Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cuối dòng Mekong long đong mùa hạn

16:42 24/02/2020 GMT+7
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng châu thổ trù phú cuối dòng sông Mekong được thiên nhiên ưu đãi, ví như kho lương thực của cả nước. Thế nhưng, biến đối khí hậu những năm gần đây mà trước mắt là hạn hán đến nhanh và gay gắt đã tác động tiêu cực ảnh

Chỉ mới đầu mùa khô 2020, nhưng những thiệt hại của nó được dự báo sẽ khốc liệt hơn hiện tượng Enino 2016. Theo tính toán của ngành chuyên môn, cao điểm của mùa hạn nặng ở ĐBSCL đỉnh điểm có thể rơi vào tháng 3, tháng 4 và kéo dài đến tháng 5/2020. Làng mới xin giới thiệu loạt bài về thực trạng này đang diễn ra ngày càng gay gắt tại ĐBSCL.

Kỳ 2: Mặn đắng vì hạn mặn

“Thượng điền tích thủy, hạ điền khan” – câu thành ngữ quá phù hợp ở thời điểm 2020 khi thượng nguồn Mekong đang bị Trung Quốc và các nước khác chặn hứng làm hạ nguồn cạn kiệt, nhất là mùa khô ở lưu vực cuối dòng như ĐBSCL. Thiếu nước, khô cằn, hạn mặn đang làm cho nhiều vùng ở miền Tây trở nên điêu đứng. Đã có nhiều giọt mồ hôi và nước mắt khổ nhọc của người nông dân rơi trên mảnh đất mình khi nhìn vụ mùa mất trắng.

Chị Thạch Thị Sà Rinh, 40 tuổi ở ấp Lao Vên, xã Viên Bình huyện Trần Đề (Sóc Trăng) thẫn thờ trước ruộng hành của gia đình héo khô vì không nước tưới.

Khi đồng khô, sông cạn

Chỉ mới vào đầu mùa khô, nhưng hạn hán đến nhanh đã khiến người nông dân không kịp trở tay nên nhiều diện tích hoa màu, đồng lúa chịu cảnh héo khô do không nước tưới. Tình trạng này đang diễn ra khốc liệt khắp nơi ở ĐBSCL. Theo thống kê mới nhất, có hàng chục ngàn hécta lúa chưa ngậm đòng đang chết rụi, hàng trăm ngàn hécta cây ăn trái, hoa màu dần khô chết vì hạn mặn ước tính có đến 180.000 hộ dân thiếu nước ngọt…

Bé trai ở ấp Lao Vên, xã Viên Bình huyện Trần Đề (Sóc Trăng) tiếc rẻ luống ớt của gia đình đang chết khô vì nước sông nhiễm mặn, không có nước tưới.

Tại vùng ngọt huyện Phước Long (Bạc Liêu), đã gieo sạ hơn 13.700ha lúa Đông Xuân, nhưng các kênh thủy nông nội đồng trên địa bàn đã bị cạn, mực nước ở các kênh cấp 2, cấp 3 xuống thấp nên trong những ngày tới sẽ có khoảng 2.200ha lúa thiếu nước.

Tại  Cà Mau, Sở NN&PTNT cho biết diện tích lúa bị thiệt hại và có nguy cơ bị thiệt hại do hạn mặn trên địa bàn tỉnh đã hơn 41.600ha (riêng diện tích thiệt hại hơn 16.800ha). Về rau màu, tổng diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng, giảm năng suất là 340ha.

Tại Bến Tre, tỉnh phải ngăn người dân xuống giống hơn 3.000ha, có hơn 20.000/31.000ha cây ăn trái đã chịu ảnh hưởng của hạn mặn.

Một phần diện tích hành của đồng bào Khơ me ở ấp Lao Vên, xã Viên Bình (Sóc Trăng) cùng chung số phận với 450ha hoa màu khác đang chết khô héo.

“Nhà tui có 4ha lúa OM18 đang trổ đồng, chỉ cần hơn tháng nữa là thu hoạch mà chú thấy đó, nước cạn nhanh sạch ruộng, đất khô nứt nẻ. Nhìn cây lúa đang héo dần không cách cứu mà rơi nước mắt chú ơi”. Ông Năm Chiến, một lão nông ở xã Khánh Bình Tây huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) chua chát nói.

