Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cần thúc đẩy xã hội hóa trong đào tạo nghề

Kiều Anh - 07:05 11/12/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong bối cảnh thế giới việc làm có nhiều đổi thay, người lao động cần phải trang bị những kỹ năng toàn diện. Để làm được điều này đòi hỏi phải thúc đẩy xã hội hóa công tác đào tạo nghề, “cởi nút thắt” cho các tổ chức xã hội giúp họ tham gia nhiều hơn nữa vào việc đào tạo.
Học viên mong muốn được học kỹ năng cứng và kỹ năng mềm nhằm thích ứng với thế giới việc làm đổi thay. Ảnh: M.A 

Lao động cần cả kỹ năng mềm 

Có thể dễ dàng nhận thấy hiện nay khung chương trình đào tạo nghề được thiết kế với các khung kỹ năng nghề cơ bản. Các khung này chưa chú trọng tới xây dựng thiết kế, giảng dạy các kiến thức, kỹ năng mềm. 

Kỹ năng nghề cơ bản hay còn gọi là kỹ năng cứng - tức là kỹ năng chuyên môn, giúp lao động làm nghề. Kỹ năng mềm là những kỹ năng bổ trợ giúp lao động thích ứng với nhiều môi trường làm việc. 

Trước đó, trong khuôn khổ của Diễn đàn đa phương (MSF) 2021 với chủ đề “Hợp tác xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho Nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam”, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng (Light) đã công bố Nghiên cứu “Thực trạng tham gia của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội Việt Nam trong nâng cao năng lực cho người lao động phục vụ công nghiệp 4.0”.

Nghiên cứu này cho thấy, hiện nay xã hội chưa chú trọng tới việc nâng cao kỹ năng nghề toàn diện cho lao động. Ngay cả doanh nghiệp (DN) cũng mới chỉ chú trọng tới các kỹ năng cứng (kỹ năng chuyên môn, kỹ thuật). Nhiều kỹ năng mềm như: Giao tiếp; ngoại ngữ; tác phong công nghiệp; khả năng đối thoại, thương lượng tập thể; hiểu biết pháp luật lao động... của lao động rất kém.

Ông Lương Minh Huân - Viện Trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI), trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, hiện nay đa phần cơ sở GDNN các trường đào tạo kỹ năng cứng cho lao động khối chính thức, nhưng kỹ năng mềm thì lại rất thiếu, yếu. 

Trong khi đó, các tổ chức, xã hội như Viện Lingt lại làm rất tốt vấn đề này. Nhiều năm liền tổ chức này đã đào tạo kỹ năng mềm cho nhóm lao động chính thức và cả lao động phi chính thức, trong đó có lao động yếu thế, lao động khuyết tật, lao động di cư.

Bà Nguyễn Hoàng Yến - Quản lý Chương trình của Viện Light cho biết, Viện đã và đang hợp tác với các doanh nghiệp đào tạo kỹ năng mềm như: Kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng thuyết trình; kiến thức luật lao động; đàm phán, thương lượng...

“Nhờ được đào tạo kỹ năng mềm mà lao động có những kỹ năng toàn diện. Qua đó, tăng khả năng thích ứng, khả năng chống chọi với môi trường lao động khắc nghiệt. Nghiên cứu cũng chỉ ra khi lao động đào tạo kỹ năng mềm, quan hệ lao động trong doanh nghiệp hài hòa hơn, giảm thiểu tình trạng đình công, bãi công tập thể...”, bà Yến nói.

Hiệu quả là vậy, nhưng thực tế sự tham gia của các tổ chức xã hội còn gặp nhiều rào cản do cơ chế, thủ tục chính sách.

Bà Nguyễn Thu Giang - Phó viện trưởng Viện Light cho rằng, hiện nay chúng ta có cơ chế kêu gọi xã hội hóa trong giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn nhiều rào cản liên quan tới pháp danh, việc cấp giấy phép đào tạo,... cho các tổ chức xã hội. Hỗ trợ để các tổ chức này liên kết với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tham gia vào đào tạo nghề, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp. 

Giải pháp thúc đẩy tổ chức dân sự vào cuộc

Trước thực trạng trên, nhóm nghiên cứu đã đưa ra khuyến nghị Nhà nước cần phải xây dựng khung kỹ năng toàn diện cho người lao động để các đơn vị dựa vào đó đào tạo, giúp lao động thích ứng với cách mạng 4.0. Nhà nước cũng nên đẩy nhanh xã hội hóa dạy nghề để các tổ chức xã hội có đủ năng lực tham gia mạng lưới này.

Đặc biệt, ông Huân cũng cho rằng Việt Nam cần tăng cường dự báo thống kê để các bên có số liệu tin cậy tính toán phương án nâng cao năng lực cho lao động.   

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, chưa bao giờ việc đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động lại cấp thiết như lúc này. Dịch bệnh, cùng cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra những thách thức kép với người lao động cũng như cơ sở GDNN. Việc nâng cao kỹ năng cho người lao động không phải là câu chuyện của riêng lĩnh vực GDNN, hay trường nghề. Đó là câu chuyện xã hội, vì thế cần có sự huy động của các bên trong việc nâng cao năng lực GDNN mà mục tiêu chính là nâng cao năng lực, kỹ năng nghề toàn diện cho lao động.

“Điều quan trọng nhất lúc này chính là người lao động, chủ sử dụng, cơ sở GDNN, cơ sở đào tạo cần phải thay đổi nhận thức, chuyển đổi để đào tạo nâng cao kỹ năng toàn diện cho lao động”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng cho biết, cơ quan quản lý nhà nước mong muốn thúc đẩy xã hội hóa công tác GDNN, hỗ trợ để các tổ chức xã hội tham gia nhiều hơn vào quá trình đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, đặc biệt kỹ năng mềm cho lao động trong thời gian tới.

Ông Dương Đức Lân - Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và công tác xã hội cho rằng hiện nay vấn đề xã hội hóa công tác giáo dục nghề nghiệp được đặt ra cấp bách, bởi thực tế kỹ năng mềm có vai trò quan trọng không kém kỹ năng cứng. 

“Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, cộng thêm chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, rõ ràng lao động có kỹ năng mềm sẽ thích ứng tốt hơn. Điều này tăng sức mạnh cho lao động, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, thậm chí cả nền kinh tế”, ông Lân nói. 

”Trong xã hội thì doanh nghiệp, nhà nước và tổ chức xã hội là 3 đỉnh của tam giác. Muốn xã hội phát triển thì cần huy động sự tham gia cân bằng của cả 3 đơn vị này. Tuy nhiên thực tế, sự tham gia của các tổ chức xã hội trong các vấn đề, trong đó có vấn đề đào tạo kỹ năng nghề còn hạn chế do chưa được tạo cơ chế phù hợp. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ có cơ chế cấp phép đào tạo cho các tổ chức này”.
Bà Nguyễn Thu Giang - Phó viện trưởng Viện Light.