Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giá lợn hơi tăng cao nhưng người chăn nuôi không dám đầu tư tái đàn

Công Duy (tổng hợp) - 07:02 14/08/2022 GMT+7
Thời điểm này, người chăn nuôi tại nhiều địa phương đang rất phấn khởi do giá lợn hơi ở mức khá cao, chăn nuôi đã bắt đầu có lợi nhuận, đây cũng là cơ hội để người chăn nuôi khôi phục sản xuất sau dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện chi phí vật tư đầu vào, nhất là giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng cao khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, không mặn mà tái đàn vì lo rủi ro thua lỗ.

Chi phí vật tư đầu vào, giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng cao

Ông Lâm Hồng Thái, xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai cho biết, nửa tháng trước, gia đình ông mới xuất bán 6 tấn lợn với giá 52.000 đồng/kg. Sau đó, giá lợn tiếp tục tăng lên 62.000 đồng/kg, chỉ trong 1 tuần, giá lợn hơi đã tăng lên 10.000 đồng/kg. Hiện tại, trong chuồng nhà ông Lâm Hồng Thái còn gần 100 con lợn sắp xuất chuồng. Với giá bán như hiện nay, sau khi trừ chi phí ông lãi khoảng 1.3 triệu đồng/con, ông đang tích cực chăm sóc và hy vọng thắng lớn ở lứa lợn này.
 Theo ông Thái, sau khi trải qua 2 năm dịch bệnh, so với giá lợn hơi năm ngoái, giá bán năm nay khiến cho người chăn nuôi rất phấn khởi. Đây cũng được xem là lứa lợn “bù lỗ” cho những lứa trước đã phải bán với giá thấp. Tuy nhiên sau lứa lợn này gia đình ông không dám tăng đàn, tái đàn nhiều vì ông lo lắng nhiều rủi ro dịch bệnh có thể xảy ra, nên chỉ dám tái đàn ít để cầm chừng.

Một trang trại chăn nuôi heo ở tỉnh Đồng Nai. Ảnh minh họa VOV
 Một nguyên nhân nữa cũng khiến hiện nay các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai dè dặt trong chuyện tái đàn, tăng đàn phục vụ cho thị trường cuối năm là do chi phí vật tư đầu vào, nhất là giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng cao.
 Ông Bùi Thái Thảo, hộ chăn nuôi lợn xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ cho biết, vừa rồi giá lợn hơi tăng cao nên nông dân ở đây cũng phấn khởi. Tuy nhiên hiện giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức cao nên nhiều người dân cũng hạn chế việc tái đàn. Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới, gia đình ông cũng chỉ tái đàn với số lượng nhỏ.
 “Để tiết kiệm chi phí, thay vì mua thức ăn chăn nuôi sẵn ở bên ngoài, thì chúng tôi sẽ mua ngô, chuối về trộn làm thức ăn để giảm giá thành, chứ cho ăn thức ăn công nghiệp giá cao quá nông dân chịu không nổi”, ông Bùi Thái Thảo chia sẻ.
 Ông Ngô Hữu Phụng, Trưởng phòng NNPTNT huyện Cẩm Mỹ cho biết, hiện nay đang là thời điểm lý tưởng để người chăn nuôi tập trung tái đàn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không khuyến khích phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ mà tập trung trang trại quy mô có tổng đàn lớn. Vì đối với những trang trại lớn có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, cơ sở vật chất đảm bảo, có liên kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty lớn, như vậy mới có thể phát triển chăn nuôi bền vững, lâu dài.
 Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay, hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi, giá con giống và các chi phí khác đều tăng cao, nguy cơ ảnh hưởng bởi dịch bệnh vẫn rất lớn nên giá thành nuôi lợn hiện bị đẩy lên khá cao. Với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không chủ động được nguồn giống, giá thức ăn chăn nuôi, đầu ra không ổn định, nguy cơ thua lỗ lớn, nên thời điểm này họ hầu như không mặn mà tái đàn dù đây là thời điểm tái đàn, tăng đàn cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán, mùa tiêu thụ lớn nhất trong năm.

Người nuôi chuyển sang nuôi heo vỗ béo ngắn hạn, lượng cung dần khan hiếm

Từ vài tháng nay, giá heo hơi tăng cao nhưng đa số người chăn nuôi ở thủ phủ nuôi heo xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam không dám tái đàn, đầu tư chăn nuôi. Hầu hết nông dân chỉ đầu tư mua heo loại 70-80kg về nuôi vỗ béo trong hơn 1 tháng rồi bán thu lời. Nguyên nhân được người dân cho biết vì giá heo con và thức ăn chăn nuôi quá cao, nếu đầu tư nuôi từ nhỏ sẽ không có lãi.

Ông Nguyễn Văn Quy, thôn 5, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục cho biết, cũng như nhiều gia đình khác, ngoài cấy lúa hai vụ, trong chuồng nhà ông lúc nào cũng có từ 70 đến 100 con heo từ 80- 120kg/con. Bình quân mỗi tháng, gia đình ông xuất bán được khoảng 20 con heo thịt, thu nhập tương đối ổn định.

