Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bảo hiểm nông nghiệp một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Tuy chỉ chiếm khoảng 15%GDP, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn là ngành kinh tế quan trọng, thậm chí được coi là trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh diễn ra một số biến động xã hội khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Thực tiễn cho thấy, ngành Nông nghiệp nước ta bên cạnh nhiều điều kiện thuận lợi, cũng có những khó khăn, thách thức và phải đối mặt với nhiều rủi ro. Do vậy, bảo hiểm nông nghiệp được xem là giải pháp hỗ trợ, bảo vệ người nông dân trước những rủi ro về thiên tai, thời tiết, dịch bệnh,
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tập huấn giảng viên nguồn tuyên truyền về Bảo hiểm nông nghiệp cho cán bộ Hội cơ sở.

Kinh nghiệm triển khai bảo hiểm nông nghiệp ở một số nước 

Bảo hiểm nông nghiệp ở Trung Quốc: Từ năm 2007 đến nay, Nhà nước Trung Quốc đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp và trợ cấp phí bảo hiểm cho nông dân, coi bảo hiểm nông nghiệp là một phần của chương trình xây dựng nông thôn mới. Do vậy thị trường bảo hiểm nông nghiệp Trung Quốc phát triển rất nhanh chóng. Năm 2008, Chính phủ Trung Quốc đã lựa chọn 16 tỉnh để cung cấp bảo hiểm cho cây trồng. Bảo hiểm cho lợn nái và bò sữa được bảo hiểm trên phạm vi toàn quốc. Năm 2010 tổng trợ cấp tối đa khoảng 55% cho lâm nghiệp, 80% cho lợn nái sinh sản, từ 60%- 65% bảo hiểm cho hầu hết các sản phẩm cây trồng và vật nuôi. Trong một số trường hợp chi phí cho giám định bảo hiểm thiệt hại vật nuôi có thể do chính quyền cấp tỉnh chi trả. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ tài chính cho việc thiết lập mới các công ty bảo hiểm nông nghiệp cấp tỉnh và các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp được miễn thuế. Tái bảo hiểm công cộng (trợ cấp hoàn toàn) được cung cấp bởi công ty tái bảo hiểm bổ sung của Trung Quốc chỉ cho các loại cây trồng hay vật nuôi cụ thể, hoặc từ chính quyền các tỉnh hoặc từ thị trường tái bảo hiểm quốc tế.

Bảo hiểm nông nghiệp ở Mỹ: Tại Mỹ có tới 85% nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp. Có rất nhiều yếu tố tạo nên tỷ lệ rất cao này. Thứ nhất là kể đến sự hỗ trợ của Chính phủ (hàng năm Mỹ tài trợ 5 tỷ USD phí bảo hiểm cho chương trình bảo hiểm nông nghiệp); thứ 2 là nhận thức của người dân về vai trò của bảo hiểm rất cao. Chính phủ hỗ trợ cho bảo hiểm nông nghiệp bằng nhiều cách: Cung cấp các khoản trợ cấp bảo hiểm (cho cây trồng một tỷ lệ phí khoảng từ 48% đến 67%, tỷ lệ bảo hiểm vật nuôi khoảng 13%). Chính phủ cung cấp miễn phí hợp đồng bảo hiểm năng suất thiên tai cơ bản cho toàn bộ diện tích cây trồng. Mức bồi thường của hợp đồng cơ bản này là phần tổn thất vượt quá 50% năng suất bình quân của 4 năm trước năm bị tổn thất và tỷ lệ bồi thường chỉ bằng 60% giá trị thị trường dự tính. Ngoài việc hưởng miễn phí theo hợp đồng bảo hiểm năng suất thiên tai cơ bản nói trên, nông dân có thể mua thêm mức trách nhiệm cao, với mức phí có trợ cấp 38% từ Chính phủ. Tổng cộng (cả phần bảo hiểm miễn phí lẫn phần trợ cấp mua bảo hiểm ở mức trách nhiệm cao hơn) mức hỗ trợ phí bảo hiểm của Chính phủ cho cây trồng trên toàn liên bang lên tới 67%. Ngoài khoản này, Chính phủ Mỹ còn hỗ trợ các khoản sau: Hỗ trợ chi phí quản lý cho các công ty bảo hiểm tham gia vào chương trình bảo hiểm nông nghiệp liên bang - tương đương 22% tổng phí bảo hiểm; chính phủ nhận tái bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm và chương trình tái bảo hiểm này tiêu tốn khỏan ngân sách tương đương khoảng 14% tổng phí bảo hiểm. 

