Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Năm 2022, thông tin về 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp sẽ lên sàn giao dịch Postmart.vn

Kiều Anh - 16:07 24/02/2022 GMT+7
Sáng ngày 24/2, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổng Cục Bưu điện Việt Nam tổ chức Hội nghị “Quán triệt triển khai thỏa thuận hợp tác và kế hoạch phối hợp năm 2022 giữa Hội Nông dân Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về việc Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2025”.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh Minh Minh

Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và ông Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự chương trình về phía Trung ương Hội có đại diện lãnh đạo  Ban Kinh tế, Văn phòng, Trung tâm Hỗ trợ Nông dân; về phía Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam có đại diện lãnh đạo các ban chuyên môn.

Chương trình được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Trung ương là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và trực tuyến gần 900 điểm cầu Bưu điện tại các tỉnh, thành phố,  huyện, xã của 63 tỉnh, thành  với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Hội Nông dân và đại diện lãnh đạo các Bưu điện.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, trong thời gian qua Bưu điện Việt Nam đã tham gia rất sâu, rộng vào chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn theo định hướng của Chính phủ như cập nhật thông tin 2,7 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart, hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản như vải thiều (4.000 tấn vải thiều Bắc Giang, Hải Dương), Xoài (Sơn La, Đồng Tháp), cam (Hà Giang, Hòa Bình), nhãn (Đồng Tháp, Hưng Yên…)….

Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành tại các tỉnh phía Nam, Bưu điện Việt Nam đã chỉ đạo các tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ bà con nông dân đưa sản phẩm nông sản lên sàn Postmart và hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản thông qua việc duy trì các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu thông qua hệ thống bưu điện đã phần nào giảm bớt đứt gãy chuỗi cung ứng, giúp các địa phương giảm bớt khó khăn trong khâu tiêu thụ, vận chuyển hàng hóa. Một số địa phương các Bưu điện tỉnh, thành đã chủ động phối hợp rất chặt chẽ với Hội Nông dân tỉnh như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Lạng Sơn…

Năm 2022, Bưu điện Việt Nam tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giúp nông dân nâng cao năng lực chuyển đổi số, Bưu điện Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức các khoá đào tạo, các lớp tập huấn để nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, Internet và thương mại điện tử cho cán bộ, hội viên, nông dân, các chi, tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, hai bên sẽ phối hợp xây dựng sàn Postmart.vn trở thành sàn giao dịch với quy mô quốc gia đối với các sản phẩm nông sản an toàn, hàng hóa của người dân tại khu vực nông thôn...

Theo đó, kế hoạch phối hợp năm 2022 mục tiêu là rà soát, thu thập thông tin đưa 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn. Nguồn thu thập thông tin này dựa trên các mối có sẵn từ Hội Nông dân các tỉnh, thành. Quyền lợi và lợi ích của các hộ nông dân khi lên sàn đó là miễn phí khi lên sàn, hỗ trợ khi khai báo tài khoản điện tử, ví điện tử; hỗ trợ quảng cáo kết nối tiêu thụ sản phẩm; hưởng các chính sách vận chuyển (logistic) về hàng hoá...

Năm 2022, lựa chọn các tỉnh để triển khai thí điểm có: Sơn La, Hà Giang, Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An, An Giang, Đồng Tháp...

Tại hội nghị, có rất nhiều ý kiến từ phía Hội Nông dân, Bưu điện các tỉnh, thành đều có chung nhận định đánh giá cao chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam và Tổng cục Bưu điện Việt Nam  từ Trung ương đến huyện, xã. Xây dựng được chuỗi sản xuất cung ứng  các sản phẩm và đào tạo được nhiều hộ nông dân  biết cách bán hàng trên online.

