Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chàng trai Raglai “nói được, làm được”

07:10 17/08/2021 GMT+7

Về thôn Bầu Sang, xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hoà hỏi về anh Cao Niếng, dân tộc Raglai, ai cũng biết đến và dành cho cái tên gọi thật đặc biệt là “Người vác tù và hàng tổng”. Gần 10 năm làm Chi hội trưởng Nông dân thôn Bầu Sang, anh Cao Niếng luôn được bà con nông dân yêu mến, kính trọng và bầu chọn là người có uy tín của thôn.

Anh Cao Niếng (ngoài cùng bên trái) chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt với hội viên nông dân thôn Bầu Sang. Ảnh Thanh Sương

Có duyên với “nghề “ vận động, tuyên truyền pháp luật

Từ sự quan tâm hỗ trợ của Ban Thường vụ Hội Nông dân xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh và sự phấn đấu, nỗ lực của bản thân, những năm qua, anh Cao Niếng luôn đi đầu trong mọi công tác của Hội. Bản thân anh không chỉ nắm chắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nội dung chỉ đạo của Hội cấp trên, mà trong các buổi sinh hoạt chi Hội, anh đều phổ biến rất tốt các chủ trương đó đến với hội viên, nông dân.

Nổi bật là việc chi hội của anh đã tổ chức, thực hiện có hiệu quả “Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, phong trào nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng an ninh và những chỉ tiêu thi đua được cấp trên giao trong những năm gần đây…

Gần 10 năm làm Chi hội trưởng Nông dân, anh Cao Niếng chia sẻ: “Bà con mình, đặc biệt là đồng bào dân tộc Raglai vận động khó lắm, cho nên để nói bà con nghe và làm theo thì người cán bộ Hội không những phải sâu sát đời sống hội viên nông dân, mà còn phải “nói được, làm được”. Làm việc gì cũng phải luôn nghĩ đến lợi ích của hội viên nông dân thì mới được bà con tin tưởng và yêu quý…”.

Tiên phong, gương mẫu trong mọi phong trào, năm 2012, anh Cao Niếng được hội viên nông dân thôn Bầu Sang tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng chi hội Nông dân. Nhớ lại thời điểm đó, anh Cao Niếng bộc bạch: “Lúc này, công tác Hội còn gặp nhiều khó khăn do đa phần hội viên là người đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, số hội viên nghèo chiếm tỷ lệ cao, số lượng hội viên tham gia vào tổ chức Hội còn thấp. Do vậy, công tác tuyên truyền vận động nông dân tham gia các phong trào thi đua của Hội cũng như vận động nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn”.

Trước tình hình đó, với vai trò là chi hội trưởng, anh Cao Niếng đã dành nhiều thời gian đến từng hộ trò chuyện, tuyên truyền để bà con hiểu được vai trò, chức năng của Hội và lợi ích khi tham gia tổ chức Hội, từ đó vận động hội viên tích cực tham gia sinh hoạt.

Đặc biệt, anh thường xuyên nghiên cứu, nắm chắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Hội, sự chỉ đạo của Hội cấp trên, để từ đó phổ biến đến các hội viên, nông dân làm sao cho phong trào của Hội ngày càng phát triển và đi lên, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Nhờ đó mà đến nay, 95% hộ nông dân trên địa bàn thôn Bầu Sang có nông dân vào tổ chức Hội.

“Xốc” phong trào bằng những việc làm cụ thể

Với vai trò là cán bộ Hội, là người uy tín của dân tộc Raglai, anh Cao Niếng luôn cố gắng thực hiện tốt các nhiệm vụ mà cấp trên và địa phương giao phó. Trong phong trào thi đua nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, anh đã đến từng nhà tuyên truyền, vận động giúp hội viên nhận thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình, từ đó bà con tự nguyện tham gia đóng góp tiền, ngày công để làm đường bê tông thôn xóm.

Kết quả, anh đã vận động 100% hộ dân hiến 1.000m2 đất nông nghiệp để mở đường; tham gia góp tiền, góp sức, ngày công để làm đường nông thôn. Ngoài ra, anh Cao Niếng còn vận động nông dân đóng góp 250 ngày công lao động, đóng góp 20 triệu đồng để thực hiện các công trình xây dựng ở địa phương.

Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, anh Cao Niếng thường xuyên chăm lo đến đời sống tinh thần, vật chất cho hội viên nông dân. Cụ thể, anh đã tìm cách giúp hội viên vay vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Không chỉ tích cực với các hoạt động xã hội, anh Cao Niếng còn là một điển hình làm kinh tế giỏi. Ở xã Liên Sang, anh Cao Niếng là một trong những hộ đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, anh đã chuyển đổi 7ha trồng cây keo, 2ha trồng cây mì cao sản, 1ha trồng lúa rẫy; chăn nuôi 5 con bò và 2 con heo đen nái; mỗi năm cho thu nhập sau khi trừ chi phí còn lãi hơn trên 200 triệu đồng.

Mát tay, trồng cây gì, nuôi con gì cũng hiệu quả, anh Cao Niếng được bà con trong thôn Bầu Sang cảm phục, thường tới học hỏi kinh nghiệm và nhờ tư vấn làm ăn. Không giữ bí quyết làm giàu cho riêng mình, anh Cao Niếng sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm. Anh tích cực vận động hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây điều già cỗi, năng suất thấp sang trồng bưởi, cây keo; tích cực tham gia các lớp tập huấn và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tham gia các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm phát triển kinh tế. Một điều đáng quý, trong 5 năm qua, gia đình anh Cao Niếng dành tặng 2.000 cây mì giống cho hội nghèo phát triển sản xuất.

Với sự dẫn dắt của “thủ lĩnh nông dân” Cao Niếng, đời sống của bà con thôn Bầu Sang ngày càng được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm, toàn thôn không có hộ nghèo và hộ cận nghèo, thôn Bầu Sang được công nhận là thôn văn hóa kiểu mẫu của huyện Khánh Vĩnh.

Bằng tâm huyết, nhiệt tình của mình, anh Cao Niếng đã đưa phong trào thi đua của Chi hội Nông dân thôn Bầu Sang đi lên. Liên tục nhiều năm nay, năm nào chi hội cũng được khen thưởng và đạt danh hiệu Chi hội vững mạnh. Cá nhân anh Cao Niếng cũng được tặng nhiều Bằng khen và Giấy khen của UBND huyện và tỉnh. Tại Đại hội Thi đua yêu nước Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V, anh được T.Ư Hội NDVN tuyên dương Chi hội trưởng tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 – 2020.

“Bà con mình, đặc biệt là đồng bào dân tộc Raglai vận động khó lắm cho nên để nói bà con nghe và làm theo thì người cán bộ Hội không những phải sâu sát đời sống hội viên nông dân, mà còn phải “nói được làm được”. Làm việc gì cũng luôn nghĩ đến lợi ích của hội viên nông dân thì mới được bà con yêu quý…”.
Anh Cao Niếng.

Trung Anh