Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cụm thi đua số 3: Sáu nhiệm vụ trong tâm cần tiếp tục tập trung thực hiện năm 2023

Hải Quỳnh - 13:40 30/11/2022 GMT+7
Ngày 30/11, tại tỉnh Bắc Giang, thực hiện Chương trình công tác năm 2022, Ban Thường vụ T. Ư Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị giao ban công tác Hội và phong trào nông dân năm 2022 - Cụm thi đua số 3, gồm 11 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Bắc Giang.
Quảng cảnh Hội nghị

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Phạm Tiến Nam, Phó bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NDVN, Trưởng Ban Chỉ đạo Cụm thi đua số 3; bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang.

Cùng dự có một số Ban, đơn vị T.Ư Hội và lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh thành phố trong cụm thi đua số 3. 

Đã hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân năm 2022 với nhiều kết quả nổi bật

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phạm Tiến Nam, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NDVN, Trưởng Ban Chỉ đạo Cụm thi đua số 3 cho rằng: Năm 2022 tình hình kinh tế xã hội nước ta hồi phục tích cực sau đại dịch Covid-19. Trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt trên 44,9 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước như: cà phê gần 3,3 tỷ USD (tăng 33,4%), gạo trên 2,9 tỷ USD (tăng 7,4%), tôm 3,8 tỷ USD (tăng 20,3%), cao su 2,8 tỷ USD (tăng 11,2%)... Kết quả trên tiếp tục khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh đất nước.

Tuy nhiên trong điều kiện diễn biến thời tiết phức tạp, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi...) tăng cao, xung đột Nga - Ukraine kéo dài đã tác động, ảnh hưởng rất lớn và trực tiếp đến đời sống, sản xuất của hội viên nông dân và đặc biệt trong hoạt động công tác Hội, phong trào nông dân địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NDVN Phạm Tiến Nam phát biểu tại Hội nghị.

Trước các cơ hội và thách thức, bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư, Bộ chính trị, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Hội, các cấp Hội và cán bộ, hội viên nông dân cả nước đã chủ động, sáng tạo thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân năm 2022. Đặc biệt trong năm, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã chỉ đạo và tổ chức thành công các chương trình, sự kiện lớn như: Chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam, Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam tại Sơn La; Hội nghị tổng kết Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, biểu dương nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu toàn quốc lần thứ V, Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam; Chương trình tôn vinh Nhà khoa học của Nhà Nông lần thứ 4; Hội thi nông dân đua tài toàn quốc lần thứ V. Qua đó đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, thu hút quan tâm, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân và của toàn xã hội; vai trò vị thế của tổ chức Hội ngày càng được khẳng định trong hệ thống chính trị.

Kết quả trên có sự đóng góp rất quan trọng của cán bộ, hội viên nông dân, các cấp Hội Nông dân Cụm thi đua số 3. Cụm đã thực hiện và hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân năm 2022 với những kết quả nổi bật:

Công tác tuyên truyền, giáo dục, chính trị tư tưởng được các cấp Hội thực hiện sâu rộng, nhanh chóng bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Trong đó trọng tâm là tuyên truyền chương trình hành động của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam; các Nghị quyết số 04, 05, 06, 10, 20 của Ban Chấp hành Trung ương Hội; các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng bộ các cấp về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương; các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, về giảm nghèo bền vững, về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

Công tác xây dựng tổ chức Hội được chú trọng, củng cố; việc tập hợp, phát triển hội viên mới được thực hiện gắn với tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Một số tỉnh, thành Hội đã nắm bắt được đặc thù của địa phương để tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình chỉ, tổ Hội nghề nghiệp tại các vùng chuyên canh, vùng quy hoạch sản xuất.

Thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp cho hội viên nông dân thông qua các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Đặc biệt là những khó khăn hiện nay của hội viên nông dân như chi phí đầu vào tăng cao, ùn ứ nông sản, giá nông sản tăng giảm không ổn định, tình trạng được mùa mất giá... được các cấp Hội kiến nghị kịp thời với các sở, ban, ngành địa phương; tại các cuộc đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với hội viên nông dân để có những giải pháp giúp hội viên, nông dân khôi phục sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

“Năm 2023 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân các cấp. Nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết các cấp Hội đề ra, tôi kỳ vọng các đại biểu về dự Hội nghị tích cực tham gia đóng góp những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, các thành tích nổi bật trong công tác Hội và phong trào nông dân tại địa phương” -Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Phạm Tiến Nam và bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang tham quan gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP do Hội ND tỉnh Bắc Giang thực hiện.

Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam đề nghị các đại biểu tập trung phát biểu, thảo luận vào các nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, về tầm quan trọng và các giải pháp nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân trong thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn đặc biệt là Nghị quyết 18 về tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; các chương trình mục tiêu quốc gia... trong bối cảnh, giai đoạn phát triển kinh tế xã hội mới và đặc điểm tự nhiên địa lý, vị trí chính trị của các tỉnh, thành phố trong khu vực để Hội Nông dân tham gia tích cực nhất trong xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và xây dựng Hội Nông dân Việt Nam, giai cấp Nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ hai, về cách thức tuyên truyền từng đối tượng, vùng miền, địa phương và từng cấp Hội thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và trên không gian mạng; công tác quán triệt, triển khai học tập của các cấp Hội thực hiện các nhiệm vụ xuyên suốt toàn khóa xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết số 04, 05, 06; Nghị quyết số 10 về Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể; Nghị quyết số 20 về nâng cao trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường...