Bà Nguyễn Thị Mai Thuỷ, Chủ tịch Hôi Nông dân Hà Tĩnh phấn khởi chia sẻ, sự phối hợp của 2 ngành là cơ hội tốt để triển khai đưa  nông sản của nông dân lên sàn thương mại điện tử có bài bản và hiệu quả. Hội Nông dân Hà Tĩnh phấn khởi được chọn thí điểm đầu tiên của chương trình này.  Hội Nông dân Hà Tĩnh và Bưu điện tỉnh đã có một cam kết sắp tới thực hiện thoả thuận này một cách hiệu quả. Trong tháng 11/2021 Hội Nông dân Hà Tĩnh và Bưu điện đã có sự kết nối về sàn giao dịch điện tử, thông qua Bưu điện có 200 tấn bưởi trong đó có hơn 50 tấn bưởi Phúc Trạch được bán trên sàn giao dịch điện tử thành công. Đây là bước đầu mở ra cho nhiều sản phẩm nông sản khác được rao bán trên sàn điện tử. Trong đó có nhiều sản phẩm 3 sao, 5 sao trong sản phẩm OCOP đã lên sàn điện tử...

Đại diện ngành Bưu điện Lạng Sơn cho hay, kết quả của năm 2021 khi có chương trình phối hợp Hội Nông dân tỉnh đã chủ động bắt nhịp và có sự phối hợp chặt chẽ với ngành Bưu điện để có chương trình đào tạo, tập huấn từ huyện, xã, đến thôn. Đưa các thành viên của Hội nông dân tham gia vào tổ công nghệ cộng đồng để triển khai cùng Bưu điện trong việc phát triển đưa hộ nông dân lên sàn điện tử. Năm 2021, trong dịch cao điểm của Covid-19, Bưu điện đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh đưa gần 70 tấn na lên sàn điện tử Postmart, giúp các hộ trồng na không bị thất thu. Hiện Lạng Sơn đang có 64 nghìn hộ nông dân tham gia sàn giao dịch điện tử này...

Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội NDVN phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh Minh Minh

Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao các ý kiến phát biểu đầy tâm huyết, trách nhiệm về vấn đề trong lĩnh vực chuyển đổi số, kết nối và tiêu thụ nông sản, hàng hóa. Hội Nông dân Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam lắng nghe, tiếp thu và phối hợp quyết liệt để thực hiện chương trình thành công.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Định cũng chia sẻ các thế mạnh của Hội Nông dân Việt Nam hiện nay có 4 cấp Trung ương, tỉnh, huyện, xã dưới xã còn có các chi hội, tổ và có các chi hội/tổ sản xuất chăn nuôi theo nhóm. Hội có trên 10 triệu hội viên trong đó có trên 3,5 triệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Hội có 57 Trung tâm hỗ trợ nông dân ở 63 tỉnh, thành đây sẽ là nơi có thể tổ chức những hội thảo, hội nghị, tập huấn, tham quan nghiên cứu và trưng bầy sản phẩm… Dựa trên thế mạnh của Hội sẽ giúp cho sự phối hợp hoạt động của 2 ngành đạt hiệu quả hơn trong quá trình triển khai hoạt động.

Để phối hợp thực hiện tốt Thỏa thuận cũng như Kế hoạch năm 2022, Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Định chỉ đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố phối hợp hiệu quả với Bưu điện các tỉnh, thành phố thực hiện và chủ động thực hiện 11 nội dung như: Chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ chung của cả 2 bên đều có trách nhiệm tổ chức triển khai đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra; Thành lập các tổ công tác phối hợp cấp Trung ương, cấp tỉnh và phân công lãnh đạo, cán bộ phụ trách hỗ trợ, theo dõi, giám sát kế hoạch; Phối hợp rà soát, cập nhật thông tin hộ/trang trại nông dân sản xuất kinh doanh giỏi  giới thiệu lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn; Phối hợp đào tạo, tập huấn hộ/trang trại nông dân sản xuất kinh doanh giỏi về nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, Internet và thương mại điện tử… Hợp tác xây dựng và phát triển chuỗi SX giá trị bền vững gắn với các chương trình, đề án phát triển kinh tế, xã hội địa phương; Phối hợp đề xuất, phát triển lực lượng cộng tác viên, đại lý bán hàng theo các dịch vụ của Tổng Công ty Bưu điện có sẵn với chính sách ưu đãi...