cục Thống kê. (2022). Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bệ đỡ cho nền kinh tế và “tấm nệm” cho công tác an sinh xã hội năm 2021.
Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp, Viện chính sách chiến lược và PTNT. (2019). Báo cáo tổng quan môi trường phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam. Hanoi.