Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bắc Giang tái đàn gia súc thành công nhờ chăn nuôi an toàn sinh học

14:46 18/01/2021 GMT+7
Với các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và các hộ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đến nay, tỉnh Bắc Giang đã khôi phục đàn lợn thành công với tổng đàn hơn 1,1 triệu con.
Nông dân tỉnh Bắc Giang vừa tái đàn lợn thịt.

Nhờ nắm vững kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc đàn vật nuôi theo hướng an toàn toàn sinh học, nhiều hộ chăn nuôi ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã mạnh dạn tái đàn và nhập lợn giống sinh sản về để tăng đàn ngay trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi tái phát trở lại tại một số địa phương ở miền Bắc.

“Trước đây, nuôi lợn phải mất 6 tháng mới được 1,2 tạ nhưng giờ chỉ nuôi 5 tháng 10 ngày hoặc 20 ngày lợn đã đạt 1,2 tạ mà lợn không bị ho, không bị dịch bệnh như trước. Tôi cảm thấy mô hình rất hiệu quả”, anh Hoàng Văn Thuận hộ chăn nuôi ở xã Lan Giới, huyện Tân Yên nói.

Không chỉ khuyến khích các hộ dân tái đàn theo hướng an toàn dịch bệnh, tỉnh Bắc Giang cũng thúc đẩy việc tái đàn đối với những doanh nghiệp (DN) có chuỗi liên kết khép kín để tăng nguồn cung bù đắp lại những thiệt hại sau dịch tả lợn Châu Phi xảy ra.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Bình Minh, huyện Hiệp Hòa chia sẻ, “bí quyết” trong chăn nuôi của hợp tác xã nằm ở khâu chế biến cám và áp dụng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Vì vậy, mặc dù dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, nhưng đàn lợn của các xã viên trong hợp tác xã không bị thiệt hại. Từ việc liên kết chuỗi và làm thương hiệu đã giúp hợp tác xã không chỉ bình ổn giá bán mà còn đem lại thu nhập cao cho các xã viên.

“Giá tốt hơn chính là cắt được khâu trung gian. Hệ thống của hợp tác xã là khép kín từ khâu chế biến, giết mổ, giá đến người tiêu dùng không phải bỏ thêm nhiều tiền nhiều hơn nhưng giá trị gia tăng của người chăn nuôi trong hợp tác xã gia tăng thêm từ 5% đến 10%. Một năm, cứ tính mỗi đầu lợn là gia tăng tối thiểu 200.000 đồng/con với hợp tác xã chăn nuôi khoảng 2.000 lợn thì sẽ gia tăng hơn 400 triệu đồng. Đó là giá trị lợi ích đem lại, qua đó, khích lệ và thúc đẩy bà con chăn nuôi theo hướng bền vững, và làm thương hiệu và chất lượng”, ông Nguyễn Ngọc Hải cho hay.

Thành công từ các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học đối với gia cầm, năm 2020, tỉnh Bắc Giang đã phổ biến mô hình chăn nuôi an toàn sinh học do Cục Chăn nuôi phối hợp với Tổ chức Nông lương của Liên Hợp quốc triển khai ở một số địa phương phía Bắc. Ông Phạm Văn Huấn, Phó trưởng phòng Quản lý giống và kỹ thuật chăn nuôi, Chi cục Thú y tỉnh Bắc Giang cho biết, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học áp dụng đối với quy mô chăn nuôi hộ vừa và nhỏ và trang trại bước đầu đem lại hiệu quả cao.

“Sau khi các hộ và trang trại tham gia mô hình đều nâng cao được ý thức chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học. Quy trình chăn nuôi yêu cầu đảm bảo từ chọn con giống, diện tích và quy mô đàn, vị trí xây dựng trại cách xa khu dân cư. Trong quá trình chăn nuôi phải đảm bảo không gian để vật nuôi phát triển tốt nhất và an toàn dịch bệnh nhất là mầm bệnh của dịch tả lợn châu Phi trong môi trường hiện rất là cao. Những hộ tham gia mô hình đàn vật nuôi rất an toàn và hiệu quả chăn nuôi được cải thiện rõ rệt”, ông Phạm Văn Huấn cho biết thêm.

Đàn lợn này của anh Hoàng Văn Thuấn sẽ xuất chuồng trước Tết Nguyên đán.

Theo ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, kinh nghiệm trong tái đàn sau dịch là chủ động thành lập các tổ hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp an toàn, tập trung thúc đẩy tái đàn đối với các trang trại quy mô lớn đảm bảo điều kiện an toàn sinh học. Đồng thời quan tâm chặt chẽ từ khâu cung cấp con giống, quy trình sản xuất, phương thức chăn nuôi và những “mắt xích” trong phòng chống dịch tốt nhất.

Ông Dương Thanh Tùng cho biết, qua hơn 1 năm dịch tả lợn Châu Phi được kiểm soát chặt chẽ, hiện nay tổng đàn đã tăng khá so với thời gian dịch xảy ra với hơn 1,1 triệu con: “Tổng đàn đã được khôi phục và đây là nguồn thu nhập rất tốt cho người chăn nuôi sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Nguồn thực phẩm năm nay khá dồi dào để phục vụ Tết cho người dân Bắc Giang cũng như các địa phương lân cận hiện nay. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, mỗi ngày Bắc Giang xuất ra từ 300 đến 500 con lợn cho các tỉnh như: Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh. Như vậy, Bắc Giang hoàn toàn chủ động cung cấp nguồn cung thực phẩm cho người dân trong tỉnh cũng như các tỉnh xung quanh”.

Kinh nghiệm tăng đàn, tái đàn nhanh nhất ở miền Bắc sau dịch tả lợn châu Phi xảy ra không chỉ giảm bớt khó khăn đối với người chăn nuôi mà còn đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp Tết của Bắc Giang và của những địa phương lân cận. Bên cạnh đó, việc khống chế thành công dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nói chung, dịch tả lợn châu Phi nói riêng đã và đang góp phần hiện thực hóa mục tiêu trong xây dựng vùng an toàn dịch bệnh hướng đến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi mà tỉnh Bắc Giang có lợi thế./.