Thứ ba, về đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua do Hội phát động trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; các hoạt động tập hợp, thu hút nông dân tham gia tổ chức Hội thông qua thành lập Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; câu lạc bộ Nông dân tỷ phú; chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp tại các vùng chuyên canh sản xuất; các tổ, nhóm cùng sở thích...; Công tác tham mưu tổ chức hoạt động đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với hội viên nông dân; phối hợp giữa Hội Nông dân các cấp và chính quyền, các sở, ban ngành của địa phương trong thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp cho hội viên nông dân.

Thứ tư, hoạt động tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành địa phương trong việc tiếp tục thực hiện hiệu quả văn bản số 1577 về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 61 ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Quyết định số 516 ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 673 ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ gắn với các hoạt động dịch vụ, tư vấn dạy nghề và hỗ trợ cho nông dân, đặc biệt thảo luận tiếp tục tìm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm hỗ trợ nông dân và hoạt động hỗ trợ vốn cho nông dân thông qua đẩy mạnh hoạt động Quỹ HTND và chương trình phối hợp với các ngân hàng.

Thứ năm, việc triển khai, chuẩn bị Đại hội Hội Nông dân cấp tỉnh, huyện, xã nhiệm kỳ 2023 – 2028; các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đặc biệt là trong việc rà soát đội ngũ cái bộ Hội, chuẩn bị nguồn nhân sự có chất lượng cho Đại hội; xây dựng báo cáo chính trị...

Ông Nguyễn Văn Thi – Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Giang phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị ông Nguyễn Văn Thi – Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Giang cho biết: Hội Nông dân các cấp tỉnh Bắc Giang đã không ngừng củng cố, vững mạnh về tổ chức và đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, nổi bật là phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và đoàn kết giúp nhau làm giàu bền vững; hằng năm có trên 100 nghìn hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Một điểm nhấn nổi bật đó là các cấp hội đã phát huy tinh thần chủ động, tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền xây dựng, triển khai các đề án, dự án liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngày 22/4/2022, Đề án “Hội Nông dân các cấp làm nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị; xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022-2025”. Qua 7 tháng triển khai thực hiện, Đề án đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu; các cấp Hội đã hướng dẫn thành lập 29 tổ hợp tác và 10 hợp tác xã; tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đăng ký 16 sản phẩm OCOP; tạo điều liện cho 09 tổ hợp tác, hợp tác xã là chủ thể tham gia chương trình OCOP được hỗ trợ vay vốn từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân với tổng số tiền 4,5 tỷ đồng…

Được đánh giá là một trong những tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật trong hoạt động, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân Hải Dương thông tin: Năm 2022, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy Hải Dương, tập trung tuyên truyền vận động hội viên nông dân đẩy mạnh các phong trào thi đua, thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác Hội. Đã có 12/12 chỉ tiêu thi đua đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Trong đó, một số chỉ tiêu vượt cao so với kế hoạch như: Tuyên truyền, vận động cơ sở Hội xây dựng được ít nhất một mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu (đạt 234,1%); tăng trưởng Quỹ HTND (đạt 213,3%); kết nạp hội viên mới (đạt 175,6%); bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Hội (đạt 194,9%)… 

Bà Đào Thị Mai - Chủ tịch Hội ND Tuyên Quang phát biểu ý kiến.

Phát biểu về công tác xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp, bà Đào Thị Mai - Chủ tịch Hội ND Tuyên Quang cho biết: Thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành Trung ương Hội, Hội Nông dân Tuyên Quang đăng ký với Tỉnh ủy việc vận động thành lập chi hội, tổ hội là một trong 4 nhiệm vụ đột phá. Đên nay Hội ND Tuyên Quang đã thành lập 5 HTX, 13 THT; hướng dẫn thành lập mới được 4 chi hội nghề nghiệp với 72 thành viên; 43 tổ hội với 423 thành viên. Lũy kế đến nay có 35 chi hội, với 876 thành viên; 203 tổ hội với 2.191 thành viên; có 33 tổ hội nghề nghiệp tham gia vào hoạt động tổ chức sản xuất sản phẩm hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị và sản xuất sản phẩm OCOP của địa phương...

Qua 11 ý kiến phát biểu tại hội nghị đã nêu bật những kết quả đạt được trong năm của các tỉnh trong cụm thi đua số 3, trong đó tập trung vào công tác phát triển hội viên mới; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Hội; xây dựng và phát triển Hợp tác xã, tổ hợp tác; xây dựng mô hình bảo vệ môi trường nông thôn…; công tác xây dựng tổ chức Hội được chú trọng, củng cố; chất lượng hội viên, chất lượng sinh hoạt của các chi hội, tổ hội được nâng lên theo hướng thiết thực, hiệu quả gắn các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân.

Tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm vào năm 2023

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Phạm Tiến Nam ghi nhận, biểu dương những kết quả tích cực, ấn tượng mà Hội ND 11 tỉnh, TP cụm thi đua số 3 đã đạt được trong năm 2022.

"Tôi đánh giá rất cao với hoạt động của Hội ND các tỉnh, TP trong cụm thi đua số 3 đã rất cố gắng, nỗ lực cao, bám sát sự chỉ đạo của Hội cấp trên, nhiệm vụ chính trị địa phương để cụ thể hoá trong chỉ đạo, triển khai công tác Hội và phong trào nông dân, hoàn thành khá toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022. Trong đó, có 9/11 tỉnh hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu T.Ư Hội giao”. 

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội NDVN Phạm Tiến Nam, Hội ND 11 tỉnh, TP cụm thi đua số 3 đã tích cực đổi mới cách thức tuyên truyền từng đối tượng, vùng miền, địa phương và từng cấp Hội thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và trên không gian mạng. 

Các cấp Hội ND đã tích cực củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh gắn với các hoạt động tư vấn, dịch vụ, dạy nghề, hỗ trợ hội viên nông dân đã có có nhiều đổi mới, tích cực. Các phong trào thi đua, nhất là phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, về giảm nghèo bền vững, về phát triển kinh tế xã hội được Hội ND các tỉnh, thành cụm thi đua số 3 thực hiện hiệu quả. 

Các cấp Hội đã thực hiện khá bài bản các hoạt động giám sát và phản biện xã hội; qua đó đã bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên nông dân một cách mạnh mẽ nhất, hiệu quả nhất. Phát huy những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NDVN Phạm Tiến Nam đề nghị, năm 2023, Hội ND 11 tỉnh, thành cụm thi đua số 3 tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả chương trình hành động của cấp Hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội ND cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời tích cực hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế mới hiệu quả bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội NDVN Phạm Tiến Nam cũng đề nghị Hội ND các cấp chuẩn bị, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Đại hội ND các cấp nhiệm kỳ 2023-2028 và Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VIII đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả…

Thăm, trao đổi kinh nghiệm sản xuất tại mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, ấp nở con giống và trứng vịt lộn của hộ ông Nguyễn Văn Mùi, thôn Liễu Đê, xã Tân Liễu (Yên Dũng - Bắc Giang)

Thăm mô hình và trao quà cho hội viên khó khăn

Trước đó, chiều 29/11, lãnh đạo Hội ND Cụm thi đua số 3 đã đến thăm, trao đổi kinh nghiệm sản xuất tại mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, ấp nở con giống và trứng vịt lộn của hộ ông Nguyễn Văn Mùi (SN 1970), thôn Liễu Đê, xã Tân Liễu (Yên Dũng - Bắc Giang). Mô hình của ông Mùi năm 2022 đạt doanh thu hơn 7 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng; tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho gần 10 lao động. Ông Mùi là 1 trong 100 gương mặt “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022. Cùng ngày, đoàn đã đến thăm và trao kinh phí hỗ trợ xây nhà “Mái ấm nông dân” cho hội viên nông dân nghèo là gia đình bà Phùng Thị Oanh (SN 1973), thôn Tiên Phong, xã Nội Hoàng (Yên Dũng - Bắc Giang). Bà Oanh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng bỏ nhà đi đã lâu, hiện thu nhập hằng tháng chỉ trông vào 3 triệu đồng làm thuê. Trong khi bà vẫn phải nuôi con trai (SN 1997) bị tai nạn gãy xương đùi, xương cằm, sức khỏe yếu. Bản thân bà Oanh cũng thường xuyên đau ốm. Đầu năm 2022, Hội ND xã Nội Hoàng và gia đình đã kêu gọi chung tay hỗ trợ để xây nhà cho bà Oanh. Hiện nay nhà đã xây xong phần thô nhưng chưa có kinh phí để hoàn thiện.

Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam trao tặng gia đình bà Phùng Thị Oanh, thôn Tiên Phong, xã Nội Hoàng (Yên Dũng - Bắc Giang) số tiền 70 triệu đồng.

Phát huy truyền thống tương thân, tương ái, hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam đã trao số tiền 70 triệu đồng của Hội ND 11 tỉnh, thành phố trong cụm thi đua số 3  hỗ trợ gia đình bà Oanh xây nhà.

Phát biểu tại đây, Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam trân trọng ghi nhận, cảm ơn tình cảm tốt đẹp, những đóng góp, hỗ trợ, giúp đỡ của hội viên nông dân 11 tỉnh, thành phố trong cụm. Số tiền tuy không lớn nhưng thể hiện tấm lòng, tình cảm của hội viên nông dân 11 tỉnh, thành phố với mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ giúp hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống và mong muốn thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm chăm lo cho các gia đình hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Qua đó, góp phần tích cực vào việc thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội của địa phương.