Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cần tư duy mới và thang giá trị cân bằng

TSKH. Nguyễn Hoàng Huy - 07:04 23/11/2021 GMT+7
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV có nội dung “Xem xét, quyết định Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đây là nội dung rất quan trọng trong đánh giá, sử dụng nguồn lực ưu tiên cho lợi ích quốc gia và phát triển tốt hơn, bền vững hơn trên cơ sở chất lượng của các thể chế nguồn lực được tối ưu hóa. Lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng không nằm ngoài tư duy vốn có này.
Thu hoạch lúa tại Kiên Giang. Ảnh tư liệu

Xét ở bình diện quốc tế, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đang tham gia mạnh mẽ vào  hội nhập với các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Nông nghiệp, nông dân Việt Nam có năng lực tốt về “cung”, thặng dư thương mại đạt 9,5 đến 10 tỷ USD. Việt Nam đã khẳng định vị thế trên thị trường nông, lâm, thủy sản; vươn lên thành nhà cung cấp lớn nông sản trên toàn cầu. Những thành tựu đó khẳng định cơ chế, chính sách đầu tư, tín dụng, khoa học kỹ thuật - công nghệ, cơ cấu ngành Nông nghiệp, năng lực sản xuất kinh doanh của người nông dân đã phát huy hiệu quả. 

Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta còn những hạn chế về chất lượng, tính bền vững và cách thức phát triển. Tỷ suất lợi nhuận thấp, tình trạng thiếu việc làm tương đối nghiêm trọng; an toàn vệ sinh thực phẩm thiếu ổn định; giá trị bổ sung không cao; trình độ đổi mới sáng tạo công nghệ còn thấp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có; trong khi FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa là cơ hội, vừa là đấu trường cạnh tranh “mạnh được thắng thua” - Những hạn chế, yếu kém đang thách thức phát triển nhanh, bền vững của nông nghiệp, nông thôn nước nhà; đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người nông dân về hoàn thiện thể chế kinh tế nông nghiệp, nông thôn cho nông dân làm giàu, có cuộc sống tinh thần phong phú, bình yên, an toàn và hạnh phúc. 

Do vậy, đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp từ thâm dụng tài nguyên và sử dụng nguồn lao động phổ thông sang mô hình tăng trưởng dựa trên 3 trụ cột: Chất lượng, sự gia tăng về giá trị nông sản; tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật - công nghệ tiên tiến và người nông dân chuyên nghiệp trong hệ nông nghiệp sinh thái và phát triển bền vững. Đó là sự thay đổi bên trong của người nông dân, của kinh tế nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với kinh tế thị trường là cách thức làm ăn mới, có thể gọi chung là “đổi mới thể chế”.  Đó là quá trình cam go, thách thức cần tư duy mới và hành động dũng cảm mới thành công. Song trước hết, cần hướng tập trung một số vấn đề sau:

Thể chế về quản lý tài nguyên, môi trường trong thang giá trị cân bằng của đất nước: Trong đó, đất, rừng và khoáng sản là chủ yếu, đang là vấn đề “nóng” từ trong nghị trường đến thực tế kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng và rộng hơn nữa là lòng dân có nơi, có lúc bất an. Đất, rừng, khoáng sản- Tài nguyên vô giá của quốc gia bị khai thác bừa bãi, chiếm dụng vì lợi ích cục bộ, nhóm, cá nhân… diễn ra khá phổ biến ở một số địa phương, vùng miền có tiềm năng, với số vụ vi phạm pháp luật nhiều nhất. Nghiêm trọng hơn là vi phạm có tổ chức và tổ chức vi phạm một cách công khai, kéo dài. 

