Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cơ hội xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sau dịch Covid-19

16:24 17/04/2020 GMT+7

Tình hình thị trường thế giới và khu vực hiện nay đang có nhiều biến động, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang các nước nói chung và sang thị trường Trung Quốc nói riêng. Đặc biệt, vừa qua, dịch bệnh Covid-19 phát sinh và diễn biến phức tạp tại Trung Quốc đã tác động trực tiếp và không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu nông sản của ta sang thị trường này, đặc biệt đối với các mặt hàng trái cây có tính mùa vụ cao, khó có khả năng chuyển đổi thị trường trong thời gian ngắn.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nông sản Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng, chỉ cần người nông dân, doanh nghiệp thay đổi sẽ thu lợi lớn. Ảnh: Vũ Phương.

Cần tận dụng cơ hội khi Trung Quốc đang có nhu cầu nhập khẩu

Để giảm thiểu mọi thiệt hại cho các doanh nghiệp và người nông dân, Bộ Công Thương đã triển khai rất nhiều nhiệm vụ nhằm hỗ trợ các ngành hàng, các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tìm đầu ra tiêu thụ, giảm bớt thiệt hại do bị hủy đơn hàng đột xuất. Theo đó, đã chủ động kết nối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, các chợ đầu mối, hệ thống phân phối và các doanh nghiệp đầu mối tăng cường kết nối cung cầu, đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ lượng trái cây đã đến chính vụ thu hoạch và đã bị doanh nghiệp Trung Quốc hủy đơn hàng; đồng thời đề nghị Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ chủ động kết nối giao thương, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho các mặt hàng nông sản, trái cây nhằm hỗ trợ tăng cường tiêu thụ và xuất khẩu trong bối cảnh khó khăn từ thị trường Trung Quốc.

Đến nay, tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Trung Quốc đang được cải thiện đáng kể, trong đó riêng tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã hạ cấp độ ứng phó với tình trạng khẩn cấp từ cấp 1 xuống cấp 3. Hai tỉnh này đã và đang khôi phục từng phần hình thức mua bán, trao đổi cư dân biên giới để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng ngày càng cao trong quá trình phục hồi sau dịch bệnh. Quy trình kiểm soát người và phương tiện vận tải tham gia trực tiếp vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đang được áp dụng tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, cho đến nay, cũng được triển khai thực hiện rất thuận lợi, hiệu quả và không phát sinh vấn đề bất lợi trong công tác quản lý, điều hành.

Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều yếu tố có khả năng tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, cụ thể: (i) tỷ lệ khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp ngoại thương trọng điểm tại 19 tỉnh, thành của Trung Quốc như Chiết Giang, Giang Tô, Thượng Hải đạt gần 100%; (ii) nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm tại các tỉnh, thành của Trung Quốc đã mở cửa phục vụ người dân, thậm chí một số địa phương như Giang Tây, Chiết Giang, TP. Lũng Nam (Cam Túc) đã khuyến khích thực hiện chế độ nghỉ 2,5 ngày/tuần và cấp phiếu tiêu dùng cho người dân mua sắm nông sản, thực phẩm; (iii) các cơ quan quản lý nhà nước phía Trung Quốc cũng đã ban hành một số biện pháp nhằm thúc đẩy khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sau những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, trong đó có các mặt hàng nông sản, thực phẩm và trái cây vào Trung Quốc.

Với tình hình hiện nay, ta cần tận dụng cơ hội thị trường khi Trung Quốc đang có nhu cầu nhập khẩu lớn để phục hồi sản xuất và tiêu dùng sau dịch bệnh, trong khi các thị trường xuất khẩu khác như Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Trung Đông cũng đang phát sinh khó khăn do đã bắt đầu bùng phát dịch bệnh phức tạp. Để phát huy tối đa lợi ích tiềm tàng từ các Hiệp định thương mại tự do, góp phần phát triển xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc một cách bền vững, tận dụng tốt cơ hội thị trường, các Bộ, ngành và địa phương cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức cho người nông dân và doanh nghiệp cũng như các chủ thể liên quan trong chuỗi cung ứng về việc tái định vị thị trường Trung Quốc, từ đó tái cơ cấu sản xuất, tổ chức lại xuất khẩu.