Bảo hiểm nông nghiệp ở Nhật: Nhật Bản là nước duy nhất thành công trong việc phát triển chương trình Bảo hiểm nông nghiệp rộng khắp trên quy mô toàn quốc, với số lượng nông dân tham gia bảo hiểm lớn nhất thế giới. Đó là nhờ mô hình tổ chức và hỗ trợ tài chính mạnh từ chính phủ: Hỗ trợ về phí bảo hiểm: tăng dần từ 15% trong những năm 80 lên 50% những năm gần đây. Hỗ trợ chi phí quản lý: phần hỗ trợ này lên tới gấp 3,75 lần tổng phí bảo hiểm thu được, một tỷ lệ lớn nhất trong các nước được WB nghiên cứu.  

Bảo hiểm nông nghiệp ở Tây Ban Nha: Chính phủ có chương trình bảo hiểm quốc gia, thực hiện bởi Agroseguro - tập hợp các công ty bảo hiểm tư nhân hoạt động trong lĩnh vực Bảo hiểm nông nghiệp theo cơ chế chia sẻ rủi ro của bảo hiểm tương hỗ, dưới sự bảo trợ của nhà nước. Bảo hiểm sẽ bao trùm mọi hiểm hoạ cho cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thuỷ sản. Nhà nước chịu 41%, nông dân chịu 59%.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bảo hiểm PVI ký Thỏa thuận hợp tác. Ảnh tư liệu

 

Tình hình triển khai tại Việt Nam

Trên thực tế, bảo hiểm nông nghiệp ở nước ta được Công ty Bảo Việt bắt đầu triển khai từ năm 1982 tại 2 huyện Nam Ninh và Vụ Bản (Nam Định). Đến năm 1998, đã mở rộng dịch vụ tới 26 tỉnh, nhận bảo hiểm cho 200.000ha lúa. Tuy nhiên, bởi nhiều lý do, hoạt động bảo hiểm của Bảo Việt gặp phải không ít khó khăn dẫn đến diện tích gieo trồng được bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm giảm dần, trong khi tỷ lệ bồi thường lại đứng ở mức cao nên đến năm 1999, Bảo Việt phải bỏ cuộc. 

Tháng 3/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2013 tại 21 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ phí bảo hiểm cho người nông dân khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ chi phí quản lý và tái bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm. Đây là điều mà Việt Nam chưa từng thực hiện trước đó, sự hỗ trợ tài chính của Nhà nước đối với bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện cả ở cấp Trung ương và cấp địa phương. Vì vậy, bảo hiểm nông nghiệp đã được tiến hành thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố với 135.916 hộ dân đã tham gia ký kết hợp đồng, trong đó 85% là số hộ nghèo; tổng giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản là trên 2005 tỷ đồng; phí bảo hiểm gần 127 tỷ đồng; tổng số tiền bồi thường trên 35 tỷ đồng.  

 Tuy nhiên sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, từ năm 2014 đến nay, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp đã không có kết quả gì khả quan, các hộ nghèo, hộ cận nghèo không còn được hưởng chính sách thì đã không còn tham gia bảo hiểm. Trong khi đó các rủi ro trong nông nghiệp tiếp tục gia tăng, số người nông dân bị thiệt hại nhiều hơn và mức độ thiệt hại lớn hơn do phát triển quy mô sản xuất.

Trước thực trạng trên, xác định được vai trò quan trọng của Bảo hiểm nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về Bảo hiểm nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg và Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg về sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Tuy nhiên kết quả đạt được chỉ có ở 4 tỉnh: (1) Nghệ An: Triển khai bảo hiểm cây lúa tại 102 xã; tổng số hộ nông dân/tổ chức sản xuất tham gia bảo hiểm: 7.292 (915 hộ nghèo, 3.904 hộ cận nghèo, 2.473 hộ thường). (2) Thái Bình: Triển khai bảo hiểm cây lúa với 5.609 hộ nghèo và hộ cận nghèo tham gia. (3)  Hà Giang: Triển khai bảo hiểm trâu, bò tại 57 xã, thị trấn của 3 huyện, thị xã với 3.481 tham gia. (4) Bình Định: Triển khai bảo hiểm trâu, bò với 339 hộ nghèo và hộ cận nghèo tham gia. 

