Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cần tạo sức bật cho làng nghề gỗ

18:55 05/02/2018 GMT+7

Dù xuất khẩu (XK) gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng đều đặn, đem về nhiều tỷ USD mỗi năm, song thị trường nội địa được nhìn nhận còn không ít tiềm năng. Để tạo sức bật cho đồ gỗ nội địa trong thời gian tới, cần một định hướng rõ ràng cũng như chính sách phát triển phù hợp.

Sức tiêu thụ 2-3 tỷ USD

Đánh giá về tiềm năng thị trường gỗ nội địa, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết: Nhu cầu tiêu dùng gỗ tại thị trường Việt Nam rất lớn. Tổng giá trị tiêu thụ sản phẩm gỗ nội địa khoảng 2-3 tỷ USD/năm. Qua làm việc với Bộ Xây dựng, Vifores nhận thấy, mỗi năm, diện tích nhà ở xây dựng mới khoảng 70-80 triệu m2. Để hoàn thiện số diện tích nhà ở này, lượng gỗ được sử dụng khoảng 2-3 triệu m3. Đó là gỗ phục vụ cho xây dựng như giàn giáo, cốp pha… và gỗ gắn với công trình như tủ bếp, ván sàn, cầu thang… Ngoài ra, nhu cầu các loại đồ gỗ khác như: Đồ gỗ nội thất dùng trong gia đình, đồ gỗ cho trường học, y tế, thể thao, giáo dục… cũng không hề nhỏ.  “Đồ gỗ nước ngoài NK vào Việt Nam bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu. Vậy thì không có lý do gì lại không phát triển đồ gỗ nôi địa để khai thác hết tiềm năng”, ông Quyền nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay nếu so sánh về mặt thị phần tại thị trường nội địa giữa sản phẩm gỗ Việt với sản phẩm nhập ngoại, hàng Việt vẫn chiếm ưu thế khi lan rộng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trải dài từ thành thị tới nông thôn. Năm 2017, tổng giá trị sản xuất tiêu dùng gỗ nội địa khoảng gần 2 tỷ USD, trong đó hàng nước ngoài chiếm khoảng 200-300 triệu USD. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là hàng Việt, tuy chiếm thị phần lớn hơn, song sức cạnh tranh thực tế kém hơn hàng ngoại nhập. Điều này thể hiện ở một số góc độ gồm: Nguyên liệu kém, phần lớn là nguyên liệu thứ cấp, dẫn tới ảnh hưởng đến chất lượng, đồng thời mẫu mã khá đơn điệu. Ngoài ra, dù chất lượng, mẫu mã không bằng, song sản phẩm đồ gỗ nội địa có giá thậm chí còn cao hơn hàng ngoại nhập.

Tạo sức bật cho làng nghề gỗ

Theo một số chuyên gia, để “xốc” lại thị trường gỗ nội địa, có hai hướng là kêu gọi DN XK quay trở lại đầu tư thêm vào thị trường nội địa và thúc đẩy phát triển các DN, làng nghề gỗ Việt. Tuy nhiên, hướng thứ nhất, ông Quyền nhìn nhận rất thiếu khả thi. “DN XK không mặn mà quay lại thị trường nội địa vì làm hàng XK khác hẳn hàng nội địa. DN XK thường phải chuyên nghiệp, ví dụ XK bàn ghế ngoài trời thì công nghệ chỉ chuyên làm bàn ghế ngoài trời, nguyên liệu chủ yếu là gỗ keo, khá đơn giản. Tuy nhiên, nếu quay lại đầu tư vào đồ gỗ nội địa, với đa dạng mặt hàng như đồ gỗ xây dựng, mỹ nghệ, thể thao, văn phòng…, DN lại phải thay đổi công nghệ, mặt bằng sản xuất, đào tạo công nhân… Vấn đề không hề không đơn giản”, ông Quyền phân tích.

Để ngày càng chuyên nghiệp, gia tăng sức cạnh tranh, các DN, làng nghề gỗ cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ

Như vậy, mấu chốt để thúc đẩy phát triển nghề gỗ nội địa chỉ còn lại tập trung nâng cao sức cạnh tranh cho các DN, làng nghề sản xuất, tiêu thụ trong nước. Từ khi mở cửa đến nay, Nhà nước khuyến khích XK nên nhiều DN chủ yếu tập trung XK. DN XK được hưởng lợi thế về chính sách, nhất là chính sách thuế. Bằng chứng là, DN NK gỗ hay XK sản phẩm gỗ, thuế đều bằng 0%. Các vấn đề khác về đối tác, thị trường XK cũng tương đối ổn định. “Ví dụ, Công ty CP Lâm sản Nam Định (NAFOCO), một năm chỉ ký một hợp đồng XK duy nhất với đối tác nước ngoài cũng đã là 50 triệu USD. DN nước ngoài cung cấp cho DN XK mẫu mã, giá cả, số lượng cũng như toàn bộ thông tin về quy định thị trường. DN nội địa làm theo và xuất hàng đi tương đối thuận lợi. Trái ngược với sự ưu ái cho XK kể trên, hiện nay, các DN, đặc biệt là các làng nghề gỗ nội địa đang thiếu nhiều thứ để phát triển”, ông Quyền đánh giá.

Một số chuyên gia nêu quan điểm, muốn phát triển đồ gỗ nội địa, Nhà nước cần xây dựng định hướng phát triển làng nghề gỗ như thế nào cho bài bản. Trong khi chế biến, XK gỗ hầu như năm nào cũng có định hướng thì đến nay chưa có văn bản nào định hướng về nghề gỗ nội địa. Về mặt cơ chế, chính sách cũng cần điều chỉnh, hỗ trợ nhất định, điển hình là trong lĩnh vực thuế. Ngoài ra, điểm quan trọng là Nhà nước cần có chính sách hướng dẫn, khuyến khích xây dựng hệ thống kênh phân phối, đại lý…

Xung quanh câu chuyện này, ông Quyền góp ý thêm: “Về nguồn nhân lực, các khó khăn phải giải quyết là mặt bằng sản xuất, tiếp cận vốn ngân hàng để các DN, làng nghề có thể mua nguyên liệu, nhập công nghệ, thuê lao động… Nếu Nhà nước có văn bản định hướng rõ ràng, từ đó các bộ, ngành đưa ra chính sách cụ thể thì tin rằng các làng nghề gỗ sẽ phát triển mạnh, sản phẩm gỗ nội địa gia tăng sức cạnh tranh”, ông Quyền nói.

Đức Quang