Ông Quy chia sẻ, ông mua loại heo khoảng 80kg về nuôi vỗ béo, mỗi con giá khoảng 5.700.000 đồng, nuôi khoảng 1,5 tháng hết 4 bao cám loại 25kg, giá 380.000 đồng/bao, hết 1.520.000 đồng đến lúc xuất chuồng, heo sẽ đạt khoảng 1,4 tạ/con, với giá bán tại chuồng là 67.000đồng/kg, sẽ cho thu là 9.380.000 đồng, trừ chi phí gồm 5.700.000 giống và 1.520.000 cám, cả công mỗi con lãi được khoảng 2,4 triệu đồng.

Nhiều tiểu thương tranh thủ mua heo hơi về giết mổ cung cấp thịt heo ra thị trường. Ảnh minh họa VTC

Anh Bùi Văn Tuấn, một thương lái đến từ huyện Vũ Thư, Thái Bình cho biết, ngày nào cũng đến rất sớm để lựa chọn những con heo hơi to, ngon về giết mổ, cung cấp cho các tiểu thương trên địa bàn huyện.

Hiện tại, giá heo hơi loại ngon giao dịch mức giá 70.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với hôm trước. Theo anh Tuấn, nguyên nhân giá heo hơi tăng là do thức ăn gia súc tăng cao, người dân ít nuôi, hạn chế tái đàn, lượng hàng khan hiếm. Heo mà các đầu mối mang về giao dịch tại chợ đầu mối chủ yếu do các thương lái vận chuyển từ các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong cả nước về nên giá rất cao.

“Mỗi ngày tôi giết mổ khoảng 10-12 con heo để cung cấp cho các tiểu thương trong huyện. Do giá heo hơi cao, lại phải chi phí nhiều như vận chuyển, điện, nước trong quá trình giết mổ nên mỗi con cũng chỉ lãi được 200.000- 300.000 đồng. Thương lái như chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng sớm có chính sách điều hành để đảm bảo nguồn cung, ổn định giá cả, đảm bảo lượng heo được cung cấp và tiêu thụ với giá ổn định, giúp cho cả thương lái, tiểu thương, lò mổ và người dân không bị ảnh hưởng”, anh Tuấn nói.

Anh Lê Văn Doan, thương lái ở thôn 3, xã Bối Cầu (Hà Nam) cho biết, hiện lợn hơi loại ngon thương lái nhập về giá 64.000 đồng/kg, bán cho các tiểu thương, lò giết mổ tại chợ giá 70.000/kg. Giá này đắt hơn cùng thời điểm của tháng trước khoảng 6.000 – 8.000 đồng/kg. Hiện lượng hàng về khan hiếm nên mỗi ngày nhập về 1 xe, số lượng 180 con heo, tương đương khoảng 20 tấn, giảm 50% số lượng hàng mua về so với tháng trước.

“Người dân hạn chế tái đàn vì sợ chăn nuôi sẽ thua lỗ. Người dân không chăn nuôi, nguồn cung sẽ khan hiếm, giá heo hơi sẽ tiếp tục lên thì cả thương lái, người dân đều gặp khó khăn, chỉ có các doanh nghiệp chăn nuôi là hưởng lợi. Do vậy chúng tôi mong nhà nước có chính sách khuyến khích để người dân trong nước tiếp tục tái đàn, đảm bảo nguồn cung từ nay đến cuối năm, đồng thời có chính sách nhập heo hơi về để ổn định giá. Nếu cứ để giá cả bấp bênh như thế này thì các thương lái không thể chủ động được nguồn hàng”, anh Doan nói.

Ông Trần Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ cho biết, trước năm 2019, Ngọc Lũ có 5 thôn với 2.300 hộ gia đình thì có đến 1.600 hộ nuôi heo với tổng đàn hơn 100.000 con. Khi heo rớt giá từ 60.000đồng/kg hơi xuống còn 17.000 đồng/kg hơi thì mỗi con nuôi từ nhỏ đến khi xuất bán lỗ 3 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn mà người dân ở Ngọc Lũ phải gánh chịu. Khắc nghiệt hơn, khi giá heo chưa kịp hồi phục thì lại xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, khiến người dân càng trở nên điêu đứng, cụt hết nguồn vốn, nợ nần chồng chất nên không thể tái đàn.

“Hiện giá heo hơi đang cao, có giá tại cửa chuồng lên đến 65-67.000 đồng/kg, nếu có heo thịt bán tại thời điểm này, người chăn nuôi thu lãi 2/3, nhưng cũng không có để bán và không dám đầu tư để tái đàn. Bởi ngoài nỗi lo giá cả bấp bênh, dịch bệnh có thể xảy ra bất thường, giá heo giống quá cao lại khan hiếm, nếu có cũng không rõ nguồn gốc nên người dân không dám đầu tư. Bên cạnh đó, các đại lý thức ăn chăn nuôi không bán chịu”.

Ông Trần Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, Hà Nam).