Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chủ tịch tỉnh Bình Dương đối thoại với nông dân

Phát huy nội lực, lợi thế tỉnh Bình Dương, đẩy mạnh phong trào nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững

Anh Minh - 10:41 02/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Chiều ngày 1/12, tại tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân năm 2023. Chủ đề: Phát huy nội lực, lợi thế tỉnh Bình Dương, đẩy mạnh phong trào nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Dự Hội nghị có ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể; lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh cùng hơn 120 đại biểu là cán bộ, hội viên nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện nông dân sản xuất kinh doanh giỏi…

Theo báo cáo, đến nay Bình Dương đã hoàn thành 100% xã nông thôn mới (NTM), toàn tỉnh hiện có 41/41 xã đạt chuẩn NTM, 29/41 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; các xã đang tiếp tục đầu tư nâng chất các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Hiện có 3 huyện, thị, thành phố đạt chuẩn NTM và hoàn thành NTM: Huyện Dầu Tiếng, TX.Bến Cát, TP. Tân Uyên. Các huyện Bàu Bàng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên đã được Hội đồng Trung ương thẩm định hiện đang bổ sung hồ sơ để được công nhận huyện đạt chuẩn NTM theo quy định.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: ĐVCC

Bình Dương hiện có 234 hợp tác xã với 47.642 thành viên, với số vốn điều lệ gần 871 tỷ đồng và 974 trang trại có diện tích 3.866,41 ha, với số lao động thường xuyên 4.495 người. Tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch tại 4 huyện phía Bắc: Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng. Trọng tâm là nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hội nhập quốc tế, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Ông Đỗ Ngọc Huy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế xã hội liên quan đến tình hình sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Những cơ chế, chính sách đã tạo điều kiện để nông dân phát triển sản xuất; đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập. Vấn đề về nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khâu tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện đại theo chuỗi giá trị; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp...

Tại buổi đối thoại, các nông dân, nhà khoa học đã có các ý kiến, kiến nghị về chính sách hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo; đầu ra của hàng hóa nông sản; chuyển đổi số trong nông nghiệp; vai trò của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới… Đồng thời, đưa ra nhiều ý kiến tập trung vào việc hỗ trợ nông dân tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị phối hợp du lịch sinh thái, hình thành mô hình đặc trưng mang thương hiệu Bình Dương trong thời gian tới; các chính sách khởi nghiệp cho nông dân; chương trình liên kết hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản; chủ trương hỗ trợ nông dân đi học tập kinh nghiệm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài nước.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Vân Nguyễn

Phát biểu tại Hội nghị, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Thời gian qua, các phong trào thi đua yêu nước do Hội Nông dân phát động mà trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được lan tỏa sâu rộng. Tuy nhiên, tình hình nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh nhà hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm. Đó là sản xuất nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, chưa gắn kết chặt chẽ giữa chế biến với tiêu thụ, vốn cho đầu tư, vấn đề thị trường.  

Các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh Bình Dương phải luôn quan tâm, tạo điều kiện và đã ban hành nhiều chính sách, chương trình có liên quan đến tình hình sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là những cơ chế, chính sách tạo điều kiện để nông dân phát triển sản xuất; đẩy mạnh chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài nông nghiệp hữu cơ, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch tại 4 huyện phía Bắc. Hỗ trợ nông dân tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, phối hợp phát triển du lịch sinh thái; giới thiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

Sau khi tiếp thu các ý kiến của nông dân, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình dương đề nghị Sở Công thương phối hợp với các cấp, ngành xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh liên kết, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã; thiết lập, củng cố mối liên kết giữa các nhà sản xuất và cung ứng nông sản, trái cây với các kênh phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững.

Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành liên quan tổng hợp đầy đủ các ý kiến, rà soát lại toàn bộ chính sách đối với nông dân hoặc có liên quan đến nông dân để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, tham mưu xây dựng thêm các chính sách, cơ chế đặc thù của tỉnh có liên quan trực tiếp đến nông dân; phạm vi chính sách nào thuộc thẩm quyền thì Bình Dương sẽ giải quyết; nếu vượt thẩm quyền, tỉnh sẽ đề xuất với các cơ quan Trung ương

Đề nghị Sở NN&PTNT xây dựng chính sách phát triển các ngành, nghề gắn với định hướng phát triển kinh tế nông thôn, chuyển đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh, phát triển các sản phẩm chủ lực, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân trên địa bàn. Ngoài ra, yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2022-2025.

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Dương chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Ngân hàng Agribank và các tổ chức tín dụng tổ chức ký kết chương trình phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Bình Dương để thực hiện các hoạt động hỗ trợ nông dân vay vốn ưu đãi để khởi nghiệp phát triển sản xuất.