Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đắk Lắk: Hỗ trợ nông dân “số hóa” đàn lợn rừng lai

07:18 28/07/2021 GMT+7

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được các cấp Hội NDVN triển khai một cách hiệu quả và thiết thực. Tại Đắk Lắk, nhằm nâng cao thu nhập, giảm chi phí, mở rộng thị trường người chăn nuôi lợn rừng lai, Hội ND tỉnh đã triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị trên nền tảng số năm 2021”.

Đề án là bước nâng cao năng lực của người chăn nuôi ở những vùng khó khăn bắt nhịp với xu thế phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk họp bàn triển khai đề án.

Triển vọng từ lợn rừng lai

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhiều nông hộ đã phát triển mô hình nuôi lợn rừng lai. Theo đánh giá, lợn rừng lai có nguồn gốc hoang dã, có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh nên hạn chế được nhiều rủi ro. Hơn nữa, giống lợn này có khả năng thích nghi rất tốt với điều kiện khí hậu ở Tây Nguyên nên phát triển rất tốt.

Đặc biệt, nông dân có thể tận dụng được tối đa nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên như các loại rau, cỏ và nông sản như cám gạo, bắp, chuối, bã đậu nành… Theo anh Đặng Quang Đức, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Lợn rừng Tây Nguyên (tại thôn Chư Cúc, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), lợn rừng lai mỗi ngày chỉ cần được cho ăn một lần nên việc chăm sóc khá đơn giản.

Cũng theo anh Đức, hiện nay với giá khoảng 160 ngàn đồng/kg, mỗi con lợn rừng lai xuất chuồng người dân có lãi được khoảng trên dưới 1 triệu đồng. Mỗi lứa lợn không kể thời gian thả giống (khoảng 2 tháng), người dân có thể xuất chuồng sau khoảng 3-5 tháng. Bằng cách nuôi xoay vòng, mỗi tháng đều có một lứa lợn để xuất nên hầu hết các nông hộ trong HTX đều có thu nhập ổn định. Riêng đối với cá nhân anh, mỗi tháng xuất chuồng 50 con lợn rừng lai thịt thu về hơn 50 triệu đồng.

Anh Đức cũng cho biết, hiện toàn bộ sản phẩm của xã viên đều được HTX bao tiêu. Thị trường tiêu thụ của HTX hiện nay chủ yếu tại khu vực Tây Nguyên và được bán chủ yếu cho các nhà hàng khách sạn. Chính vì vậy đầu ra khá ổn định.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk kiểm tra mô hình lợn rừng lai trước khi thực hiện Đề án.

“Số hóa” đàn lợn, tăng thu nhập cho nông dân

Theo đánh giá của Hội ND tỉnh Đắk Lắk, trong những năm qua, ngành Chăn nuôi của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, riêng chăn nuôi lợn nói chung, năm 2020 toàn tỉnh có 72.152 hộ và 289 trang trại và HTX.Tuy nhiên, đa phần, việc chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm từ chăn nuôi vẫn theo cách truyền thống là bán buôn hoặc bán lẻ cho các chợ mà chưa thật sự quan tâm, tiếp cận và ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, để phù hợp với xu thế phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế thì cần phải chuyển đổi số nông nghiệp để giảm thiểu chi phí, tăng năng suất, chất lượng và rút ngắn khoảng cách từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Trong đó, người sản xuất, nhà quản lý, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, từ đó tạo ra sự minh bạch, xác thực từ khi bắt đầu sản xuất đến khi ra thành phẩm… Chính vì vậy việc “số hóa” cho ngành Chăn nuôi nói chung sẽ tạo được bước đột phá và phù hợp với xu hướng chung.

Xuất phát từ đó, Hội ND tỉnh Đắk Lắk triển khai đề án:“Nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị trên nền tảng số”. Đề án với mục đích nhằm phát huy vai trò Hội ND các cấp trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia “Chuyển đổi số nông nghiệp” góp phần nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng chi, tổ Hội nghề nghiệp. Đây cũng là giải pháp để khắc phục những tồn tại của ngành Chăn nuôi hiện nay.

Bước đầu, Đề án áp dụng “số hóa” cho đàn lợn rừng của 10 nông hộ thuộc HTX chăn nuôi Lợn rừng Tây Nguyên. Theo đó, Đề án đã thực hiện việc làm thẻ QR để truy xuất nguồn gốc đến từng con lợn; lập mỗi con lợn một nhật ký điện tử; mỗi con lợn rừng sẽ có 1 mã QR, 1 trang website ngay từ khi sinh ra (nếu lợn con được bán cho người nuôi tiếp theo thì nhật ký điện tử của lợn này sẽ được chuyển tiếp đến người nuôi mới. Đến khi lợn được giết mổ thì mỗi phần thịt xuất bán sẽ có mã QR để truy xuất nguồn gốc, quá trình sinh trưởng phát triển, chăm sóc nuôi dưỡng…).

Đề án cũng giúp các thành viên HTX biết lập trang website và sử dụng phần mềm để phục vụ sản xuất kinh doanh. Đồng thời nông dân cũng có thể đăng ký kinh doanh trên sàn thương mại điện tử để mở rộng lượng khách hàng và kết nối cung cầu ra ngoài tỉnh, ngoài nước.

Ngoài ra, người tiêu dùng có thể kiểm tra lịch sử, quy trình, hình ảnh… về chăn nuôi lợn rừng tại HTX chăn nuôi Lợn rừng Tây Nguyên một cách rất dễ dàng thông qua việc quét mã QR. Từ đó hình thành chuỗi giá trị từ hộ nông dân chăn nuôi, đầu ra (doanh nghiệp, người tiêu dùng), nhà quản lý (các cấp Hội ND, Ban Quản lý HTX).
Theo anh Đặng Quang Đức, hiện nay toàn bộ sản phẩm lợn rừng lai của nông hộ đều được HTX bao tiêu phân phối. Do đó, HTX phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Trước đây, HTX phải định kỳ kiểm tra việc chăn nuôi của các nông hộ. Nhưng hiện tại, nhờ Đề án số hóa của Hội ND tỉnh, anh có thể ngồi một chỗ cũng có thể nắm bắt được toàn bộ các thông tin liên quan.

Theo đánh giá của Hội ND tỉnh Đắk Lắk, Đề án sẽ giảm chi phí vận hành, quản lý, điều hành, tiếp cận đầu ra nhanh cũng như tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó, Đề án còn giúp cho nhiều người, nhiều nơi, thậm chí nhiều nước biết đến HTX. Qua đó, nhu cầu sản phẩm sẽ tăng lên. Do việc giảm được nhiều chi phí nên thu nhập của người dân cũng sẽ được tăng lên.

Ngoài ra, Đề án cũng mang lại hiệu quả về mặt xã hội như giúp cho nông dân nâng cao kiến thức, kỹ năng, ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh. Từ đó nhân rộng mô hình ra các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản… góp phần xây dựng nền nông nghiệp thông minh của tỉnh nhà và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Công nghệ mà đề án cung cấp hoàn toàn phù hợp với trình độ, năng lực của nông dân. Thông qua một chiếc smatphone, nông dân có thể dễ dàng ghi chép nhật ký chăn nuôi. Thậm chí người không biết chữ cũng có thể dễ dàng ghi chép nhật ký này bằng hình ảnh, video. Và nhà quản lý có thể dễ dàng nắm bắt được thông tin đó một các chính xác.

Tiến Thịnh