Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt của bệnh nhân lao

13:05 02/12/2021 GMT+7
Khi người mắc bệnh lao có nghĩa là bị trực khuẩn lao tấn công vào phổi sẽ khiến phổi bị tổn thương dẫn đến tình trạng mệt mỏi, kiệt sức, sức đề kháng và miễn dịch suy giảm, làm cho bệnh nhân chán ăn và thiếu hụt chất dinh dưỡng. Vì thế, bệnh nhân lao phổi cần được điều trị và chăm sóc bằng một chế độ dinh dưỡng đặc biệt để giúp nâng cao hiệu quả điều trị và mau chóng hồi phục sức khỏe.
Đảm bảo đầy đủ các nhóm dinh dưỡng cho bệnh nhân lao. Ảnh minh hoạ

Trong khi điều trị bằng thuốc, người bệnh lao phổi hay bị phản ứng phụ là chán ăn, vì vậy nên động viên người bệnh ăn nhiều, đầy đủ chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn. Người chăm sóc bệnh nhân cần phải đa dạng các món ăn, lựa chọn những món ăn mà họ thích và chia nhỏ bữa ăn hàng ngày. Trong giai đoạn đầu, tốt nhất là nên cho bệnh nhân lao ăn nhẹ, thức ăn lỏng thì dễ tiêu hóa hơn, ví dụ như cháo hay súp, canh. Đặc biệt cần đảm bảo đủ các nhóm dinh dưỡng sau:

- Năng lượng: Nhu cầu năng lượng của bệnh nhân lao tăng lên do mắc bệnh. Thường năng lượng từ khẩu phần ăn tăng từ 20-30% để duy trì trọng lượng cơ thể. 

- Bổ sung các loại đạm, vitamin và khoáng chất, vượt 50 – 150% lượng thức ăn khuyến nghị hàng ngày của người bình thường.

- Kẽm: Người bệnh lao cần bổ sung kẽm từ thịt bò, gan và hạt bí ngô, ngũ cốc, hạt hướng dương…

- Vitamin A, E, C: Các chất này có nhiều trong rau, củ, quả, cá biển, thịt, gan.

- Sắt: Bệnh nhân cần ăn nhiều mộc nhĩ, nấm hương, đậu nành, lòng đỏ trứng…  

- Vitamin K, B6: có nhiều trong rau xanh, gan, thịt lợn, đậu, đỗ, khoai tây, chuối, súp lơ, ngũ cốc nguyên hạt.

Năng lượng nạp vào cơ thể người bệnh cần phải tương thích với thể trạng của họ. Ảnh minh hoạ

Những thức ăn bệnh nhân lao cần kiêng

Các loại thức ăn cay, nóng: Bột hạt cải, tiêu, gừng, ớt,… vì những gia vị này sẽ khiến bệnh nhân ho nhiều hơn và dai dẳng, có thể khạc đờm ra máu.

Không được sử dụng rượu bia, chất kích thích, cà phê, trà,… vì chúng sẽ khiến bệnh nhân bị sốt, rối loạn hệ thần kinh, đổ mồ hôi trộm. Bên cạnh đó sẽ làm giảm công dụng của thuốc và gia tăng tác dụng phụ có hại.

Chế độ nghỉ ngơi sinh hoạt

Nghỉ ngơi: Ngủ đủ mang lại hiệu quả hồi phục sức khoẻ. Thời gian ngủ lý tưởng của bệnh nhân lao phổi là trưa ngủ 1-2 tiếng, tối ngủ 7-8 tiếng.

Khi đã vào giai đoạn ổn định, hết triệu chứng, có thể thực hiện những hoạt động nhẹ nhàng như tập thể dục, đọc sách, đi dạo nhưng tránh nơi đông người. Lúc này, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân có thể trở lại gần giống như bình thường. 

Việc bị cách ly với mọi người, tuân thủ uống thuốc hằng ngày là một việc khó khăn, một ngày nào đó bạn có thể muốn từ bỏ. Tuy nhiên, nó sẽ trở thành thói quen dễ dàng và giúp bạn chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Bên cạnh đó, nên giữ thái độ bình tĩnh và tích cực, nghỉ ngơi và tập thể dục. Sự chăm sóc động viên về mặt tinh thần lẫn thể chất của gia đình, bạn bè sẽ giúp bạn chiến thắng vi khuẩn lao. 

L.T (tổng hợp)