Giá cà phê giảm thấp nhất 50 năm
Cụ thể, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) ước tính Việt Nam sẽ xuất khẩu được 1,5 triệu tấn cà phê trong niên vụ 2017 – 2018, với kim ngạch đạt khoảng 3 tỷ USD. So với vụ trước, xuất khẩu cà phê tăng 0,8% về khối lượng nhưng lại giảm 10,5% về giá trị.
Kim ngạch xuất khẩu giảm chủ yếu do giá cà phê nhân đang ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Tính đến ngày 26/7, giá thu mua cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên dao động trong khoảng 34.600 – 35.500 đồng/kg, với giá giao về các kho quanh TP.HCM chỉ đạt 36.700 đồng/kg.
Về sản lượng, Vicofa ước tính Việt Nam sẽ sản xuất được 1,55 triệu tấn cà phê trong niên vụ hiện tại, tăng 100.000 tấn so với niên vụ 2016 – 2017.
Hiệp hội cho biết sản lượng chỉ tăng nhẹ do các địa phương vẫn đang trong thời kỳ tái canh cải tạo vườn cây cà phê nên nhiều vườn chưa cho thu hoạch. Hơn nữa, một số diện tích tái canh lại chuyển sang trồng sầu riêng, bơ, chanh leo và cây khác có giá trị cao hơn, dẫn tới diện tích cà phê giảm. Tuy nhiên, theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Vicofa vẫn giữ mục tiêu diện tích trồng cà phê cả nước quanh mức 600.000 ha.
Một nguyên nhân quan trọng khác là giá cà phê nhân thấp nhất trong vòng 50 năm trong khi chi phí như nhân công, xăng dầu và các dịch vụ, phân bón, thuốc trừ sâu tăng nên giá bán hiện nay xuống thấp hơn cả giá thành sản xuất. Vì vậy, người nông dân không chú tâm vào chăm bón gây ảnh hưởng tới năng suất của mùa vụ.
Về cơ cấu sản phẩm, Vicofa cho biết xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam trong mấy năm qua đã tăng lên nhanh chóng. Trong 5 năm tới, lượng xuất khẩu cà phê đã qua chế biến dự báo sẽ tăng lên 200.000 tấn, gấp đôi mức hiện tại.
Ngoài ra, Hiệp hội ước tính lượng tiêu thụ cà phê trong nước cũng tăng lên 15%, khiến lượng cà phê nhân xuất khẩu giảm xuống còn khoảng 1 – 1,2 triệu tấn/năm.
Cường quốc cà phê vẫn… khó
Hiện thị trường cà phê toàn cầu đang chịu áp lực dư thừa nguồn cung và nhu cầu giảm thấp. Hầu hết các dự báo thị trường đều cho rằng giá cà phê khó khôi phục trong 3 tháng tới của năm 2018. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ điều này, giá cà phê trong nước giảm mạnh, hoạt động mua bán ngưng trệ do người nông dân không muốn bán cà phê ở mức giá quá thấp.
Từ cuối tháng 5/2018 đến nay, giá cà phê có lúc xuống thấp nhất ở mức 35.100 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng và cao nhất là 36.000 đồng/kg tại tỉnh Kon Tum.
Điều đáng nói, Việt Nam nằm trong top 4 quốc gia sản xuất cà phê lớn trên thế giới. Tuy nhiên, cà phê Việt Nam xuất khẩu có đến 90% là sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp, vì vậy, khi giá cà phê thế giới sụt giảm, ngay lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu.
Nhìn toàn cảnh thị trường, cà phê Việt Nam gần như không có sức cạnh tranh ở tầm thế giới. Xét về giá trị thương mại thì cà phê Việt Nam gần như chưa tận dụng được nhiều từ thị trường của một ngành hàng khổng lồ, bởi thế giới chi khoảng 500 tỷ USD/năm cho tiêu dùng cà phê.
Theo Vicofa, Việt Nam hiện có trên 150 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, nhưng chỉ rất ít doanh nghiệp sản xuất chế biến cà phê như Trung Nguyên, Phúc Long, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa hay Công ty cổ phần Cà phê Mê Trang… có sản phẩm cà phê chế biến (cà phê hòa tan, rang xay…) xuất khẩu. Điều này không đủ để nâng tầm hay ghi tên cà phê Việt Nam vào bản đồ thức uống thế giới.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho rằng, khi xuất khẩu sản phẩm cà phê rang xay và hòa tan, giá trị sẽ tăng gấp đôi so với sản phẩm cà phê nhân. Nhưng doanh nghiệp cà phê Việt phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí có nhiều doanh nghiệp phát triển từ hộ sản xuất gia đình, nguồn vốn đầu tư cá nhân là chính, nên rất khó để đầu tư trang thiết bị, máy móc chế biến cà phê hòa tan hay cà phê rang xay (một máy chế biến cà phê hòa tan hoặc rang xay với công suất 1.000 tấn, doanh nghiệp cần khoảng 10 triệu USD). Điều này cũng cho thấy vì sao Việt Nam chỉ có một vài doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chế biến.
“Để ngành cà phê phát triển bền vững phải có lộ trình thực hiện 8 nhóm giải pháp năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng. Cần chọn các giống cà phê thay thế diện tích cà phê già cỗi có năng suất và chất lượng cao; đẩy mạnh đầu tư nhà máy, công nghệ chế biến cà phê hòa tan xuất khẩu; đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nâng mức tiêu thụ trong nước lên 20 – 30%. Song song đó là việc nâng cao hiệu quả kinh doanh xuất nhập khẩu, phấn đấu bán cà phê nhân cùng chất lượng bằng giá thế giới…” – ông Tự cho biết.
Tư lệnh ngành NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cũng nhìn nhận: “Chúng ta không đặt mục tiêu tăng diện tích cà phê nhưng phải tăng năng suất và chất lượng. Mục tiêu ngành cà phê Việt Nam phải giữ vững vị trí thứ 2 trên thế giới về sản xuất, sản lượng; đồng thời tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chế biến…”.
Phía Bộ Công thương cũng đã xây dựng chiến lược thương hiệu cà phê (nằm trong chiến lược xây dựng thương hiệu thực phẩm nói chung) để ổn định giá cà phê xuất khẩu từ năm 2018.