Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Du lịch cộng đồng tạo sức hút mới

Hải Nam - 07:03 10/03/2022 GMT+7
Những bản làng ở Lai Châu nơi còn lưu giữ những vẻ đẹp thiên nhiên thuần khiết và bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng đã tạo sức hấp dẫn du khách về trải nghiệm tại các bản làng. Điều này đã mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân.
Chợ phiên San Thàng, thành phố Lai Châu. Ảnh: Hoàng Quốc Việt

Đổi thay từ du lịch cộng đồng

Với những người đam mê du lịch trải nghiệm không thể không biết đến bản Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ). Từng bị coi là “bản nghiện” nhưng Sin Suối Hồ hôm nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn của tỉnh Lai Châu.

Chị Hảng Thị Sú ở bản Sin Suối Hồ cho biết, khoảng hơn 25 năm trước, rất nhiều người dân trong bản nghiện thuốc phiện và nghiện rượu. Cuộc sống đói khổ, nhiều người chỉ có thể đi đào củ mài ăn qua ngày. Từ năm 2005, chính quyền địa phương quyết tâm thay đổi tư duy cho người dân, tổ chức cai nghiện và thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới.

Trong quá trình chuyển mình, bản Sin Suối Hồ bắt đầu làm du lịch và coi đây là hoạt động kinh tế chủ chốt. Bà con dân bản chung tay xây dựng “bản 5 không” với tiêu chí: Không uống rượu, không hút thuốc (thuốc phiện, thuốc lá, thuốc lào), không xả rác bừa bãi, không có tệ nạn và mâu thuẫn cộng đồng, không có người ăn xin, chèo kéo du khách.

Người dân cùng nhau làm bản làng tươi đẹp hơn, như mang hoa lan, hoa đào trang trí khắp bản, xây dựng những cổng nhà độc đáo hay sửa sang đường đi, giữ sạch các thác nước… Để cùng làm du lịch, dân bản chia nhau thành các tổ nhóm dịch vụ, như tổ nấu ăn, vận chuyển, dệt vải, văn nghệ... phục vụ du khách. Đến Sin Suối Hồ hôm nay, bất cứ con đường, ngõ cổng nhà nào cũng rất sạch sẽ và đầy sáng tạo, đẹp như một bức tranh nghệ thuật. Người dân thân thiện, mến khách, đoàn kết yêu thương nhau. 

Theo anh Vàng A Chỉnh - Trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết, bản văn hóa Sin Suối Hồ có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Hiện nay, bản có 1 Hợp tác xã và khoảng hơn chục hộ tham gia kinh doanh dịch vụ Homestay. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hộ đã chỉnh trang nhà cửa, sửa chữa nhà vệ sinh, trang bị chăn đệm... mỗi hộ có thể phục vụ từ 8 - 15 khách/ngày. Đặc biệt, “các nhà tổ chim” do bà con làm thời gian gần đây đã thu hút khá nhiều du khách trải nghiệm đêm tại Sin Suối Hồ. Đây là một trong những bước đột phá về du lịch mà Sin Suối Hồ muốn dành tặng du khách khi đến bản. 

Những năm gần đây, bản Sin Suối Hồ đã sáng tạo, triển khai nhiều hình thức du lịch trải nghiệm mới, ngày càng thu hút du khách và đem lại thu nhập cho người dân nơi đây. Nếu có thời gian, du khách có thể ở lại trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mông; khám phá và săn mây trên đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử (Ky Quan San) - đỉnh núi cao thứ 3 của Việt Nam, ngắm toàn cảnh thung lũng hoa dã quỳ vàng ruộm, các thửa ruộng bậc thang trải dài đến tận sườn núi…

Ông Hoàng Quốc Việt (Công ty Thương mại và Du lịch Pu Lai Châu) cho biết, Sin Suối Hồ là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất tại Lai Châu hiện nay, với khí hậu mát mẻ, cảnh quan nguyên vẹn, tự nhiên, ít bị hiện đại hóa cùng người dân thân thiện, dịch vụ tốt. Hầu như du khách lên Lai Châu đều muốn ghé qua Sin Suối Hồ, thường với lịch trình 3 ngày 2 đêm. Đến đây du khách có rất nhiều lựa chọn như đi leo núi, thưởng thức văn hóa, ẩm thực, tham gia các phiên chợ, tìm mua đặc sản địa phương hoặc trải nghiệm cuộc sống nông nghiệp cùng bà con. 

Những năm trước, lượng khách du lịch đến Sin Suối Hồ khoảng 20.000 lượt người, doanh thu khoảng 6 tỷ đồng/năm. Dù đang vắng khách du lịch do đại dịch Covid-19, người dân tại Sin Suối Hồ vẫn đang hàng ngày giữ gìn bản làng sạch đẹp, tìm ra những sản phẩm mới để sẵn sàng đón khách sau đại dịch. Từ thành công của Sin Suối Hồ, ông Hoàng Quốc Việt cho rằng mô hình du lịch cộng đồng cần được nhân rộng ra toàn tỉnh, vì Lai Châu còn nhiều bản làng đẹp và giàu tiềm năng phát triển như bản Lao Chải, bản Sì Thâu Chải, bản Thẳm, bản San Thàng…

Nghề vẽ sáp ong tại bản Sin Suối Hồ.

Lan tỏa cách làm mới

Bà Nguyễn Thị Duyên - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết, Lai Châu được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan tươi đẹp, cùng bản sắc đặc trưng của 20 dân tộc cùng sinh sống là thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng. Trong thời gian qua, Lai Châu xây dựng 16 điểm du lịch thì có 13 điểm du lịch cộng đồng, nổi bật nhất là bản Sin Suối Hồ đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu” năm 2019. Từ thành công của bản du lịch Sin Suối Hồ, tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng như bản Sì Thâu Chải, bản Thẳm, bản San Thàng.

Du lịch cộng đồng chiếm vai trò quan trọng trong định hướng phát triển du lịch của Lai Châu. Vừa qua, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030”. Theo đó, Lai Châu sẽ huy động nguồn lực đầu tư, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo đề án, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lai Châu phấn đấu xây dựng 5 sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đạt sản phẩm OCOP 4-5 sao; xây dựng 1 bản du lịch cộng đồng tiêu biểu quốc gia, tiến tới đề nghị công nhận điểm du lịch cộng đồng ASEAN.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Lai Châu đầu tư bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Mông bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp. Bản Sì Thâu Chải (huyện Tam Đường) tập trung phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Dao gắn với du lịch mạo hiểm (dù lượn, leo núi). Tại bản San Thàng (thành phố Lai Châu), du lịch cộng đồng gắn với chợ phiên và chợ đêm San Thàng, song song với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa người dân tộc Giáy. Các loại hình du lịch trải nghiệm văn hóa cũng được đẩy mạnh tại bản Vàng Pheo (huyện Phong Thổ) của người Thái và bản Thẳm (huyện Tam Đường) của người Lự. 

Những năm trước, lượng khách du lịch đến Sin Suối Hồ khoảng 20.000 lượt người, doanh thu khoảng 6 tỷ đồng/năm. Dù đang vắng khách du lịch do đại dịch Covid-19, người dân tại Sin Suối Hồ vẫn đang hàng ngày giữ gìn bản làng sạch đẹp, tìm ra những sản phẩm mới để sẵn sàng đón khách sau đại dịch.