Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đột phá kinh tế nhờ nuôi tôm trên cát

20:07 15/11/2019 GMT+7

Tại xã Diễn Trung (huyện Diễn Châu, Nghệ An), nông dân đã áp mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật Biowish trong nuôi tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả cao.

Diễn Trung là một trong nhiều xã trên cả nước triển khai thực hiện tốt việc ứng dụng chế phẩm Biowish trong sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản theo dự án “Xây dựng mô hình chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững năm 2019” của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN).

Thương lái đến thu mua tôm thẻ chân trắng tận hồ nuôi tại Diễn Châu. Ảnh: Mai Giang

Doanh thu từ nuôi tôm chiếm 40% tổng thu nhập của địa phương

Tại Nghệ An, nếu như các địa phương trong tỉnh phát triển nuôi tôm ở những vùng ao hồ ruộng trũng, thì ở Diễn Châu lại phát triển nuôi tôm ở vùng đất cát ven biển. Nuôi tôm trên cát tuy là nghề khá mới mẻ nhưng đã mở ra hướng làm kinh tế mới cho người dân. Sự năng động của nông dân đã biến những vùng đất cát hoang hóa thành những vùng nuôi tôm mang lại thu nhập cao.

Với lợi thế vùng đất cát ven biển, những năm gần đây xã Diễn Trung đang phát triển mạnh nghề nuôi tôm trên cát. Hiện toàn xã có khoảng 60 hộ nuôi tôm với tổng diện tích 50ha chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhờ sự năng động, cần cù chịu khó mà hiện nay nhiều hộ nông dân ở Diễn Trung đã làm giàu trên vùng đất cát của xã, điển hình như mô hình ông Ngô Xuân Đại, anh Anh Hồ Văn Sáu, anh Nguyễn Văn Phước mỗi năm thu nhập từ 400 – 600 triệu đồng từ nghề nuôi tôm. Từ nghề nuôi tôm trên cát đã biến xã nghèo Diễn Trung trở thành một vùng nông thôn phát triển, doanh thu từ nghề nuôi tôm mỗi năm chiếm đến 40% tổng thu nhập của địa phương.

Theo ông Trần Văn Đức – Phó Ban Kinh tế – Xã hội, Hội ND tỉnh Nghệ An, qua chuyển hướng nghề nuôi tôm trên cát cũng là hướng đột phá của Diễn Trung tạo điều kiện tận dụng đất nhiễm mặn, đất trống đưa vào quy hoạch tạo điều kiện để bà con nông dân nuôi trồng thủy sản nhất là tôm thẻ chân trắng. Chính vì vậy những năm gần đây những hộ nuôi tôm ở đây đã có thu nhập cao. Hiện Hội ND tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ cho 4 hộ tại xã Diễn Trung xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng sử dụng chế phẩm vi sinh Biowish. Mô hình này bắt đầu triển khai từ tháng 7.2019, hỗ trợ tôm giống cho các hộ tham gia từ tháng 10 vừa qua.

Ngoài ra, để hỗ trợ các hộ nuôi tôm, huyện Diễn Châu đã tập trung hướng dẫn cho các hộ nuôi cải tiến quy trình kỹ thuật, hướng tới sản suất theo mô hình VietGap, sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi nên đã đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao được chất lượng tôm nuôi. Bên cạnh đó, huyện Diễn Châu đang tập trung cho việc quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi tạo điều kiện để nghề nuôi tôm phát triển bền vững.

Sử dụng chế phẩm vi sinh Biowish mang lại hiệu quả cao

Tôm thẻ chân trắng là loài tôm có khả năng chịu đựng và lớn nhanh ở mật độ cao, ít phân đàn, ít ăn nhau và thời gian nuôi ngắn. Áp dụng hệ thống nước tuần hoàn nên môi trường nước nuôi ổn định, hạn chế tối thiểu việc thải nước thải ra ngoài gây ô nhiễm vì thế được xem là mô hình thân thiện môi trường.

Thay vì cách chăn nuôi cũ thường pha trộn thêm kháng sinh vào khẩu phần ăn để trị bệnh cho vật nuôi, các hộ nuôi đã chuyển sang sử dụng chế phẩm sinh học an toàn Biowish. Thực tế cho thấy, khi sử dụng chế phẩm này, chất lượng thực phẩm được nâng lên rõ rệt, chi phí giảm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi thu hoạch.

