Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cây trẩu lấy dầu, nguồn sinh kế cho người dân huyện miền núi Quảng Trị

Đức Thủy - 07:18 02/09/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Là cây không chỉ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống sạt lở đất mà còn mang lại thu nhập cho người dân. Chính vì vậy một số địa phương tại huyện miền núi Hướng Hóa – Đakrông (tỉnh Quảng Trị) thời gian qua đã tăng cường phát triển rừng từ những cây trẩu bản địa để nâng cao năng suất thu nhập cho người dân nơi đây.

“Bén duyên” với vườn nhà, cây trẩu trở thành cây xóa đói giảm nghèo

 Cây trẩu từ xưa đã không mấy xa lạ với những người dân miền núi hai huyện Hướng Hoá – Đakrông. Là cây được trồng để làm hàng rào phân chia địa giới đất rẫy, vườn,.. cây có thân gỗ trung bình, sinh trưởng nhanh. Ngày nay cây trẩu có giá trị kinh tế cao, có thể đáp ứng được nhu cầu lấy nguyên liệu trong thời gian sớm nhất, sớm tạo thu nhập liên tục cho người trồng, giúp người dân cải thiện đời sống, xoá đói giảm nghèo, vừa góp phần vào việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đáp ứng yêu cầu phòng hộ của rừng.

Anh Hồ Xuân Nhàn cho biết, hằng ngày cơ sở của anh thu mua khoảng 1 tấn vào đầu mùa, giữa mùa khoảng từ 3 đến 4 tấn hạt trẩu

Theo thống kê, tại hai huyện Hướng Hóa và Đakrông (tỉnh Quảng Trị) có gần 2.950ha rừng trẩu, trong đó có đến gần 2.700ha rừng trồng tập trung chiếm gần 1/4 tổng diện tích cây trồng trẩu trên cả nước (13.850ha) với tổng sản lượng khoảng 1.000 tấn/ năm và phần lớn hạt trẩu được xuất đi thị trường Trung Quốc làm nguyên liệu chính ép lấy dầu, phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến sơn, véc-ni, mực in, công nghiệp dược phẩm... Riêng phần khô dầu là nguồn phân bón hoặc làm thức ăn gia súc khi đã khử độc tố. Vỏ quả là nguồn nguyên liệu để tách chiết tanin và sản xuất than hoạt tính. 

Ông Bùi Văn Thìn – Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hoá – Dakrông tỉnh Quảng Trị, cho biết hiện Ban Quản lý có trên 2500ha rừng có trồng trẩu bao gồm rừng xen canh và trồng thuần loài, trong đó có khoảng 2000ha đã cho thu hoạch quả. Nguồn thu từ quả hàng năm hiện tại đang cho người dân trên địa bàn thu hái và thụ hưởng, để tạo sinh kế cho người dân tại vùng rừng phòng hộ nhằm giảm thiểu tình trạng xâm lấn các khu rừng phòng hộ khác.

“Để tạo sinh kế lâu dài, bền vững, hàng năm lực lượng ban quản lý hướng dẫn cho người dân chỉ thu lượm, không được trèo lên cây để bẻ cành, hái quả nhằm hạn chế những rủi ro, nguy cơ tai nạn. đồng thời bảo vệ cây nhằm ổn định sản lượng quả. Cây trẩu trên địa bản chủ yếu là trẩu 3 hạt (trẩu nhăn) là cây đa mục đích, mọc nhanh, trồng được trên nhiều môi trường chân đất khác nhau, từ sát sông suối, chua phèn, các đỉnh đồi. Cây chịu được sức gió, độ cao và nguy cơ cháy rừng, đồng thời cây trẩu sẽ tạo được sinh cảnh để những cây rừng bản địa được tái sinh lại như cây họ dẻ, cây côm...” ông Thìn chia sẻ.

Phát triển cây trẩu để trở thành cây xóa đói, giảm nghèo

Anh Hồ Xuân Nhàn ngụ xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá cho biết: Vào mùa thu hoạch quả người dân địa phương thường đi khai thác tự phát mang về bán, hàng ngày cơ sở của anh thu mua khoảng 1 tấn vào đầu mùa, giữa mùa khoảng từ 3 đến 4 tấn với giá quả tươi từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, quả khô có giá khoảng 12.000 – 15.000 đồng/kg. Nếu chịu khó thu hái mỗi người có thể đạt thu nhập từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày.