Xâm mặn đến nhanh

Dòng Mekong đang dần cạn kiệt vào mùa khô, bắt nguồn từ việc Trung Quốc ở thượng nguồn xây dựng hàng loạt cống đập lớn giữ nước. Cùng với biến đổi khí hậu năm 2020 thêm khốc liệt đã khiến tình hình xâm mặn ở ĐBSCL đến nhanh hơn dự kiến. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, đến 11/02/2020 độ mặn cao xâm nhập trên sông Cổ Chiên đã 56km, độ mặn tại sông Vàm ở Trà Vinh là 12,9%. Nước ngọt thượng nguồn đang mức rất thấp nên trong thời gian tới có thể xảy ra mặn lịch sử. Hiện đã làm 6.710 hộ thiệt hại 5.177,05ha lúa,  hoa màu. Tại Long An, xâm nhập mặn sớm hơn mọi năm gần 1 tháng qua trên 2 sông Vàm Cỏ khiến 4.700ha lúa của huyện Tân Trụ thiếu nước trầm trọng, nguy cơ mất trắng.

Tại Kiên Giang, địa phương có hệ thống thủy lợi nội đồng, cống đập tương đối khép kín. Tuy nhiên trong mùa khô năm nay, nước mặn vẫn xâm nhập sâu vào nội đồng gây thiệt hại đến sản xuất của nông dân. Tại ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất nồng độ mặn ở ngoài ven kênh thủy lợi có thời điểm lên hơn 8‰.

Trà lúa Đông Xuân lại đang trong giai đoạn cần nước nên khi bà con bơm vào nội đồng, dù có theo dõi chặt chẽ nhưng độ mặn 3% khiến hơn 400ha lúa Đông Xuân ấp Vàm Rầy bị thiệt hại. Còn ở huyện Kiên Lương, 200ha lúa chưa thu hoạch của ấp Sông Chinh, xã Bình Trị mặc dù người dân đã chủ động điều tiết nước nhưng do nền đất không đều, nền nhiệt cao, hầu hết các ruộng đều bị mặn xâm nhập, độ mặn từ 1 đến 2‰, khiến lúa bị lép hạt, nguy cơ giảm năng suất cuối vụ.

Ông Nguyễn Văn Sền một nông dân lâu năm ở đây cho hay, ông có 14ha lúa Đông Xuân chi phí đã hết 300 triệu đồng đang trong giai đoạn trổ bông. Hiện nước mặn xâm nhập nhanh nên lúa đã không thể trổ bông, dần chết khô trên đồng, bị thiệt hại từ 30 – 70%. Ông Sền lo lắng khó thu hồi vốn vì chi phí bỏ ra đã hơn 300 triệu đồng nhưng mức thiệt hại cứ tăng dần theo cấp số nhân.

Theo ông Đào Xuân Nha, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất nguyên nhân do nhiều cống bị rò rỉ mặn. Mặt khác, vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán có mở cống cho tàu thuyền về ăn Tết và ra khơi đánh bắt sau Tết nên nhiều khả năng trong 2 đợt mở cống nên mặn có thể xâm nhập nhanh len lỏi vào đồng ruộng.

Ông Trà Sương, Phó Chủ tịch UBND xã Viên Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cho biết, do chủ động chống hạn nên bà con đã kịp thu hoạch lúa chạy hạn từ cận Tết. Thế nhưng, 450ha hoa màu của người dân thì không kịp cứu bởi hạn hán đến quá nhanh, mà những năm trước vào tháng 2 âm lịch là thời điểm bà con đều thu hoạch trúng mùa.

Ông Năm ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đang chỉ cho phóng viên ruộng đang nứt nẻ vì khô hạn khiến 4ha lúa OM18 đang trổ bông phải chịu cảnh dần chết héo. Trên bờ, hàng ngàn cây chuối cũng bỏ mặc vì thương lái không mua, do cạn nước không thể vận chuyển.

Tại ấp Lao Vên (Sóc Trăng), hàng trăm hecta hoa màu của bà con tập trung trồng ở các kênh Tổng Khậu, Hai Nguyễn Tư Phương đều đang khô héo do hạn mặn đến nhanh. Một số hộ dân vì tiếc, hàng ngày chở từng thùng nước ngọt xa vài kilômet ra tưới, cố vớt vát dăm kilôgam  bầu, mướp đang thu hoạch, nhưng cũng không đáng bao nhiêu. Chỉ cho chúng tôi thấy hai công hành lá (2.000m2) đang héo khô, chị Thạch Thị Sà Rinh, 40 tuổi ở ấp Lao Vên nói trong chua chát: “Vay mượn 20 triệu đồng để trồng, tưởng thu hoạch được 40 triệu để trả nợ, còn lại trang trải cho vụ tới và cho con đi học, nhưng nước dưới sông mặn chát, tưới cũng chết, không tưới cũng chết. Nông dân tụi tui khổ lắm mấy chú ơi”.