Cụ thể, chế phẩm sinh học Biowish được dùng để bổ sung cho thức ăn nuôi tôm, cá. Chế phẩm này có tác dụng gia tăng tối đa khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng, đồng thời đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, tăng tỷ lệ sống của vật nuôi. Ngoài ra, chế phẩm còn giúp giảm được chi phí thức ăn (khoảng 10%); làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, nhiễm bệnh trên các loài tôm, cá mà nhất là các bệnh về đường ruột, nấm…

Tôm thẻ chân trắng mang lại thu nhập cao cho các hộ nuôi tôm tại Nghệ An. Ảnh: Mạnh Hùng

Với tính năng ưu việt đó, chế phẩm này đang được Hội ND xã Diễn Trung (huyện Diễn Châu) khuyến khích hội viên, nông dân sử dụng trong nuôi tôm thẻ chân trắng tại địa phương. Theo các chuyên gia đánh giá, lợi ích của chế phẩm Biowish giúp xử lý và nâng cao chất lượng nước và môi trường nuôi trồng thủy sản, xử lý tảo độc, chất thải, đáy ao tạo dinh dưỡng cho con tôm. Ngoài ra, còn giúp tăng cường hệ vi sinh có lợi cho môi trường nuôi, tăng sức khỏe và khả năng kháng bệnh, tăng tỷ lệ sống của tôm, cá. Đồng thời, các hộ nuôi sẽ giảm bớt được chi phí về hóa chất, thuốc xử lý môi trường ao nuôi…

Chế phẩm vi sinh Biowish được sử dụng để phối trộn vào thức ăn trong chăn nuôi thủy sản sẽ giúp tạo ra tổ hợp vi sinh vật có lợi trong đường ruột của tôm. Hệ vi sinh vật này sẽ cạnh tranh trực tiếp và đào thải các vi sinh vật có hại; từ đó, giúp nâng cao sức khỏe, sức đề kháng của tôm. Ngoài ra các chủng vi sinh đặc biệt của Biowish có khả năng tổng hợp một số loại kháng sinh, enzyme và vitamin có lợi cho cơ thể…

Đối với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, theo kết quả xét nghiệm mẫu nước hàng tuần, môi trường nước trong ao nuôi đã đạt tiêu chuẩn, đảm bảo tỷ lệ sống cao nhất. Đặc biệt sức khỏe của con tôm được đảm bảo do môi trường nước rất phù hợp, lượng vi sinh vật trong chế phẩm được đưa vào hệ tiêu hóa giúp vật nuôi tăng cường hệ tiêu hóa, qua đó đẩy mạnh quá trình hấp thụ dinh dưỡng, kháng bệnh tự nhiên.

Cách làm này cũng được đánh giá sẽ hạn chế việc đưa các loại hóa chất độc hại vào ao nuôi tôm nhằm xử lý môi trường nước và đáy ao. Thực tế khảo nghiệm cho thấy, tổng số ngày nuôi tôm giảm trung bình gần 30 ngày đối với kích cỡ khoảng 50 – 55 con/kg. Kích cỡ tôm khi thu hoạch cũng đồng đều.

Nhờ sự năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm nhiều hộ nông dân Diễn Châu đã tìm ra được những hướng đi mới, phát huy hiệu quả tiềm năng của hàng trăm héc ta đất cát lâu nay bỏ hoang. Con tôm thẻ chân trắng trên vùng đất cát ven biển đang là thế mạnh, góp phần đa dạng hóa các mô hình kinh tế ở Diễn Châu, giúp bà con vùng biển Diễn Châu vươn lên có cuộc sống ấm no. 

“Đối với nuôi tôm thẻ chân trắng đang là thế mạnh của huyện Diễn Châu, những xã ven biển cũng đã tận dụng được thế mạnh này của vùng, huyện cũng đã quy hoạch vùng nuôi trọng tâm và có định hướng kéo hệ thống trạm điện lắp hệ thống quạt tạo oxy và tuyến đường ven đê để đảm bảo bà con nuôi trồng thủy sản không gặp khó khăn trong chăn nuôi, vận chuyển”.
Ông Phan Xuân Vinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu.

Lê Hường