ông Hồ Văn Thơn, thôn Mã Lai Pun, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá cho hay: “Cây trẩu nếu phát triển tốt thì đến năm thứ 4 là đã có thể thu hoạch trái, tùy theo cây lớn nhỏ mà mỗi cây trẩu cho sản lượng khác nhau, mỗi cây thu hoạch bình quân được khoảng 10 -15 kg, qua đó mang lại nguồn thu nhập thêm đáng kể cho dân bản chúng tôi”.

"Tiếp sức” để cây trẩu phát triển, bỏ lại cái nghèo phía sau

Theo khảo sát, hiện nay ở hai huyện vùng cao Hướng Hóa và Đa Krông còn rất nhiều diện tích ở trên đồi cao không phù hợp với các loại cây trồng truyền thống có thể chuyển sang trồng cây trẩu lấy dầu. Việc chuyển đổi diện tích này sang trồng cây trẩu lấy dầu, là hướng đi giúp hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở hai huyện vùng cao này thoát nghèo bền vững.

Cây trẩu nếu phát triển tốt thì đến năm thứ 4 là đã có thể thu hoạch trái

Theo kế hoạch phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dầu trẩu trên địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông giai đoạn 2023 - 2026, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh Quảng Trị đã nêu rõ quan điểm, sẽ tiếp tục bảo vệ, duy trì ổn định, nâng cao chất lượng gần 2.950ha rừng trẩu hiện có; Tập trung chăm sóc để đạt năng suất quả từ 3 tấn quả tươi/ha trở lên, giá trị thu nhập từ rừng trẩu tăng từ 20% trở lên so với hiện tại. Những năm tiếp theo, diện tích cây trẩu lấy quả có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 1.000 ha; Trồng mới bình quân khoảng 500 ha/năm, trong đó tỷ lệ giống cây trẩu được tuyển chọn, nâng cao chất lượng và kiểm soát nguồn gốc đạt từ 50% trở lên. Hình thành vùng nguyên liệu tập trung khoảng 5.000 ha, hằng năm cung cấp 2.000 tấn hạt trẩu phục vụ cho sơ chế, chế biến và xuất khẩu. Giúp tối thiểu 1.000 hộ gia đình tham gia được tạo thêm việc làm, tăng thu nhập từ trẩu đạt tối thiểu 15% trong kinh tế hộ gia đình.

Mục tiêu đến năm 2030 sẽ hình thành vùng nguyên liệu tập trung khoảng 8.320 ha, hàng năm cung cấp 4.000 tấn hạt trẩu chất lượng cao, phục vụ cho sơ chế, chế biến và xuất khẩu. Diện tích rừng trẩu lấy quả có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt từ 5.000 ha trở lên. Tối thiểu có 2.000 hộ gia đình tham gia trồng và phát triển trẩu.

Việc chuyển đổi những vùng đất trồng cây có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây trẩu lấy dầu, là hướng đi giúp hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Để thực hiện kế hoạch trên tỉnh Quảng Trị sẽ đầu tư 16,26 tỷ đồng phát triển các vùng trồng trẩu tập trung tại các huyện Hướng Hóa và Đakrông. Trong đó, kinh phí từ ngân sách và các chương trình, dự án 13,53 tỷ đồng, nguồn vốn huy động 2,73 tỷ đồng. Mục tiêu của Quảng Trị là phát triển cây trẩu theo hướng ổn định, lâu dài, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa tập trung, quy mô hợp lý gắn với nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ dầu trẩu. Song song với việc phát triển diện tích, địa phương này sẽ xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm từ cây trẩu, nâng cao giá trị sản xuất của ngành Lâm nghiệp, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng và cải thiện đời sống đồng bào vùng cao.

Việc phát triển trồng trẩu lấy dầu sẽ giúp người dân có thêm việc làm ổn định, tăng thu nhập, góp phần nâng cao độ che phủ rừng, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xóa đói giảm nghèo và bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới.