Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Các tỉnh lên phương án phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

21:52 23/02/2019 GMT+7
Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi, các ngành chức năng của nhiều tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh biên giới đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh này. Lạng Sơn có đường biên giới dài hơn

Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi, các ngành chức năng của nhiều tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh biên giới đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh này.

Cán bộ Trạm Kiểm dịch động vật cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) tuyên truyền cho người dân về cách phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Lạng Sơn

Lạng Sơn có đường biên giới dài hơn 230 km tiếp giáp với Quảng Tây (Trung Quốc) với 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu chính và các cửa khẩu tiểu ngạch khác, chưa kể rất nhiều đường mòn, lối mở có cư dân biên giới đi lại, do đó, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi thâm nhập vào nội địa rất cao.

Để ngăn chặn dịch, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng phối hợp ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Tại khu vực biên giới, lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu vào trong nước tiêu thụ; tiêu hủy đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu vận chuyển trái phép vào Việt Nam.

Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn đã phun hơn 3.000 lít thuốc tiêu độc, khử trùng tại các huyện, thành phố; tập huấn cho các cán bộ chuyên môn của Chi cục, thú y viên, khuyến nông viên của 5 huyện có đường biên giới giáp với Trung Quốc về bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời xây dựng kế hoạch chi tiết, sẵn sàng ứng phó kịp thời khi bệnh xâm nhiễm địa bàn.

Để chủ động ngăn chặn, ứng phó hiệu quả bệnh dịch tả lợn châu Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành chức năng chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra, rà soát tình hình dịch bệnh tới tận cơ sở, hộ chăn nuôi và báo cáo ngay tình hình lợn ốm, lợn chết với lực lượng chức năng để lấy mẫu xét nghiệm; không để xảy ra tình trạng giấu dịch hoặc chậm phát hiện dịch bệnh; thực hiện quản lý, xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi theo quy định.

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về bệnh dịch, đồng thời yêu cầu các cơ sở, người chăn nuôi lợn chủ động áp dụng các biện pháp tiêu độc, khử trùng; không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các sản phẩm thịt lợn bệnh; mua con giống rõ nguồn gốc; không sử dụng thức ăn thừa; thức ăn tận dụng chưa qua xử lý…

Khi có lợn bệnh, nghi bị bệnh phải báo chính quyền và cơ quan chuyên môn để lấy mẫu xác định nguyên nhân; không được bán chạy, giết mổ, vận chuyển đi nơi khác. Người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời, tổ kiểm soát cơ động theo quy định; xử lý vi phạm tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trái phép theo quy định, phun thuốc sát trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh đã có công điện khẩn chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn virus dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh.

Theo đó, Sở đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp, để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đạt hiệu quả; phân công cụ thể trách nhiệm trong giám sát, báo cáo dịch bệnh từ cơ sở đến cấp huyện.

Tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng hữu quan phối hợp tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh lợn, sản phẩm từ lợn trên toàn tỉnh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu lợn và sản phẩm từ lợn vào địa bàn.

Ðặc biệt, chú trọng khu vực vùng biên tiếp giáp Campuchia, tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc qua biên giới, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; giám sát, kiểm soát chặt chẽ và xử lý dịch bệnh hiệu quả.

Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức họp khẩn với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan việc triển khai đồng bộ giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, chỉ đạo xây dựng và ban hành kế hoạch hành động ngăn chặn, ứng phó khẩn cấp với khả năng dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào địa bàn; tổ chức rà soát, thống kê tổng đàn lợn cụ thể nhằm ứng phó và kiểm soát kịp thời khi dịch bệnh xảy ra.

Đồng Nai hỗ trợ kinh phí tiêm vaccine cho 20.000 con lợn của hộ nghèo. Ảnh minh họa

Đồng Nai hỗ trợ kinh phí tiêm vaccine cho 20.000 con lợn của hộ nghèo

Để đối phó với dịch tả lợn châu Phi, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn Đồng Nai đang thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh trên đàn lợn.

Ngành nông nghiệp Đồng Nai sẽ hỗ trợ kinh phí tiêm vaccine cho hơn 20.000 con lợn của các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và cung cấp thông tin về dịch tả lợn châu Phi cho những đối tượng này.

Tỉnh Đồng Nai đã đề ra các giải pháp nhằm ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi, dự kiến khoảng 5 ngày nữa tỉnh sẽ tổ chức hội nghị cung cấp thông tin, cách phòng chống dịch cho doanh nghiệp, người chăn nuôi. Chiều 21/2, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng đã họp bàn, đề ra giải pháp ứng phó với dịch bệnh này.

Ông Trần Đình Quang, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết, gia đình ông đang nuôi 1.000 con lợn nái và lợn thịt. Ông nuôi lợn nhiều năm và đã gặp nhiều con lợn mắc dịch tả thông thường dùng vaccine là khống chế được. Lợn hiện có giá cao, mấy ngày trước ông đang tính tăng đàn, nhưng giờ lo dịch nên đang cân nhắc giảm đàn để bảo toàn vốn.

“Lúc này, người chăn nuôi cần theo dõi chặt chẽ những thông tin chính thống về dịch tả lợn châu Phi, tuyệt đối không nghe lời đồn thổi và những thông tin chưa được kiểm chứng. Đồng thời, người dân cần thực hành nghiêm các biện pháp phòng bệnh như hạn chế người lạ, phương tiện ra vào khu vực nuôi lợn, sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin”, ông Trần Văn Quang, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.

Cũng theo ông Quang, thời điểm này, bên cạnh thực hiện các giải pháp phòng bệnh phổ thông, người chăn nuôi cần chăm sóc đàn lợn một cách bình thường, tuyệt đối không vì quá lo lắng mà bán tháo đàn.

Nguồn Chi Mai/VGP