Từ kinh nghiệm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp của một số nước trên thế giới và tình hình triển khai tại nước ta, để triển khai tốt mô hình này tại Việt Nam cần:

Thứ nhất, cần thiết lập các môi trường pháp lý rõ ràng cho bảo hiểm nông nghiệp, đảm bảo thực thi các hợp đồng bảo hiểm mà cả người mua và người bán.  

Thứ hai, cần xây dựng hệ thống hạ tầng và hệ thống dữ liệu. Bảo hiểm nông nghiệp đòi hỏi một cơ sở hạ tầng đáng tin cậy, đặc biệt là đối với bảo hiểm chỉ số thời tiết.  

Thứ ba, cần tăng cường cung cấp thông tin cũng như nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người nông dân về bảo hiểm nông nghiệp.  

Thứ tư, cần có vai trò Hội Nông dân Việt Nam với tư cách là tổ chức đại diện của nông dân, đảo bảo sự tin cậy, dẫn dắt để nông dân yên tâm tham gia các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp.

Thứ năm, cần thiết lập mô hình bảo hiểm nông nghiệp sao cho phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Ngoài mô hình bảo hiểm chuyên nghiệp (kinh doanh theo luật bảo hiểm, các luật trong lĩnh vực kinh tế); mô hình bảo hiểm có sự hỗ trợ của nhà nước; cần thí điểm mô hình bảo hiểm tương hỗ, bảo hiểm cộng đồng...

Bảo hiểm nông nghiệp giúp nông dân giảm thiểu rủi ro. Ảnh tư liệu

Đề xuất các giải pháp, chính sách thúc đẩy triển khai bảo hiểm nông nghiệp trong giai đoạn tới

(1) Đề xuất mô hình bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam: Kết hợp cả bảo hiểm theo phương pháp truyền thống và bảo hiểm theo chỉ số (tập trung vào chỉ số thời tiết, chỉ số năng suất và chỉ số viễn thám), để hạn chế nhược điểm và phát huy ưu điểm của cả hai loại hình này, lựa chọn tùy thuộc vào loại cây trồng, vật nuôi ở Việt Nam nói chung và từng tiểu vùng nói riêng, sao cho đảm bảo nguyên tắc hài hòa lợi ích của người nông dân, doanh nghiệp bảo hiểm và nhà nước. 

(2) Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động: Đối tượng tuyên truyền chính là cán bộ Hội Nông dân các cấp và hội viên nông dân. Xác định đúng nội dung tuyên truyền trọng tâm và có hình thức phù hợp.

(3) Đề xuất về hoàn thiện khung pháp lý và chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, trước mắt cần có Pháp lệnh về Bảo hiểm nông nghiệp thay thế cho Nghị định số 58/NĐ-Chính phủ; đề xuất về chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

 (4) Triển khai nhóm giải pháp tài chính tạo nguồn đóng góp phí bảo hiểm. Bao gồm: (1) Từ nguồn hỗ trợ của nhà nước theo các chính sách cụ thể về “Đối tượng bảo hiểm”, mức phí bảo hiểm nông nghiệp được hỗ trợ; địa bàn được hỗ trợ; thời gian thực hiện hỗ trợ …(2) trích từ các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và các tổ chức tín dụng khác để có 1 phần đóng phí bào hiểm nông nghiệp. (3) Phần hỗ trợ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra. (4) Giải pháp tài chính vi mô, tín dụng nội bộ và phát huy nội lực của nông dân…

(5) Tăng cường phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam trong công tác tuyên truyền, vận động; Công tác đào tạo, tập huấn, huấn luyện cán bộ; Công tác tham mưu chính sách; Phối hợp xử lý những vấn đề về giải quyết tranh chấp, khiếu nại về Bảo hiểm nông nghiệp.

(6) Huy động nguồn lực từ các chương trình dự án nước ngoài và phối hợp với các tổ chức quốc tế  

(7) Giải pháp nâng cao vai trò của tổ chức Hội Nông dân các cấp trong việc thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp.