Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bước khởi nghiệp “không giống ai” của triệu phú tuổi 22

13:37 28/03/2021 GMT+7

Khởi nghiệp với ý tưởng “không giống ai”, nên có người từng nói là “điên”. Nhưng với sự đam mê và nỗ lực không ngừng, Nguyễn Đức Thành – chàng “thư sinh” vừa tròn 22 tuổi – đã có nhiều thành công mà không phải ai cũng làm được.

Nguyễn Đức Thành đã nuôi thành công tôm càng xanh, trở thành người đầu tiên đưa loài thủy sản này lên Tây Nguyên.

Khởi nghiệp từ khi còn…thiếu niên

14 tuổi, Nguyễn Đức Thành (trú tại thôn Quảng Tiến, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk) bỏ học để đi làm nông. Bố mất, để lại cho mảnh vườn hơn 3ha, Thành bắt đầu một mình thực hiện những ý tưởng “điên rồ”. Ở Cư M’Gar, không chỉ mẹ Thành mà nhiều người cũng tỏ ra lo lắng trước những gì cậu bé ấy đang làm. Người lại cho rằng cậu bé có gương mặt “búng ra sữa” ấy bị “điên” khi thay đổi những thói quen, đi ngược lại với những “lão làng” trong nghề nông ở địa phương.

Nhưng Nguyễn Đức Thành không từ bỏ, vừa duy trì những gì có sẵn trên mảnh vườn bố để lại, một mặt bắt đầu chuyển đổi dần một số cây con theo ý tưởng riêng của mình.

“Em đam mê nông nghiệp từ khi nào cũng không nhớ. Nhưng gần như ngoài thời gian học, em lại dành hết cho việc tìm hiểu học hỏi các mô hình nông nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi bắt đầu được “làm chủ”, em thấy cái gì hay là tìm cách thực hành ngay. Nhưng do không có vốn, em buộc phải giữ lại vườn cây của bố nhằm duy trì thu nhập để lấy vốn nuôi dưỡng những ý tưởng” – Nguyễn Đức Thành bộc bạch.

“Ngày ấy, thấy trái cây có nhiều triển vọng nên em bắt đầu về miền Tây mua hàng loạt loại giống cây về trồng thử nghiệm. Tây Nguyên đất đai phì nhiêu, có thể nói trồng bất cứ cây gì cũng có thể phát triển tốt. Nhưng em không trồng như mọi người. Cái em muốn đó là phải làm sao có được sản phẩm tốt nhất, an toàn nhất cho người tiêu dùng”- Thành cho biết thêm.

Quả thực, ở Tây Nguyên có thể nói rất nhiều loại cây trái cứ trồng xuống đều sinh trưởng, phát triển rất tốt và năng suất rất cao. Nhưng Thành đã thất bại ngay từ buổi ban đầu. Bởi cậu đã không chọn cách trồng an toàn nhất mà lại trồng theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Do không dùng phân, thuốc hóa học nên không thể kiểm soát được sâu bệnh.
“Đã có lần vườn ổi của em bị hư một lúc 2-3 tấn phải bỏ đi không thể bán được. Hơn nữa, ngày ấy giống cây giá khá cao, trong khi đó giá ổi lại thấp, phân bón hữu cơ để bón cho cây cũng tốn kém không ít nên em đã gặp rất nhiều khó khăn”- Thành tâm sự.

Nhưng Thành không nản chí. Chàng trai trẻ ấy vẫn kiên trì mày mò, học hỏi để tìm cách chế ngự sâu bệnh và quyết tâm thực hiện bằng được ý tưởng phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Sau một năm với những nỗ lực không ngừng cuối cùng vườn ổi của Nguyễn Đức Thành đã không còn sâu bệnh. Thành đã làm ra những quả ổi ngon nhất nhì ở Cư M’gar và hoàn toàn “sạch”. Tiếng lành đồn xa, chẳng mấy chốc vườn ổi của Thành đã được nhiều người biết đến. Thành không chỉ bán ổi được giá cao mà sản phẩm làm ra bao nhiêu đều được tiêu thụ hết. Từ thành công này, Thành đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ khu vườn mà bố để lại sang trồng các loại trái cây.

