Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vĩnh Long: Tổng sản phẩm 6 tháng đầu năm tăng 6,69% so với cùng kỳ năm trước

Ái Vân - 16:12 19/07/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chiều ngày 18/7, tại tỉnh Vĩnh Long, UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổ chức Họp báo định kỳ quý II năm 2022.

Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 với tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 18.396,8 tỷ đồng, tăng 6,69% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch theo hướng khá tích cực; tỷ trọng ngành Nông lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I) là 37,66%; ngành Công nghiệp và xây dựng (khu vực II) là 19,78% (trong đó công nghiệp 14,97%); các ngành Dịch vụ (khu vực III) là 42,56%. So với cùng kỳ năm 2021, tỷ trọng khu vực I giảm 2,67 điểm phần trăm; khu vực II tăng 1,98 điểm phần trăm; khu vực III tăng 0,69 điểm phần trăm.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Ái Vân

Sản xuất nông nghiệp tương đối ổn định. Giá trị sản xuất ngành Nông - lâm - thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 6.387 tỷ đồng, tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng sau thời gian bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid -19. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ nông sản có thời điểm chưa thuận lợi, thu nhập người nông dân sụt giảm.Việc tái đàn trong chăn nuôi còn chậm, nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi.

Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch từng bước phục hồi và phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 14,6%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 365 triệu USD, tăng 10,84%; tổng lượt khách đến tham quan du lịch tại tỉnh đạt 410.000 lượt khách, đạt 68% kế hoạch, tăng 73%; doanh thu ước đạt 200 tỷ đồng, đạt 83% so với kế hoạch, tăng 18% so với năm trước. 

Bà Phạm Thị Nở, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Về thu hút đầu tư đạt được kết quả khả quan. Tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 4 dự án với tổng số vốn đăng ký tương đương 933 tỷ đồng và 9 dự án đầu tư mở rộng với số vốn đăng ký tăng thêm 891 tỷ đồng. Phát triển mới 209 doanh nghiệp; thành lập mới 10 hợp tác xã. 

Ngoài ra, công tác tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được tập trung thực hiện. Qua đó, hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.115 khách hàng với dư nợ 681 tỷ đồng.

Công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản được thực hiện nghiêm; việc giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Công tác quản lý môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu tiếp tục được quan tâm thực hiện. Nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tăng cường. Sáu tháng đầu năm 2022, tỉnh có 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 1 huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Vừa qua, tỉnh Vĩnh Long đã làm 30 bộ hồ sơ cấp mã vùng cho khoai lang Bình Tân. Đến nay, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp 4 mã số vùng trồng cho khoai lang. Giá khoai lang huyện Bình Tân hiện nay rất thấp và chưa có đầu ra, tỉnh đã kiến nghị vấn đề trên với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ đang làm việc với phía Trung quốc để tìm đầu ra cho nông dân. Về vùng trồng cam sành tỉnh có 14,973ha, giá cả ổn định, mang lại thu nhập tốt nên vùng trồng phát triển nhanh. Cam sành chưa có thị trường xuất khẩu, chỉ tiêu thụ trong nước.