Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đào tạo nghề giúp người lao động có việc làm thuận lợi

Hoàng Tính - 13:05 11/11/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Với tỷ lệ lao động có việc làm cao sau khi được học nghề chiếm 80 - 85%, thời gian qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện Mai Châu (tỉnh Hoà Bình) đã góp phần quan trọng trong việc xoá đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Trong quá trình triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Mai Châu, những năm qua Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Mai Châu đã phối kết hợp với chính quyền địa phương các xã, các tổ chức chính trị xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên) để đánh giá nhu cầu học nghề của lao động ở địa phương.

Những lớp dạy nghề ở huyện Mai Châu đã góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động ở nông thôn

Từ việc nắm bắt nhu cầu thực tế của người dân, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Mai Châu đã tham mưu cho UBND huyện Mai Châu và phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên huyện Mai Châu xây dựng được một số mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn phù hợp với điều kiện địa phương như: Trồng dưa hấu tại các xã Vạn Mai, Mai Hạ; thêu thổ cẩm truyền thống và hướng dẫn khách du lịch tại thị trấn Mai Châu, xã Chiềng Châu, Tòng Đậu; trồng rau sạch tại xã Đồng Tân, Thành Sơn…

Trong quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các lớp tổ chức đều đã được tham quan, học tập những mô hình mẫu, từ đó đã tạo điều kiện tốt nhất cho học viên được thực hành và được “cầm tay chỉ việc”… Qua đó, những kiến thức về đào tạo đã được các học viên tiếp thu nhanh chóng, dễ áp dụng sau khi kết thúc lớp đào tạo.

Nhờ được học nghề, các học viên đã có thay đổi trong cách thức trồng trọt và chăn nuôi, biết bố trí cơ cấu cây, con giống phù hợp. Qua đào tạo nghề, bà con nông dân đã biết áp dụng để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng - vật nuôi, đời sống được cải thiện, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.

Anh Lò Văn Quỳnh ở xã Đồng Tân (huyện Mai Châu) cho hay: Trước khi được học đào tạo nghề trồng rau ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên huyện Mai Châu, tôi và các hộ gia đình chỉ biết làm theo phương pháp truyền thống. Nhưng sau khi được học nghề, 100% các gia đình đã biết và chủ động áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào trồng rau sạch, chính vì vậy mà năng suất đã tăng và kinh tế các hộ cũng nâng lên rõ rệt.

Các học viên lớp nghề trồng rau ở huyện Mai Châu được thực hành ngay tại mô hình thực tế

Giống như anh Quỳnh, chị Hà Thị Hồng ở xã Chiềng Châu (huyện Mai Châu) cho hay: Trở về từ lớp đào tạo nghề thêu dệt thổ cẩm truyền thống do huyện Mai Châu tổ chức, tôi cùng như nhiều chị em khác đã tìm kiếm được việc làm thuận lợi, người có vốn thì có thể tự làm dệt tại nhà, còn không thì đi làm cho các cơ sở dệt trên địa bàn huyện Mai Châu rất thuận lợi.

Chỉ trong 10 năm qua (2012 - 2022) huyện Mai Châu đã tổ chức được 116 lớp dạy nghề cho 3.580 lao động nông thôn. Trong đó có 14 lớp theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với 414 học viên, gồm các nghề như: Chăn nuôi gà, trồng nấm, trồng rau sạch, dệt thổ cẩm… Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề chiếm 80 - 85%. Tính đến năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện đạt 53,68%, tăng khoảng 30% so với năm 2012.