Mặc dù, nhiều vụ án được khởi tố, pháp luật đã xử lý nghiêm người vi phạm, cán bộ có chức quyền buông lơi trách nhiệm, tham của mà làm mất thanh danh. Đất, rừng, khoáng sản - tài nguyên vô giá của quốc gia vẫn tiếp tục bị xâm phạm. Vì vậy, thể chế quản lý tài nguyên, môi trường cần phải được bổ sung, hoàn thiện về cơ chế, định chế, về thẩm quyền sử dụng, phân bổ… và chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quyền lực và nhân dân. Đất, rừng, khoáng sản phải đặt trong khung khổ pháp luật mới thực sự đảm bảo sinh tồn, sinh kế của người dân. Và càng trở nên quan trọng với người dân ven biển, bãi ngang và đồng bào dân tộc thiểu số ở biên giới, hải đảo, vùng cao. Vì vậy phải bằng cơ chế, chính sách để đảm bảo cho đất, rừng, khoáng sản là nguồn “cung” đầu vào cho chiến lược năng lượng, cho sản xuất nông nghiệp; đảm bảo cho lợi thế cạnh tranh, phòng chống bão lũ thiên tai và phát triển bền vững. 

Về yếu tố xã hội, quản lý đất, rừng, khoáng sản còn là giải pháp “kép” vừa ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng, lãng phí, bất bình đẳng, gây mất trật tự an toàn xã hội, vừa xây dựng niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. 

Thể chế về cơ cấu nông nghiệp, liên kết vùng gắn với thị trường trong thang giá trị nội tại của kinh tế nông nghiệp: Sẽ tạo nên thay đổi bên trong của nông nghiệp, được bắt đầu từ chiến lược sản phẩm trên phạm vi toàn quốc, từng vùng, tiểu vùng… trên cơ sở dự báo thị trường và lợi thế cạnh tranh. Tiếp đến là phát triển, ứng dụng có hiệu quả khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện chiến lược sản phẩm, quản lý theo chuỗi giá trị nông sản ở cả 3 trục: Địa phương, vùng miền và xuất khẩu.

Cơ cấu nông nghiệp, liên kết vùng gắn với thị trường là tổ chức sản xuất theo hợp đồng ở mỗi vùng; trong đó, vai trò của Nhà nước (thông qua các bộ, ngành) giữ vai trò định hướng, quy hoạch, hỗ trợ, dẫn dắt; doanh nghiệp là nhà đầu tư, là “nhạc trưởng” phân chia trách nhiệm, lợi ích; hợp tác xã là nền tảng liên kết nông dân với doanh nghiệp.

Cơ cấu nông nghiệp, liên kết vùng gắn với thị trường, phải gỡ được mâu thuẫn giữa chủ trương, mục tiêu phát triển của từng địa phương khác nhau với việc tạo chuỗi liên kết vùng… trên cơ sở lợi thế so sánh nông sản từng vùng sinh thái, những khó khăn đặc thù mà vùng sinh thái đó gặp phải. Đồng thời liên kết phải hướng đến đảm bảo an ninh lương thực, cân đối về dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm cho trên 100 triệu dân; sinh kế cho hơn 9 triệu hộ nông dân; cung cấp nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp chế biến; bảo vệ môi trường, môi sinh và đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, thể chế phải tháo gỡ “nút thắt”: Chính sách tích tụ đất đai; đổi mới phương thức sản xuất và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Liên kết vùng hướng trọng tâm vào kết nối giao thông, dịch vụ logistics nông nghiệp; liên kết nhân lực, liên kết bảo vệ môi trường và phát triển khoa học - công nghệ, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thực hành nông nghiệp sản xuất tốt (GAPS).

Quy hoạch đất nông nghiệp để tăng hiệu quả sử dụng. Ảnh minh họa

Thể chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân làm giàu, xây dựng nông thôn mới:  Trước hết là hướng trọng tâm vào tạo điều kiện, cơ hội giúp nông dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp tiếp cận chính sách dễ dàng về: Đất đai, tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp đi liền với đầu tư, chuyển giao khoa học - công nghệ nhất là công nghệ cao, công nghệ thông minh... dựa trên nền tảng hộ nông dân chuyên nghiệp, kinh tế hợp tác và doanh nghiệp. 

