Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bản quyền truyền hình thể thao tại Việt Nam: Cuộc chiến mới bắt đầu

21:59 23/09/2018 GMT+7

Bản quyền truyền hình thể thao tại Việt Nam vốn đã cực nóng giữa các nhà đài trong nước, nhưng trong năm 2019 tới đây, cuộc chiến ấy còn trở nên cuộc kỳ khốc liệt khi xuất hiện đối thủ khổng lồ: facebook.

Nỗi lo đến sớm

Theo những con số mới nhất, hiện có khoảng 3,3 tỷ người, chiếm 43% dân số thế giới sử dụng facebook, bất chấp những scandale về an toàn dữ liệu mà mạng xã hội vừa vấp phải. Với con số người dùng khổng lồ đó cùng sức mạnh về nền tảng, công nghệ, lẫn tài chính nên chỉ trong vài năm qua facebook đã biến tương lai báo chí chính thống có tuổi đời lên đến hàng thế kỷ trở thành một dấu hỏi lớn.

Báo giấy dần tàn lụi, báo điện tử cũng phải “bám” lấy mạng xã hội này hòng tăng độ quảng bá, thu hút thêm view và giới truyền thông không chỉ quốc tế mà cả trong nước e ngại về khả năng lấn nốt sân truyền hình khi mà ông chủ Mark Zuckerberg tuyên bố đó chính là mục tiêu nữa của facebook trong tương lai.

Nhưng có lẽ nỗi lo ngại ấy đến còn sớm hơn nhiều. Thay chỉ vì là phương tiện truyền dẫn, facebook dần trở thành nhà sản xuất nội dung và thể thao, mảng thông tin hút khách hàng đầu được mạng xã hội này nhắm đến. Năm 2017, sau khi mua bản quyền để phát trực tiếp giải bóng đá nhà nghề Mỹ MLS, facebook gây cú sốc trên toàn cầu bằng việc đưa giải bóng đá Tây Ban Nha La Liga lên sóng riêng của mình. Điều này có nghĩa là tất cả các khán giả chẳng cần phải ngồi trước màn hình tivi mà có thể xem những trận cầu đỉnh cao ở mọi lúc, mọi nơi có… facebook!

Tưởng đó là vẫn còn là chuyện của thế giới, thì đến đầu tháng 9 này, facebook đã tuyên bố đạt thoả thuận trị giá 264 triệu USD phát sóng trực tiếp giải Ngoại hạng Anh trong 3 năm liên tiếp trên nền tảng mạng xã hội của mình tại 4 quốc gia Đông Nam Á là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Như thế, về lý thuyết từ mùa giải 2019-2020, người dùng facebook nước ta có thể xem trực tuyến các trận đấu của giải đấu này trên internet.

Và cuộc chiến không cân sức

Dù facebook chưa công bố chính thức và chi tiết về bản quyền giải Ngoại hạng Anh trong 3 mùa tới cũng như cách thức cung cấp đến người dùng, nhưng cuộc chiến bản quyền truyền hình thể thao ở Việt Nam bắt đầu nóng bỏng khi gã khổng lồ này chính thức nhập cuộc.

Cuộc chiến bản quyền thật ra thì chẳng phải đến bây giờ nhất là khi liên quan đến thể thao, lĩnh vực hút khách nhất của các nhà đài mặc cho giá bản quyền leo thang đến chóng mặt. Giải Ngoại hạng Anh là ví dụ rõ nhất, khi chỉ vì cuộc chiến giữa các đài trong nước đã đẩy mức giá bản quyền lên chóng mặt – từ 900 nghìn USD mùa giải 2002/2004 lên đến 46 triệu USD cho 3 mùa giải 2016/2019.

Rồi cũng vì cạnh tranh chẳng khác cuộc chiến, khiến không chỉ giá tăng mà các nhà đài còn mất cả khả năng kiểm soát. Gần đây nhất là vụ bản quyền World Cup 2018 mà phải nhờ đến sự hỗ trợ rất lớn từ doanh nghiệp, VTV mới mua nổi. Hay gần hơn, khi mà chính VTV từ chối mua bản quyền ASIAD 2018 vì lý do giá quá cao, thì VOV lại đàm phán thành công để mang hình ảnh của đoàn Thể thao Việt Nam về cho khán giả trong nước.

Nhưng cuộc chiến tới đây thì hoàn toàn khác hẳn. Facebook rõ ràng là đối thủ quá lớn so với các nhà đài trong nước, đó chưa kể nhiều ông lớn OTT khác như Youtube, Amazon, Netflix cũng đã lấn sân truyền hình truyền thống và đang để mắt tới thị trường Việt Nam. Nếu như facebook cứ đơn thuần miễn phí giải Ngoại hạng Anh cho người dùng như các thông tin khác trên mạng xã hội này, thì phần thua chắc chắn thuộc về các đài truyền hình trong nước.

Vì thế, trong động thái mới nhất Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị không cấp phép cho facebook phát sóng giải Ngoại hạng Anh. VNPayTV cho rằng, theo quy định hiện hành, một cơ quan được phát sóng các chương trình truyền hình phải được xem là một cơ quan báo chí. Do đó, facebook cũng phải có các chương trình bình luận tiếng Việt đi kèm theo quy định của Luật Báo chí.

Hiện chưa rõ phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý vụ việc này đến đâu, nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa và đặc biệt hưởng lợi nhất ở đây lại là người dùng, vậy nên mọi khả năng cuộc chiến chưa bắt đầu, nhưng chưa thể khép lại dễ dàng.

Ngọc Minh