Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bảo tồn tiếng khèn Mông ở Tam Đường

Hoàng Cường – Minh Hưng - 07:36 02/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Cây khèn đã trở thành một yếu tố quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào Mông từ bao đời nay. Tiếng khèn, điệu múa là hồn cốt, được hình thành và phát triển cùng đời sống văn hóa, tâm linh của người Mông ở Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Tiếng khèn Mông - giai điệu đa âm sắc của núi rừng

Người Mông gọi tiếng khèn là Krềnh. Khèn Mông là một loại nhạc cụ đa thanh, là thanh âm của núi rừng. Khèn Mông được sử dụng rất đa dạng theo từng hoàn cảnh khác nhau như trong những dịp lễ, tết, chúc mừng, đón khách.... Tiếng khèn vang vọng, lúc khoáng đạt, lúc nỉ non, dìu dặt. Người Mông sử dụng khèn trong những ngày lễ truyền thống, để đệm cho người hát các bài dân ca, có khi bắt nhịp cho các vũ điệu mạnh mẽ, sử dụng trong những ngày vui.

Con trai Mông, người nào cũng đều có chiếc khèn trên vai mỗi khi lên nương hay xuống chợ. Âm thanh của khèn vút cao vừa như trách, vừa như hờn giận, vừa như mời gọi… và cũng mạnh mẽ như chính hơi thở cuộc sống người Mông vậy. Bởi, nếu không mạnh mẽ, người Mông chắc khó lòng sống nổi với sự khắc nghiệt nơi núi cao đầy đá, nắng và gió lạnh…. Tiếng khèn cũng như mang trong mình một ma lực quyến rũ, vang vọng và nồng nàn giữa núi rừng đầy huyền bí nhưng rất gần với con người. Ở Tam Đường hiện có một số nghệ nhân người Mông chế tác khèn như các ông Giàng A Nhà, Giàng A Dơ, bản Sin Câu, xã Thèn Sin; ông Thào A Dũng, nghệ nhân dân gian khèn Mông ở xã Nùng Nàng.

Để làm được một cây khèn ưng ý phải mất rất nhiều công đoạn. Khèn được chế tác bằng gỗ cùng 6 ống trúc lớn, nhỏ, dài, ngắn khác nhau. Sáu ống trúc tượng trưng cho 6 anh em tụ hợp trên cùng cây khèn, được xếp khéo léo, song song trên thân khèn.

Nghệ nhân Giàng A Dơ, bản Sin Câu, xã Thèn Sin (huyện Tam Đường, Lai Châu) chế tác thân của cây khèn được làm bằng gỗ pơ mu.

Khèn có lưỡi gà làm bằng kim loại. Lưỡi gà được chế tác bằng đồng dát mỏng. Lưỡi gà kêu vang được gọi là “đồng hưởng.” Lưỡi gà đầu gắn hạt sáp lớn thì âm trầm, gắn hạt sáp nhỏ thì âm bổng. Làm được chiếc lưỡi gà ưng ý phải qua nhiều công đoạn và kỳ công trong chế tác. Thông thường, người Mông hay chọn vật liệu bằng đồng để làm lưỡi gà. Họ ngồi bên bờ suối lựa chọn những hòn đá ráp mịn, mài bằng tay dưới nước cho đến khi nào chúng phát ra âm thanh chuẩn mới thôi. Lưỡi gà chuẩn tùy thuộc vào chiều dài và độ dày của ống trúc. Thân khèn được lựa chọn từ gỗ thông đá mọc trên núi cao.

Nghệ nhân chế tác khèn phải học nấu đồng và nắm chắc kỹ thuật tôi, rèn, cho ra các lá đồng có chất lượng tốt và có độ mỏng phù hợp để làm lưỡi gà.

Thanh gỗ được sấy khô cho hết tinh dầu và nhựa rồi được hơ qua hơ lại trên lửa, sau đó sấy ít nhất 2-3 tháng ở trên các bếp để ăn khói. Khèn Mông có 6 ống. Để tìm và làm được một ống khèn Mông vừa tròn, vừa dày, vừa dẻo, khó vỡ, khó bẹp, các chàng trai phải đi vào tận trong rừng sâu có núi đá, có khi hàng tháng mới tìm được ống trúc ưng ý. Ống trúc không được già quá cũng không được non quá.

Để có những ống trúc làm khèn, nghệ nhân Giàng A Dơ phải lựa chọn những cây trúc có trên 10 năm tuổi, thẳng đẹp, thân cây trúc phải được thông cho sạch hết trong ống để hơi thổi ra được.

Trúc được phơi sương và hong trong nắng, trong bóng râm, ít nhất là 2-3 tháng. Khi đem ra để làm, họ phải lau bằng nước chanh quả hoặc cơm mẻ để trả lại màu vàng óng tự nhiên của thân trúc. Phần đai quấn quanh ống được làm bằng dây gai. Dây gai được sấy trên gác bếp, ngâm vào nước cho dẻo mềm, dai không khác gì da thuộc, nhưng lại có ưu điểm mềm mỏng, dễ thắt nút. Màu của dây gai đen nâu nổi bật trên nền trúc vàng óng, màu gỗ vàng ngà.

Thành lập CLB Khèn Mông để bảo tồn nét văn hóa độc đáo dân tộc

Đồng bào dân tộc Mông ở Lai Châu cư trú chủ yếu tại các huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn, Mường Tè và Tam Đường. Cũng như các dân tộc khác, trong quá trình lao động sản xuất, đồng bào Mông đã chế tạo ra nhiều loại nhạc cụ phục vụ đời sống tinh thần của mình. Trong đó, khèn là nhạc cụ độc đáo, đặc trưng gắn với văn hóa, đời sống của người Mông. Tiếng Khèn được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh, không gian khác nhau.

Tiết mục của xã Bản Bo tại Hội thi Khèn Mông lần thứ I năm 2023 với chủ đề “Lời Khèn vọng mãi” do huyện Tam Đường tổ chức.

Đều đặn mỗi buổi sáng chủ nhật, tại Nhà Văn hóa bản Lao Tỷ Phùng, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, bà con dân tộc Mông lại tụ tập cùng nhau thể hiện các điệu múa khèn của dân tộc mình. Tại đây, người dân và du khách cùng nhau giao lưu, chia sẻ và gìn giữ những điệu khèn còn được lưu truyền trong dân gian. Mỗi thành viên ở các lứa tuổi khác nhau nhưng họ có chung một niềm đam mê với tiếng khèn và những điệu múa của dân tộc mình.

Tiết mục múa Khèn do đội văn nghệ và CLB Khèn Mông bản Lao Tỷ Phùng biểu diễn. 

CLB Khèn Mông bản Lao Tỷ Phùng - xã Nùng Nàng được thành lập từ năm 2021 với 14 thành viên, đến nay sau hơn 3 năm hoạt động, số thành viên tham gia CLB là 22 người ở các bản khác trong xã có cùng niềm đam mê khèn Mông. Từ khi được thành lập CLB đã duy trì hoạt động thường xuyên việc luyện tập, đồng thời sưu tầm, học hỏi thêm các bài khèn, điệu múa khèn của các thế hệ trước để góp phần duy trì và bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Cũng từ khi thành lập đến nay, ngoài tham gia biểu diễn trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở thôn bản, trong xã, CLB Khèn Mông của Bản Lao Tỷ Phùng còn thường xuyên giao lưu với các CLB Khèn Mông trong huyện để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tham gia biểu diễn tại Chợ đêm San Thàng, khu du lịch Ô Quy Hồ, biểu diễn quảng bá văn hóa, du lịch tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Hà Nội và Tuần Văn hóa - du lịch Lai Châu tại TP. Hồ Chí Minh được đông đảo khán giả đánh giá cao. Thông qua các hoạt động biểu diễn đã góp phần quảng bá, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông tới nhân dân các dân tộc không chỉ ở trong tỉnh mà còn ở trong cả nước biết đến.

Ông Thào A Dũng, nghệ nhân dân gian khèn Mông ở xã Nùng Nàng.

Để tiếp tục duy trì hoạt động, CLB Khèn Mông cũng đề ra mục tiêu mở rộng quy mô CLB thông qua việc kết nạp thêm hội viên và truyền dạy cho thể hệ trẻ trên địa bàn xã, đồng thời tham gia tích cực các hoạt động văn hóa, văn nghệ do các cấp tổ chức và thường xuyên tham gia các hoạt động giao lưu với các CLB khác trong huyện nhằm học hỏi và tích lũy thêm kinh nghiệm, từ đó nâng cao hiệu quả, giá trị văn hóa của cây khèn Mông.

Ông Hảng A Nhà (Phó Chủ tịch UBND xã Nùng Nàng, Tam Đường, Lai Châu) cho biết: "Chúng tôi đang  nỗ lực tuyên truyền, giữ gìn tiếng khèn Mông. Các nghệ nhân thổi khèn, làm khèn trên địa bàn xã Nùng Nàng đã giúp đỡ câu lạc bộ phát triển và đi vào hoạt động có hiệu quả. Thời gian qua câu lạc bộ đã ôn lại và lưu giữ các giá trị văn hóa của người Mông, nhất là các điệu múa của khèn Mông. Và các điệu múa của khèn Mông này đang được bà con lưu giữ, bảo tồn, phát huy hiệu quả".

Màn đồng diễn khèn Mông tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Tam Đường 2023 tại bản Thèn Pả, xã Tả Lèng. 

Để bảo tồn nét văn hóa độc đáo dân tộc Mông, nhiều năm qua cấp ủy, chính quyền các địa phương ở Lai Châu đã có nhiều chính sách hỗ trợ bà con bảo lưu, giữ nét văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Trong những dịp lễ hội hay các sự kiện văn hóa lớn của địa phương, đều không thể thiếu tiếng khèn Mông. Đặc biệt, ngoài hoạt động tổ chức múa, thổi khèn Mông, địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất và quảng bá khèn, giới thiệu tiếng khèn và các làn điệu múa với bạn bè trong và ngoài nước.