Trong đó, hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng thương hiệu nông sản cấp quốc gia; xây dựng cơ sở hạ tầng đến vùng nguyên liệu hàng hóa. Ngân sách địa phương hỗ trợ nông dân thuê đất, tập trung ruộng đất, hỗ trợ lãi suất vốn vay và sử dụng lồng nghép từ các chương trình dự án với phát triển sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản. Nâng cao chất lượng nông sản, gia tăng giá trị theo chuỗi và liên kết chặt chẽ giữa nông dân - HTX - doanh nghiệp. Coi trọng nông sản OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao để hình thành trục nông sản vùng miền và xuất khẩu, làm cánh kéo trục nông sản địa phương, cộng sinh với kinh tế du lịch sinh thái ở khu vực miền núi, ven đô và Đồng bằng sông Cửu Long tạo “sức bật” cho tổ hợp tác, HTX phát triển.

Các nguồn lực hỗ trợ nông dân cần hướng mạnh vào nông sản mới, có khả năng phát triển, có thị trường tiêu thụ, có khả năng tạo việc làm thu nhập cho người lao động. Hoạt động khuyến nông phải thực chất trên 4 nội dung: Thông tin tuyên truyền; đào tạo tập huấn; xây dựng mô hình, nhân rộng mô hình khoa học kỹ thuật tiên tiến và hoạt động tư vấn các dịch vụ hỗ trợ nông dân.

Thể chế về hoạt động giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong thang giá trị quyền làm chủ của nhân dân: Cần được mở rộng và thực chất hơn. Tiếp đến, là điều kiện pháp lý bảo đảm cho hoạt động giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tuân theo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước mới tập trung hết tiềm lực, phát huy hết khả năng và tránh được những xung đột, tự phát có thể làm chệch hướng mục tiêu. Cần tập trung vào những vấn đề nhân dân quan tâm như:  

Công khai việc quản lý, sử dụng, phân bổ nguồn lực quốc gia, nguồn lực địa phương, nguồn lực do dân đóng góp cho các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, xây dựng nông thôn mới;

Thực hiện công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên và nhóm đối tượng trong danh mục Đảng, Nhà nước đã ban hành. Những tài sản: Bồi thường thiệt hại, thu hồi trong các vụ án tham ô, lãng phí và tham nhũng… phải được xung vào nguồn ngân sách;

Tổ chức, thực hiện có hiệu quả lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, của cán bộ, hội viên trong tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời mở rộng quyền cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội được tiến hành giám sát dựa trên đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân nhận được và qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng;

Tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp, đối thoại nhiều bên, nhiều cấp cùng tham gia nhằm tạo môi trường dân chủ, cởi mở... Thông qua hoạt động tiếp xúc, đối thoại cấp ủy, chính quyền, cá nhân người có trách nhiệm, thẩm quyền phải trực tiếp trả lời, tiếp thu và giải quyết những vấn đề liên quan đến tổ chức, đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.

33 năm kể từ đột phá của “Chỉ thị 100, Khoán 10” - nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có bước tiến dài với những thành tựu vẻ vang. Tự hào là chính đáng, nhưng tự hào mà quên những khiếm khuyết của cơ chế quản lý, tư tưởng bảo thủ thì đó là rào cản phát triển. Vì vậy, hoàn thiện thể chế đang là một đòi hỏi cấp thiết, cần có tư duy mới và hành động dũng cảm. 

“HTX nông nghiệp đảm nhiệm dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, lo tiêu thụ đầu ra cho nông sản, cung cấp dịch vụ kỹ thuật phục vụ sản xuất, tiến đến cung ấp dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân. Các tổ chức này mang tính cộng đồng, lấy phục vụ hộ nông dân làm mục đích, không phải cánh tay nối dài của nhà nước, cũng không phải doanh nghiệp đi theo mục tiêu lợi nhuận của thị trường” 
TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược NN&PTNT.