Chống giặc hạn, ngán giặc dịch

Tại các vùng hạn hán ở Sóc Trăng, Cà Mau đang xuất hiện thêm một nghề mới, đó là nghề xe ôm chở… lúa. Trước đây, hạn mặn dù gay gắt thế nào nhưng trên sông kênh rạch vẫn còn nước để ghe xuồng đi lại, vận chuyển lúa hoa màu khi vào vụ thu hoạch. Thế nhưng, năm nay mọi thứ không thể di chuyển dưới sông, phải nhờ đến phương tiện xe máy để vận chuyển thu gom lúa, hoa màu cho thương lái. Từ đó, đã làm cho giá thành nông sản của người dân bán ra đã thấp nay còn phải chịu cảnh ép giá.

Đã vậy, hạn năm nay trùng với dịch Covid-19 hoành hành, khiến bà con ĐBSCL đứng ngồi không yên. Bởi ảnh hưởng của nó trực tiếp đến đời sống thu nhập chính của người dân là giá nông sản, chưa kể công ăn, việc học, việc làm của con em bị ngưng trệ nên có lẽ, đợt hạn năm nay sẽ cảm nhận chữ “hạn-hán” hơn bao giờ hết là thế.

Anh Lâm Tuấn, 35 tuổi, Bí thư Chi bộ ấp Lao Vên, xã Viên Bình huyện Trần Đề (Sóc Trăng) kể trong chua xót: Trước Tết nhờ thu hoạch sớm nên bán được giá, nhưng nhiều người dân khác lại không may. Ấp Lao Vên của anh có gia đình anh Thạch Sen, Thạch Lai trồng 18 công lúa đang sắp trổ bông, gặp hạn gắt nên lúa rụi tàn chết khô.  Còn mớ lúa ở miếng ruộng khác kịp thu hoạch nhưng không dám bán vì bị thương lái ép giá với lý do công vận chuyển. Mùa này năm ngoái, thương lái mua giá 5.500đồng/kg, giờ chỉ mua 4.800đồng/kg. Kể cả lúa ST 24 đặc sản chỉ mua 6.800đồng/kg, mà năm ngoái, lúa này họ mua đến 7.500đồng/kg.

Khô cạn trên đồng ruộng đã tạo thêm nghề mới ở Sóc Trăng, Cà Mau: Xe ôm chở lúa. Việc đi lại khó khăn do khô hạn mùa thu hoạch đã khiến thướng lái ép giá nông sản của bà con vì lý do khó vận chuyển.

Lão nông Hà Văn Hinh, 73 tuổi ấp Vồ Vơi, xã Trần Hợi huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho hay, khô hạn năm nay sớm hơn mọi năm và khốc liệt so với 50 năm trở lại đây, hơn cả hồi Enino 2015-2016. Sông ngòi khô cạn nên không thể vận chuyển lúa bằng đường kênh mương sông rạch. Lấy lý do chở lúa khó khăn, thương lái ép giá nên người dân lại mất cả ngàn đồng/kg lúa. Năm ngoái, lúa OM18 bán được 5.500 – 5.700đồng/kg, năm nay còn 4.500-4.600đồng/kg.

Còn anh Nguyễn Văn Tân ở ấp 8 xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho hay, đang mùa dịch Covid-19 nên sức mua và giá hoa màu giảm mạnh. Hơn 3ha bí của anh đang vào vụ thu hoạch, lo được cái tưới cho 3ha hoa màu nhưng không tránh được cái rớt giá. Năm ngoái, mỗi kilôgam bí thương lái mua 5.500 đồng, năm nay chỉ mua 4.300đồng/kg với lý do dịch bệnh Covid-19 nên anh và bà con không thể bán, cứ ngóng ngóng cho mùa dịch đi qua để giá được cao hơn chút.

Bài, ảnh: Hoàng Quân

Theo đài Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ ngày 22/02/2020 dự báo tình hình khô hạn xâm mặn ở ĐBSCL còn kéo dài:

Dòng chảy trên sông Mekong về ĐBSCL trong nửa cuối tháng 2-3/2020 ở mức thiếu hụt so với trung bình hàng năm (TBHN) và năm 2016 từ 5-20%, mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho Đồng bằng sông Cửu Long không nhiều.

Tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL tiếp tục ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với TBHN. Trong một số thời điểm, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể ở mức tương đương hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2016 (trong thời kỳ triều cường kết hợp với gió chướng mạnh). Thời gian xâm nhập mặn tăng cao trên sông Cửu Long khả năng tiếp tục diễn ra trong tháng 2/2020 (từ ngày 20-27/02); các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào tháng 3 và 4/2020 (từ ngày 06-15/3), sau đó xâm nhập mặn có khả năng giảm dần.

Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn.

Các tỉnh ở Đồng bằng Nam Bộ tiếp tục chủ động ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian tới. Đặc biệt là các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau.