Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Yên Minh xây dựng thành công 15 sản phẩm OCOP

Tuấn Trung - 07:06 08/07/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Những năm qua, UBND huyện Yên Minh (tỉnh Hà Giang) đã có nhiều giải pháp quan trọng để thúc đẩy thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung và nâng cao giá trị của nông sản.
Nhiều sản phẩm có VietGAP của huyện Yên Minh chinh phục được thị trường trong và ngoài tỉnh.

Ông Sùng Mí Thề - Chủ tịch UBND huyện Yên Minh cho biết: Nhiệm kỳ 2020-2025 Đảng bộ huyện Yên Minh lần thứ XVIII xác định nông nghiệp vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Để nông nghiệp phát triển bền vững huyện Yên Minh đã ban hành: Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 12/4/2021 về phát triển chăn nuôi và các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với du lịch; Chương trình số 21-Ctr/HU ngày 03/3/2022 của Ban Thường vụ Huyện uỷ Yên Minh về triển khai Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 10/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hoá chất lượng cao theo chuỗi giá trị; Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 23/3/2022 của UBND huyện Yên Minh về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hoá chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Hà Giang…

Những năm qua, UBND huyện Yên Minh đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương phát triển một số loại cây có giá trị kinh tế cao như: Hồng không hạt Na Khê - Yên Minh; Xoài Yên Minh; Thảo quả Yên Minh; cây lạc, dong riềng, cây đậu đỏ… Trên địa bàn đã xây dựng được 15 sản phẩm Ocop từ đó tạo điều kiện thuận lợi trong việc thương mại, bao tiêu sản phẩm.

Áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nông dân huyện Yên Minh vừa tiết kiệm chi phí lại tăng giá trị nông sản.

Trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, UBND huyện Yên Minh cũng đã hỗ trợ đầu tư được 5 nhà màng (diện tích 3.000m2) để sản xuất rau an toàn chất lượng cao có ứng dụng công nghệ cao gắn với HTX nông nghiệp tại xã Hữu Vinh và thị trấn Yên Minh. Đến nay toàn bộ nhà màng đã được trồng cà chua, dưa lưới và được sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để cung cấp nước và phân bón, hệ thống đã được số hoá điều khiển tự động và sử dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) trong việc quản lý sâu bệnh hại khi canh tác… Từ đó đã mang lại kinh tế cao gấp 6-8 lần so với canh tác lúa, ngô, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho phát triển nông nghiệp ở địa phương.

Phát huy những thế mạnh trong phát triển nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân Yên Minh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trồng, canh tác các loại cây có giá trị kinh tế cao; nên từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Yên Minh rất quan tâm, coi trọng tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất, đã chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình sản xuất điểm nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân nông thôn. 

“Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện Yên Minh đạt trên 1.000 tỷ mỗi năm. Qua đó đã góp phần quan trọng trong xây dựng phát triển nông nghiệp, nông thôn mang đặc trưng riêng của huyện Yên Minh trong phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thành công”.
Ông Sùng Mí Thề - Chủ tịch UBND huyện Yên Minh