Liên tiếp trong mấy năm gần đây, khu vườn của Thành đã cho lãi ròng trên dưới 300 triệu đồng/năm. Ngoài ổi, vườn cây còn có 17 loại cây trái khác trong đó một số loại cây như dừa Xiêm lùn, vú sữa… đã bắt đầu cho thu nhập. Tất cả sản phẩm của Thành đều là nông sản “sạch” và luôn bán được giá cao hơn sản phẩm cùng loại.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông Bùi Văn Cường (giữa) đến thăm mô hình của Nguyễn Đức Thành.

Người đầu tiên đưa tôm càng xanh lên Tây Nguyên

Không chỉ trồng cây ăn trái, những năm qua, Thành từ Đắk Lắk về miền Tây như một con thoi để mang về hàng chục giống cây ăn trái để bán cho người trong vùng. Ngoài vườn cây, Thành còn có một hồ cá rộng khoảng 1ha với các loại cá như rô phi, cá trắm, cá chép, cá mè… Trong khu vườn của mình Thành còn mở dịch vụ ăn uống, giải trí để phục vụ khách đến tham quan. Tất cả những việc đó gần như chỉ một tay Thành tự lo liệu, mẹ Thành chỉ là người hỗ trợ về mặt tinh thần.

Thế nhưng với niềm đam mê nông nghiệp, Thành vẫn chưa hài lòng với những gì đang có. Chàng trai ấy lại tiếp tục làm chuyện “điên rồ” mà ở Tây Nguyên chưa ai dám làm. Đó là đưa tôm càng xanh từ miền Tây lên Tây Nguyên và cho sống chung với cá.

Năm 2018, Thành quyết định đưa tôm càng xanh về Tây Nguyên nuôi thử nghiệm. Nhưng ngay từ ban đầu, Thành đã thất bại ê chề do tỷ lệ tôm sống rất thấp. Song Thành không bỏ cuộc. Cậu thanh niên ấy chỉ xem thất bại là một bài học. Năm 2019, Thành tiếp tục mua thêm 30 ngàn con tôm giống càng xanh về nuôi, sau khi đã nghiên cứu kỹ các điều kiện về môi trường sống của loài vật này. Và Thành đã bắt đầu đạt được kết quả khả quan khi thu về được hơn 200kg tôm càng xanh, lãi gần 30 triệu đồng.

Năm 2020, với những kinh nghiệm đã có, Thành tiếp tục mua 100 ngàn tôm càng xanh giống về nuôi. Và lần này, mặc dù tỷ lệ tôm chết vẫn còn khá cao nhưng Thành đã thành công nhờ giá bán tôm cao hơn thị trường rất nhiều. Thành cho biết, so với những lần trước, lần này tôm càng xanh sinh trưởng phát triển khá tốt. Tỷ lệ trung bình đạt từ 9-14 con/kg.

Do không sử dụng cám công nghiệp mà cho ăn ngô, đậu nành và những sản phẩm nông nghiệp có sẵn nên tôm càng xanh của Thành nuôi được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Nhờ đó, tùy theo trọng lượng, giá tôm của Thành bán ra giao động từ 350 – 500 ngàn đồng/kg, cao hơn rất nhiều sao với giá thị trường. Dù vậy, rất nhiều người tiêu dùng vẫn chọn sản phẩm của Thành.

Từ một cậu bé bắt đầu khởi nghiệp bị gọi là “điên”, Thành giờ đây đã được rất nhiều người biết đến. Nhiều năm qua, chàng trai ấy luôn nhận được sự động viên khích lệ từ chính quyền địa phương thông qua những tấm giấy khen và những cuộc viếng thăm của lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk.

Khu vườn của Thành giờ đây cũng là điểm đến của rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm và tham quan. Hầu hết những người đến đây đều rất thích thú khi được câu cá, ăn trái cây hữu cơ tại vườn và thưởng thức những con tôm càng xanh không chỉ thơm ngon mà “sạch” của Thành.

“Em đam mê nông nghiệp từ khi nào cũng không nhớ. Nhưng gần như ngoài thời gian học, em lại dành hết cho việc tìm hiểu, học hỏi các mô hình nông nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi bắt đầu được “làm chủ”, em thấy cái gì hay là tìm cách thực hành ngay”
Nguyễn Đức Thành chia sẻ.

Tiến Thịnh