Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cần đẩy mạnh chăn nuôi theo chuỗi liên kết

21:04 29/08/2019 GMT+7

Để khắc phục hậu quả và tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi trong bối cảnh Dịch tả lợn châu Phi (ASF) còn diễn biến phức tạp cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của Hội Nông dân (HND) các cấp. Theo đó cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chăn nuôi hiệu quả, bền vững.

Đoàn công tác của Bộ NNPTNT kiểm tra công tác phòng chống dịch ASF tại Thanh Hóa. Ảnh Tư liệu.

7 nguyên nhân khiến dịch lây lan
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính từ đầu tháng 2.2019 đến ngày 8.7.2019, ASF đã xảy ra tại 5.422 xã thuộc 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố với tổng số lợn bị tiêu huỷ lên tới trên 3,5 triệu con. Chỉ còn tỉnh Ninh Thuận chưa có ASF.

Phân tích một số nguyên nhân khiến dịch bệnh lan nhanh sau khi ổ dịch đầu tiên tại Hưng Yên được phát hiện, có thể thấy: (1) Vi rút gây bệnh ASF có sức đề kháng rất cao, chưa có thuốc điều trị và chưa có vắc xin phòng bệnh; tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát. (2) Chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ, mật độ cao, khó thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. (3) Công tác tiêu hủy, khử trùng ở một số nơi chưa được thực hiện tốt, cán bộ thú y không trực tiếp hướng dẫn thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, thậm chí lợn chết nhiều không có chỗ chôn, khiến vi rút gây bệnh nhanh chóng lây lan trong cộng đồng. (4) Cán bộ một số địa phương có hiện tượng trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn. (5) Hệ thống thú y chưa được kiện toàn, củng cố theo đúng quy định của Luật Thú y, chưa chủ động giám sát, tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp về thú y. (6) Công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật chưa đúng với quy định. (7) Công tác tuyên truyền vận động của các đoàn thể, trong đó có HND ở một số địa phương chưa tích cực và hiệu quả.

Qua khảo sát ở một số địa phương, có thể nhận thấy vai trò chỉ đạo, quản lý của chính quyền các cấp và những giải pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả ngăn chặn ASF đã hạn chế tối đa thiệt hại cho bà con nông dân. Cụ thể như Cà Mau chỉ có 9.300 con lợn bị nhiễm bệnh, Lào Cai chỉ có 12.300 con lợn bị nhiễm bệnh. Ngược lại, Đồng Nai là một trong những tỉnh có quy mô đàn lợn lớn nhất cả nước đã thiệt hại nặng nề với 94,3 nghìn con lợn nhiễm bệnh, trong đó có ổ dịch lớn nhất tại Công ty Chăn nuôi heo Phú Sơn (huyện Trảng Bom) với tổng đàn gần 20.000 con. Hay chỉ ở xã Bình Khê (thị xã Đông Triều) đã có hơn 10.000 con bị mắc bệnh (trên tổng số 30.000 con) phải tiêu hủy.

6 giải pháp chăn nuôi bền vững
Có thể nói, từ trước đến nay, chưa có dịch bệnh nào trong nông nghiệp lại gây ra tác hại lớn, nhiều khó khăn, vất vả trong quá trình ứng phó như dịch ASF. Cũng chưa có loại dịch bệnh gì đối với sản xuất mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải liên tục thay đổi sự chỉ đạo, điều chỉnh để đối phó với dịch bệnh. Thiệt hại hơn 12% tổng đàn lợn cả nước là vô cùng nặng nề, ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân, phải mất một thời gian dài mới tiếp tục tái đàn, khôi phục sản xuất.

Đoàn công tác của Trung ương HND khảo sát mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học Trang trại lợn tại xã Đồng Tuyển – TP. Lào Cai.

Nhận định tình hình ASF sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp, cần tiếp tục có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, nhất là HND các cấp. Mặc dù Trung ương HND đã có 3 văn bản chỉ đạo các cấp HND thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống ASF. Tuy nhiên, trong thời gian tới và lâu dài, thực hiện phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “phòng, chống dịch như chống giặc”, “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”, HND các cấp cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp căn cơ sau:

Thứ nhất, tăng cường liên kết trong quá trình chăn nuôi thông qua việc xây dựng và phát triển các chi hội nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Hội, nhằm đạt mục đích: (1) Chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, thống nhất giải pháp chung đối phó với dịch bệnh; (2) Tạo lập các yếu tố tiền đề thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã theo chủ trương của Đảng và nhà nước; (3) Giúp cơ quan quản lý có cơ sở nắm chắc quy mô đàn lợn và chỉ đạo sát thực tế từ khâu lập quy hoạch, tổ chức sản xuất, xác định thị trường và kiểm soát dịch bệnh.

Thứ hai, thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học, sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh đảm bảo duy trì đàn lợn giống phục vụ tái đàn khi kiểm soát được dịch bệnh. Đồng thời tuyên truyền nông dân tái đàn và tổ chức chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Thực tế khảo sát mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học của Tập đoàn phân bón Quế Lâm và Trang trại lợn tại xã Đồng Tuyển (TP. Lào Cai) cho thấy lợn có sức đề kháng tốt hơn, nên ít bị nhiễm bệnh.

Thứ ba, các cơ quan nghiên cứu cần tập trung đẩy mạnh nghiên cứu để sớm sản xuất được vắc xin phòng chống ASF để khống chế, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trở lại.

Thứ tư, mặc dù Chính phủ đã có quyết định số 793/QĐ-TTg, (ngày 27.6.2019) về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống ASF, nhưng qua khảo sát của Ban Kinh tế Trung ương Hội, người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi ở một số địa phương chưa nhận được tiền hỗ trợ, do công tác thống kê và thực hiện các thủ tục hỗ trợ chậm. Mức hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi, 30.000 đồng/kg đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác chỉ giúp người chăn nuôi giảm bớt phần nào thiệt hại, từng bước khắc phục khó khăn. Do vậy, cần có thêm chính sách hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn sản xuất để đảm bảo lượng cung hàng hóa, tránh sự khan hiếm đẩy giá thịt lợn lên cao, ảnh hưởng đến đời sống của người tiêu dùng.

Thứ năm, chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn có quy mô vừa phải, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuồng trại đạt chuẩn, sử dụng đệm lót sinh học, đảm bảo các điều kiện về nhiệt độ, ánh sáng, vệ sinh môi trường, thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm vật nuôi.

Thứ sáu, HND các cấp cần phối hợp triển khai Nghị định 58/2018/NĐ-CP, ngày 18.4.2018 và quyết định 22/2019/QĐ-TTG, ngày 26.6.2019 quy định về bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. 

Cần có thêm chính sách hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn sản xuất để đảm bảo lượng cung hàng hóa, tránh sự khan hiếm đẩy giá thịt lợn lên cao, ảnh hưởng đến đời sống của người tiêu dùng.

Nguyễn Khắc Toàn