Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cần coi doanh nghiệp nhỏ và vừa là “động lực tăng trưởng”

22:14 26/01/2018 GMT+7

Ở nhiều quốc gia, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được xác định là “động lực tăng trưởng”, là “xương sống” của nền kinh tế. Với vai trò đó, công tác hỗ trợ DNNVV được xem như một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Gốm sứ Bát Tràng

Trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, các nước thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ khẩn cấp thông qua các gói kích thích kinh tế, thực hiện giảm và giãn thuế cho DNNVV nhằm giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất. Riêng đối với chính sách ưu đãi thuế thì các nước thường sử dụng tiêu chí doanh thu hoặc thu nhập chịu thuế (doanh thu hoặc thu nhập chịu thuế ở mức thấp thì được miễn, giảm hoặc áp dụng mức thuế suất thấp hơn).

Cũng như nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam, DNNVV đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, để tiếp tục thúc đẩy DNNVV phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phù hợp với nguyên tắc tại Luật Hỗ trợ DNNVV, đảm bảo phù hợp với khả năng hỗ trợ của Nhà nước trong từng thời kỳ thì việc nghiên cứu đề xuất mức thuế TNDN phù hợp với DNNVV là rất cần thiết.

Để đảm bảo đúng mục đích tháo gỡ khó khăn cho DNNVV, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, phù hợp với thực tế quản lý, tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế Thu nhập cá nhân và Luật thuế Tài nguyên mới trình Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị quy định: Doanh nghiệp siêu nhỏ (là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 15%; DNNVV (có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân không quá 200 người/năm; có tổng doanh thu năm từ 3 – 50 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 17%. Doanh thu làm căn cứ xác định DN thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 17% và 15% tại khoản này là tổng doanh thu của doanh nghiệp trong năm.

Trước động thái này, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, giảm thuế thực chất là chính sách nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài, là sự động viên khuyến khích thiết thực để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thêm hiệu quả. Nếu thuế giảm, các điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn, sẽ có một bộ phận không nhỏ hộ kinh doanh trong khu vực phi chính thức chuyển sang thành doanh nghiệp và số doanh nghiệp tăng thêm này sẽ có đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước trong thời gian tới.

Một mức thuế suất ưu đãi hợp lý cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh khó khăn cũng giống như việc người nghèo được cho “cá” trong lúc đói. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, về lâu dài, Nhà nước không thể nuôi người nghèo bằng cá mãi được. Cùng với đó, nên cho họ thêm “cần câu” để họ có thể tự lực, thoát nghèo bằng chính sức mình. ‘Cần câu’ đó chính là các chính sách khác gián tiếp tác động đến môi trường kinh doanh như: Thủ tục hành chính, hành lang pháp lý, tư vấn hỗ trợ cùng những ưu đãi khác ngoài thuế. Như vậy sự hỗ trợ cho doanh nghiệp mới thực sự hiệu quả.

Nhật Minh