Về phía Bộ Công Thương, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ tiếp tục: (i) Trao đổi, vận động phía Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hoặc dành thời gian “quá độ” cho các chính sách mới; (ii) Vận động các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương phía Trung Quốc (đặc biệt là Quảng Tây, Vân Nam) mở thêm các cửa khẩu chỉ định nhập khẩu nông sản, trái cây tại khu vực biên giới; (iii) Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạ tầng logistics như kho lạnh ở Trà Lĩnh (Cao Bằng), khu trung chuyển ở Lạng Sơn, trung tâm logistics ở Bắc Giang; (iv) Đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại hàng năm tại Trung Quốc theo hướng tập trung trọng tâm, trọng điểm với từng chủng loại sản phẩm; (v) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến trên toàn quốc về lợi thế trong các Hiệp định, Thỏa thuận giữa hai nước và diễn biến thông tin thị trường để kịp thời có biện pháp ứng phó với vướng mắc phát sinh.

Khuyến nghị xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc 

Riêng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương khuyến nghị một số nội dung như sau:

Về công tác sản xuất, cần phải tổ chức được nguồn hàng đáp ứng đúng và đủ nhu cầu, thị hiếu của thị trường Trung Quốc. Hàng hóa có giá cả phù hợp, chất lượng tốt, phù hợp nhu cầu, thị hiếu người dân sở tại, có sản lượng đủ để cung cấp thường xuyên, lâu dài, đảm bảo tiêu chí xuất xứ để được hưởng ưu đãi của FTA. Về phía Nhà nước, vai trò của các Bộ ngành và địa phương là đưa ra quy hoạch, định hướng đúng đắn để hỗ trợ các doanh nghiệp yên tâm sản xuất; tiếp tục đầu tư công nghệ, giống cây để nâng cao năng suất, chất lượng trái cây xuất khẩu, hạn chế việc dựa chủ yếu vào điều kiện tự nhiên để làm lợi thế cạnh tranh; tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm kiểm dịch ngày càng nghiêm ngặt của phía Trung Quốc.

Công tác tổ chức xuất khẩu, các doanh nghiệp cần chuyển dần sang kinh doanh theo hình thức thương mại chính quy, ký kết hợp đồng mua bán thay vì xuất khẩu theo hình thức “tiểu ngạch” nhằm hạn chế tối đa hiện tượng ép giá và các rủi ro khác trong thanh toán; theo dõi, cập nhật các thông tin thị trường, chính sách xuất nhập khẩu, các quy định về chất lượng sản phẩm và thị hiếu tiêu dùng của từng địa phương Trung Quốc để chủ động trong kế hoạch kinh doanh với thị trường này (doanh nghiệp có thể tiếp cận các thông tin này trên Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương, qua các Bản tin về nông, lâm, thủy sản hàng tuần của Cục Xuất nhập khẩu hoặc trực tiếp qua Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ của Bộ Công Thương tại thị trường Trung Quốc). Bên cạnh đó, cần chủ động phân loại, lựa chọn chủng loại và tổ chức đóng gói ngay tại nơi sản xuất đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu (về nhãn mác, bao bì…) trước khi đưa lên khu vực biên giới để quá trình giao nhận hàng hóa diễn ra thuận lợi, nhanh chóng; nâng cao chất lượng, nghiêm túc thực hiện các quy định về truy suất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Đồng thời, nghiên cứu khả năng hợp tác với một số doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại điện tử để nhập khẩu, tiêu thụ nông sản, trái cây qua hình thức thương mại điện tử tại thị trường này.

Ảnh minh họa.

Về công tác xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và chú trọng việc tham dự các hoạt động Hội chợ, triển lãm quy mô lớn, mang tính quốc tế cao tại Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội giao dịch, kết nối trực tiếp với các đối tác nhập khẩu có uy tín của Trung Quốc nhằm xuất khẩu sang thị trường này một cách chuyên nghiệp; thông qua các cơ quan đại diện của Bộ Công Thương đặt tại Quảng Tây, Quảng Châu, Vân Nam, Trùng Khánh, Hàng Châu cũng như cơ quan Thương vụ của Trung Quốc đặt tại Việt Nam để được hỗ trợ về thông tin thị trường, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác hợp tác; đẩy mạnh xây dựng và quảng bá thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm; nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi của FTA bằng việc tổ chức sản xuất, nguồn hàng hợp lý để đáp ứng được các tiêu chí xuất xứ, qua đó được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA. Và quan trọng, cần phải xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh lâu dài, mạng lưới phân phối, thương hiệu, mẫu mã, bao bì dành riêng và đăng ký bảo hộ tại thị trường Trung Quốc; nâng cao trình độ nghiệp vụ thương mại, hiểu biết về ngôn ngữ văn hóa của thị trường; thậm chí có thể thuê các đơn vị xây dựng phát triển thương hiệu của Trung Quốc phát triển thương hiệu cho các sản phẩm có thế mạnh, có uy tín của Việt Nam để phù hợp hơn với thị hiếu của thị trường.

Nguyễn Thị Mai Linh (Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương)