Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

CPTPP có gây ra cú “sốc” cho ngân sách?

22:15 26/03/2018 GMT+7

Hiệp định CPTPP đã được 11 nước thành viên ký kết chính thức và hứa hẹn sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại thuộc hàng lớn nhất thế giới. Với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu, những cam kết “rộng rãi”, liệu CPTPP có gây ra cú “sốc” cho ngân sách của Việt Nam?

 

Khi được hỏi về những cam kết thuế NK của Việt Nam trong CPTPP, ông Hà Duy Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính nêu rành rọt: Theo lộ trình giảm thuế NK, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế vào năm thứ 13 đối với các loại ô tô mới. Riêng ô tô con có dung tích xi lanh từ 3.000cc trở lên có lộ trình xóa bỏ thuế vào năm thứ 10. Các mặt hàng như sắt thép, xăng dầu chủ yếu xóa bỏ thuế vào năm thứ 11. Các mặt hàng dệt may, giày dép cũng sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực,…

Đó là công nghiệp, với sản phẩm nông nghiệp và thuỷ sản, thịt gà sẽ xóa bỏ thuế NK vào năm thứ 11, thứ 12; thịt lợn tươi sẽ xóa bỏ thuế NK vào năm thứ 10 và vào năm thứ 8 đối với thịt lợn đông lạnh. Gạo sẽ được xóa bỏ thuế NK ngay khi hiệp định có hiệu lực. Ngô sẽ xóa bỏ sau vào năm thứ 5, một số loại xoá bỏ vào năm thứ 6. Sữa và sản phẩm sữa sẽ xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, một số loại xoá bỏ vào năm thứ 3. Thực phẩm chế biến từ thịt sẽ xóa bỏ vào năm thứ 8 đến năm thứ 11; chế biến từ thủy sản xóa bỏ vào năm thứ 5,…

Danh sách khá dài và chưa đầy đủ ở trên dấy lên lo ngại “túi tiền” của Việt Nam sẽ đối mặt với một cú sốc bởi việc cắt giảm thuế ở tất cả các mặt hàng thời gian tới. Trước lo ngại này, đại diện Bộ Tài chính tỏ ra lạc quan. Ông lý giải, việc cắt giảm thuế trong các FTA đã thực hiện đến gần giai đoạn cuối cùng của lộ trình với mức cắt giảm trung bình từ 90 – 95%, cao nhất là trong ASEAN 98%. Do vậy, việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế thực hiện CPTPP trong tương lai sẽ không có tác động đột ngột tới thu ngân sách mà sẽ có sự dịch chuyển dần thương mại đối với một số mặt hàng có mức cam kết thấp hơn so với các hiệp định đang thực hiện.

Như vậy, cú sốc trước mắt có thể sẽ không xuất hiện nhưng để có sự dịch chuyển tích cực trong 5 – 10 năm tới, có lẽ còn nhiều việc cần làm. Ví dụ như hoàn thiện chính sách thuế nội địa để đảm bảo nguồn thu; tận dụng lợi thế từ chi phí đầu vào, từ đẩy mạnh XK trong CPTPP làm tiền đề tạo nguồn thu. Hay khó hơn là tìm được sự chia sẻ của người dân và DN với gánh nặng thu ngân sách với Nhà nước, bằng việc thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về thuế, nghĩa vụ đóng thuế,…

Đông Mai