Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Dòng vốn uỷ thác” đạt hiệu quả cao với người nghèo và đối tượng chính sách

15:06 01/10/2020 GMT+7

Ngày 1/10 tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết hoạt động uỷ thác giai đoạn 2015-2020; phương thức ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được Ngân hàng CSXH thực hiện thông qua 4 tổ chức chính trị – xã hội gồm Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên.

Các đồng chí lãnh đạo Chủ trì Hội nghị trực tuyến. Ảnh: Trần Giáp.

Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Hội đồng quản trị NHCSXH Việt Nam: đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam; đồng chí Nguyễn Lam, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Văn Đạo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; đồng chí Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam; đại diện lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành có liên quan và đại diện tại 62 điểm cầu trong cả nước .

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Thào Xuân Sùng khẳng định: Tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác là một công cụ quan trọng của Đảng và Nhà nước để thực hiện vai trò điều tiết trong nền kinh tế thị trường. Trải qua 18 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác, được sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, NHCSXH là tổ chức được giao nhiệm vụ thực thi tín dụng chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị – xã hội tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Ủy viên Hội đồng quản trị NHCSXH phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Trần Giáp.

“Tại Hội nghị này, Ban Tổ chức sẽ đánh giá kết quả hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giai đoạn 2015-2020; Ý kiến của các địa phương chia sẻ về kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm, những cách làm hay, những khó khăn vướng mắc và các đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ủy thác trong giai đoạn tiếp theo. Trên cơ sở đó, NHCSXH cùng các tổ chức chính trị – xã hội và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tham mưu trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách, thống nhất nội dung ủy thác và các giải pháp triển khai trong giai đoạn tiếp theo”, đồng chí Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.

Dư nợ tín dụng ủy thác chiếm 99,56% tổng dư nợ

Theo báo của Ngân hàng CSXH tại Hội nghị, tính đến ngày 31/8/2020, tổng dư nợ chương trình tín dụng thực hiện theo phương thức ủy thác là 220.545 tỷ đồng (chiếm 99,56% tổng dư nợ của NHCSXH); tăng so với năm 2014 là 90.491 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,8%, với gần 6,5 triệu tổ viên còn dư nợ thông qua mạng lưới 173.712 Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Chất lượng tín dụng tiếp tục được nâng cao, nợ quá hạn trong tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị – xã hội có tỷ lệ giảm dần từ 4,5% khi nhận bàn giao xuống còn 0,38% năm 2014 và đến 31/8/2020 còn 0,25%. Vốn tín dụng ưu đãi được chuyển tải nhanh chóng, thuận lợi đến đúng đối tượng thụ hưởng kịp thời, hiệu quả với tổng doanh số cho vay ủy thác trong 5 năm qua đạt 334.061 tỷ đồng, chiếm 98,8% tổng doanh số cho vay của NHCSXH, cho hơn 12 triệu lượt khách hàng vay vốn.

Với kết quả đạt được, có thể khẳng định phương thức ủy thác một số nội dung công việc qua các tổ chức chính trị – xã hội là sáng tạo, phù hợp với tôn chỉ hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội, phù hợp với tính chất chính trị, xã hội của vốn tín dụng chính sách, phát huy tối đa hiệu quả của đồng vốn cho vay; qua đó đóng góp tích cực phát triển bền vững của NHCSXH, xây dựng tổ chức chính trị- xã hội vững mạnh và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội. Phương thức ủy thác này đã khẳng định tính ưu việt riêng có của tín dụng chính sách xã hội.

Trong quá trình triển khai hoạt động ủy thác, NHCSXH và các tổ chức chính trị – xã hội thường xuyên củng cố, sắp xếp lại mạng lưới Tổ TK&VV, bảo đảm hài hòa giữa việc tổ chức Tổ TK&VV theo tổ chức Hội và theo địa bàn dân cư, tạo thuận lợi cho quá trình quản lý, vận hành hoạt động Tổ. Đến 31/8/2020, có 173.712 Tổ TK&VV (giảm hơn 23.000 Tổ so với năm 2014), với gần 6,5 triệu tổ viên còn dư nợ; bình quân dư nợ 1,3 tỷ đồng/tổ và 37 tổ viên/tổ.

Việc thực hiện ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị – xã hội đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng tín dụng: Nợ quá hạn trong tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị – xã hội giảm dần từ 4,5% (370 tỷ đồng) khi nhận bàn giao xuống còn 0,38% năm 2014 và đến 31/8/2020 còn 0,25% Đến 31/8/2020, tổng dư nợ quá hạn tại NHCSXH là 556 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,26% tổng dư nợ, giảm 0,15% so với 31/12/2014. Tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn đạt 94%, tăng 23% so với 31/12/2014. Các vụ việc chiếm dụng vốn được tập trung xử lý, kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động tín dụng được thiết lập.

Tỷ lệ thu lãi tăng dần qua từng năm, đảm bảo thu đúng, thu đủ, giảm thiểu lãi tồn đọng. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị – xã hội đã quan tâm, phối hợp với NHCSXH làm tốt công tác vận động tổ viên Tổ TK&VV tham gia thực hiên quy ước về tiền gửi tiết kiệm định kỳ hằng tháng, mang lại hiệu quả thiết thực. Đến 31/8/2020, trên 99,9% Tổ TK&VV có số dư tiền gửi tổ viên với gần 6,5 triệu tổ viên tham gia, số dư tiền gửi đạt 11.190 tỷ đồng, tăng 7.790 tỷ đồng so với 31/12/2014.

Đại diện các điểm cầu. Ảnh: Trần Giáp.

Dư nợ nhận ủy thác của Hội Nông dân liên tục tăng

Cũng theo Ban Tổ chức, trong hơn 5 năm qua, dư nợ nhận ủy thác của Hội Nông dân liên tục tăng. Tại thời điểm 31/12/2014 dư nợ đạt 42.623 tỷ đồng, đến 31/08/2020 dư nợ đạt 67.442 tỷ đồng, tăng 24.819 tỷ đồng (+58,23% so với cuối năm 2014, tương ứng số tiền dư nợ tăng bình quân hàng năm là 4.137 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 30,58% tổng dư nợ NHCSXH ủy thác cho các tổ chức chính trị – xã hội.

Trong các chương trình tín dụng uỷ thác qua Hội Nông dân có 7 chương trình dư nợ chiếm tỷ trọng lớn trên 3.000 tỷ đồng, với tổng dư nợ đạt 63.795 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 93.66%, còn lại các chương trình khác có tổng dư nợ 4.277 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,34%.

Việc quản lý nợ và thu hồi nợ quá hạn được các cấp Hội Nông dân coi trọng. Trong hơn 5 năm qua, các cấp Hội rất tích cực phối hợp với NHCSXH và chính quyền cơ sở phân loại, đôn đốc thu nợ nên nợ quá hạn giảm nhanh. Tại thời điểm 31/12/2014, nợ quá hạn chiếm 0,41% tổng dư nợ, nhưng đến 31/08/2020 tỷ lệ nợ quá hạn chỉ còn chiếm 0,25% tổng dư nợ. Trong đó khu vực Trung du, miền núi phía Bắc có tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất (chiếm 0,11% trên tổng dư nợ); khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có tỷ lệ nợ quá hạn cao nhất cả nước (chiếm 0,70% trên tổng dư nợ, trong đó có 4 tỉnh có nợ quá hạn cao trên 1% gồm: Bạc Liêu (1,61%), Cà Mau (1,59%), Kiên Giang (1,91%), An Giang (1,19%). Có 5 tỉnh trong suốt 5 năm chưa năm nào nợ quá hạn vượt quá 0,1%/dư nợ bình quân năm là: Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Quảng Nam.

Trong hơn 5 năm qua, bình quân mỗi năm, các cấp Hội đã thực hiện hàng nghìn cuộc kiểm tra về hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Riêng ở Trung ương Hội, hàng năm, Ban chuyên môn theo dõi trực tiếp tổ chức Đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác từ 25- 30 tỉnh, thành Hội. Tại mỗi tỉnh kiểm tra 2 huyện, 4 xã, 8 – 10 Tổ TK&VV và 5 đến 10 hộ vay. Cùng với đó, trong các hoạt động khác của Thường trực và các Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội tại địa phương đều gắn với công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động ủy thác của Hội. Các Ban, đơn vị chuyên môn khác và Đoàn công tác của Trung ương Hội đều tham gia tuyên truyền, nắm bắt, phản ảnh về hoạt động ủy thác.

Thông qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy các cấp Hội cơ bản thực hiện theo đúng hướng dẫn, quy định, các hộ vay đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy được hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách. Sau các cuộc kiểm tra đều có văn bản thông báo kết quả kiểm tra cho đơn vị được kiểm tra biết những ưu điểm, hạn chế tồn tại để kịp thời khắc phục.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Lam, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà NHCSXH cùng các tổ chức chính trị xã hội đã phối hợp trong việc đưa tín dụng chính sách đến với người dân thời gian qua. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng sống của các đối tượng chính sách, hộ nghèo, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, tăng niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Các đại biểu tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Trần Giáp.

Đồng chí Nguyễn Lam cũng nhấn mạnh, thời gian tới, tín dụng chính sách tiếp tục được khẳng định là công cụ kinh tế hữu hiệu của nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia và phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong công tác phối hợp giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị – xã hội.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng chí Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương yêu cầu trong thời gian tới, NHCSXH cần tập trung triển khai 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó tập trung một số nhiệm vụ: Tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách; chỉ đạo tổ chức chính trị các cấp thực hiện tốt nội dung công việc ủy thác, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những tồn tại, hạn chế phát sinh; phối hợp với NHCSXH tronng việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; nhân rộng các mô hình điển hình, hiệu quả, nhất là tại các vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Hải Quỳnh