Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Dấu ấn đào tạo nghề trong xây dựng nông thôn mới ở Trà Vinh

08:22 28/10/2020 GMT+7
Để xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo, tỉnh Trà Vinh đã chú trọng hơn trong khâu đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn. Nhiều năm qua Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh luôn là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện

Để xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo, tỉnh Trà Vinh đã chú trọng hơn trong khâu đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn. Nhiều năm qua Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh luôn là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện công tác dạy nghề.

Nhờ được học nghề mà nhiều nông dân có thêm nguồn thu nhập để cải thiện đời sống.

Ưu tiên dạy các nghề nông nghiệp

Trà Vinh là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đây có số dân sống bằng nghề nông nghiệp, chiếm tỷ lệ cao với trên 80%. Tuy tỉnh Trà Vinh có nguồn nhân lực rất dồi dào, phong phú nhưng chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn, và tay nghề thấp. Chính bởi vậy, lao động không có việc làm ổn định, thu nhập thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó tỉnh Trà Vinh rất quan tâm tới công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

Để thực nhiệm vụ phát triển kinh tế, chuyển đổi kinh tế nông nghiệp, thời gian qua tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Để thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, tỉnh còn triển khai thực hiện các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả cho lao động nông thôn theo từng nhóm nghề ở địa phương, như: Mô hình dạy nghề trồng đậu phộng, nuôi tôm sú tại xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang; mô hình dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các xã của huyện Cầu Ngang, Cầu Kè; mô hình dạy nghề trồng rau màu dưới đồng ruộng của lao động nông thôn tham gia học nghề tại xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành…

Nhiều ngành nghề nông nghiệp được nông dân lựa chọn học như: Trồng lúa năng suất cao; trồng bắp; nuôi và phòng trị bệnh gia súc (heo, bò, dê..); kỹ thuật thụ tinh bò; nuôi và phòng trị bệnh gia cầm (gà, vịt…); dịch vụ thú y; tạo dáng và chăm sóc cây cảnh; kỹ thuật trồng trọt (đậu phộng, bắp, rau sạch, cà, ớt…); trồng cây có múi (cam, quýt, bưởi, chanh…); nuôi trồng thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá lóc, cá phi, cá điêu hồng…).

Gần đây nhất, đầu tháng 9 vừa qua, Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh phối hợp cùng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP.Trà Vinh và Hội Nông dân Phường 9 tổ chức lễ khai giảng lớp đào tạo nghề trồng rau an toàn tại Phường 9 cho 30 lao động nông thôn thuộc địa bàn khóm 3.

Theo đó, các học viên sẽ thực học trong 70 ngày bao gồm cả lý thuyết và thực hành thực tế. Kết thúc khóa học, nhà trường sẽ cấp giấy chứng chỉ nghề cho các học viên.

Lớp dạy nghề trồng rau an toàn cho bà con nông dân phường 9 nhằm không ngừng nâng cao chất lượng các mặt hàng thực phẩm, rau xanh. Qua đó hướng đến cung cấp rau an toàn, rau sạch cũng như giúp cho những người lao động có thêm những kiến thức quý về cách thức trồng rau an toàn, nâng cao kiến thức nhằm phục vụ cho nhân dân tại địa phương, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đây cũng là bước nhằm thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và giảm nghèo ở địa phương.

Bà Lương Thị Thái (Khóm 3, TP.Trà Vinh) cho biết trước đây bà sản xuất rau theo thói quen canh tác truyền thống chính vì thế giá trị sản lượng, chất lượng rau cũng không cao. Giờ theo học lớp trồng rau sạch, bà Thái mới nhận biết được những sai lầm trong lối canh tác cũ. “Qua lớp học tôi được thực hành kỹ thuật canh tác rau an toàn, đặc biệt biết cách sử dụng phân bón đúng cách để bảo vệ môi trường và các sinh vật có lợi” – bà Thái nói.

Khai giảng lớp dạy nghề đan rổ dây nhựa cho phụ nữ ở tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Thanh Tuyền

Hơn 15.000 lao động nông thôn được đào tạo

Báo cáo của Sở LĐTB&XH tỉnh Trà Vinh cho thấy sau gần 10 năm (2010 – 2019) triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, Trà Vinh đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho trên 15.310 lao động nông thôn, với tổng kinh phí tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn hơn 51,3 tỷ đồng.

Đến nay, tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã đạt trên 55%, cụ thể: Thực hiện đào tạo (được cấp chứng chỉ) nghề nông nghiệp được 12.509 lao động nông thôn, có 4.385 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề là nữ, chiếm 35,05%; có 3.857 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề là người dân tộc, chiếm 30,83%. Đề án đã giải quyết việc làm ổn định sau khi hoàn thành khoá đào tạo nghề cho 2.804 lượt lao động.

Ông Dương Quang Ngọc – Phó Giám đốc Sở LĐ&TBXH tỉnh Trà Vinh cho biết bên cạnh những thành công, công tác dạy nghề cũng đối diện với nhiều những khó khăn. Lý do là bởi, phần lớn người dân tộc là nghèo với cận nghèo cho nên việc sắp xếp bố trí thời gian dạy các lớp dạy nghề cho người dân nông thôn nói chung, người Khmer nói riêng mình phải linh hoạt, tổ chức ngoài giờ.

“Mặt khác, cơ sở vật chất hiện nay chỉ đáp ứng đủ một số nghề thôi, còn một số nghề không được đầu tư do trong 3- 4 năm nay không còn kinh phí hỗ trợ. Một khó khăn khác chính là tâm lý ngại học ngại chuyển đổi của lao động nông thôn. Một số lao động trung niên, chỉ học các nghề nông nghiệp thuần túy, để dạy những nghề nông nghiệp sản xuất công nghệ cao đòi hỏi lao động cũng cần phải có trình độ, trẻ hóa. Cái này lao động nông thôn khó cập nhật”.

Ông Ngọc cho biết, Sở LĐTB&XH tỉnh cũng đã kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh, sửa đổi các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động theo hướng tích hợp các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng khác nhau vào chung một văn bản, áp dụng chung cơ chế; Kiến nghị tỉnh xem xét nâng mức bổ sung nguồn ngân sách hàng năm cho các huyện nhằm phục vụ cho hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 33 triệu đồng/năm. Nếu như đầu năm 2011, số hộ nghèo của tỉnh Trà Vinh chiếm 23,63% (với 58.158 hộ), thì đến cuối năm 2019 theo chuẩn đa chiều, hộ nghèo giảm còn 4,45% (với 12.277 hộ), giảm 1,5%, tương đương 4.137 hộ so với cuối năm 2018. Hộ nghèo dân tộc Khmer cũng chỉ còn 8,27% (giảm 3%, tương đương 2.683 hộ so với cuối năm 2018).
Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Trà Vinh

Thu Hoài