Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giá nhiên liệu giảm, ngư dân vẫn khó ra khơi vì khan hiếm lao động biển

07:12 01/08/2022 GMT+7
Trong vòng 1 tháng trở lại đây, giá xăng dầu đã hạ nhiệt khá nhiều, ngư dân có thêm động lực để vươn khơi. Tuy nhiên thực tế vì nhiều lý do, số lượt tàu ở miền Trung ra khơi có tăng nhưng vẫn rất ít, không đáng kể.

Giá nhiên liệu giảm, ngư dân vẫn khó ra khơi vì khan hiếm lao động biển - Ảnh 1.

Giá nhiên liệu giảm là động lực để bà con ngư dân vươn khơi - Ảnh: VGP/Minh Trang

Động lực để ngư dân trở lại biển

Từ  ngày 21/7, giá xăng dầu đã tiếp tục giảm mạnh 3.000 đồng/lít. Như vậy sau 2 lần điều chính giá xăng giảm hơn 6.000 đồng/lít, tương đương khoảng 20% so với thời điểm cuối tháng 6 vừa qua. Giá dầu cũng giảm là nguồn động lực lớn cho người lao động, đặc biệt là ngư dân giảm gánh nặng về chi phí, tiếp tục vươn khơi bám biển.

Tại Cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng), số lượng tàu bè ra vào "rôm rả" hơn hẳn so với không khí "đìu hiu" của những tháng nửa đầu năm. Vừa trở về sau chuyến biển thứ 3 trong năm, ông Võ Chiến (ngư dân Đà Nẵng), cùng 4 bạn thuyền phấn khởi hơn những chuyến biển trước vì thu nhập cao hơn.

"Tàu chúng tôi đi gần bờ, không tốn quá nhiều chi phí như các tàu công suất lớn nên còn gắng trụ được, so với mọi năm đi 10 chuyến thì đến giờ mới đi 3 chuyến thôi, mỗi chuyến tốn gần 3.000 lít dầu. Mới đây giá dầu giảm nên chuyến đi mới nhất tiết kiệm được hơn 15 triệu chi phí, anh em có thêm thu nhập trang trải cho gia đình", ông Chiến vui mừng bày tỏ.

Còn đối với các tàu cá xa bờ, giá dầu giảm sâu là nguồn động lực lớn để ngư dân quay trở lại ngư trường sau thời gian dài "nằm bờ". Ông Phan Thúc Định, chủ tàu cá QNg-98676 TS tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua, giá nhiên liệu tăng, cùng với nguồn lợi thủy sản cạn kiệt nên mặc dù vẫn vươn khơi bám biển nhưng mỗi chuyến đi ngư dân đều thấp thỏm.

Ông Định chia sẻ: "Nếu sản lượng đánh bắt tốt thì sẽ có lời, còn nếu đánh bắt không thì cũng rất khó khăn. Nhưng thời điểm này, ngư dân cảm thấy có động lực hơn khi giá nhiên liệu đã giảm, giúp ngư dân khi ra khơi, tiết kiệm được vài chục triệu đồng tiền nhiên liệu, có thể bù đắp thêm chi phí vào các nhu yếu phẩm khác. Đồng thời thu nhập mỗi thuyền viên cũng tăng lên, tạo động lực lớn cho mọi người gắn bó với nghề này".

Còn ngư dân Nguyễn Văn Tín (phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ, trong vài năm gần đây, nguồn tài nguyên biển vơi dần, giá xăng dầu lên khiến cho nghề biển đang phải đối diện với nhiều khó khăn. Nhiều tàu nằm bờ đợi qua cơn bão giá.

"Tàu tôi mỗi chuyến ra khơi độ 2 tuần, sử dụng khoảng 2.500-3.000 lít dầu diesel. Giờ giá dầu giảm, tôi tính sẽ tiết kiệm được trên 10 triệu đồng cho mỗi phiên biển. Hiện tôi đang gọi lại bạn thuyền, nếu đủ lao động thì sẽ cho tàu ra khơi", ngư dân cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho biết, toàn xã có khoảng 480 tàu cá, khi giá nhiên liệu tăng cao vừa qua khiến cho hơn 1/3 số tàu cá nằm bờ. Bây giờ giá nhiên liệu có chiều hướng giảm, các tàu cá đang tích cực tìm bạn thuyền quay trở lại biển.

Giá nhiên liệu giảm, ngư dân vẫn khó ra khơi vì khan hiếm lao động biển - Ảnh 2.

Giá cả hải sản chưa tăng khiến nhiều chủ đàu thu không đủ bù chi - Ảnh: VGP/Minh Trang

Tàu ra khơi tăng "nhỏ giọt" do khan hiếm lao động biển

Ông Nguyễn Lại, Phó Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) cho hay, tổng số lượt tàu cá qua cảng trong 6 tháng đầu năm 2022 là 8.567 lượt, trong khi đó cùng kỳ năm 2021 là 10.240 lượt, như vậy là 6 tháng đầu năm chỉ bằng 84% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lượt tàu các tỉnh thành giảm mạnh gồm Quảng Ngãi, Bình Định, Hà Tĩnh, Quảng Bình...

Về số lượt tàu theo nghề, các nghề có số lượt giảm nhiều có lưới cản (75%), lưới vây (84%), mành vây (37%)... Về sản lượng hàng hóa tàu cá qua cảng, 6 tháng đầu năm 2022 đạt 31.783 tấn, bằng 73% so với cùng kỳ năm 2021 (43.766 tấn).

Theo ông Nguyễn Lại, lý do các chủ tàu chưa mặn mà với việc ra khơi là do nguồn hải sản đánh bắt ở ngư trường ngày càng suy giảm, trong khi đó giá hải sản thu mua cũng chưa tăng nên với việc chi phí dầu hiện nay vẫn ở mức cao, nếu đi chuyến biển dài ngày thì "thu không đủ bù chi". Thứ hai là việc tìm ra bạn thuyền để đi biển dài ngày cũng là trở ngại.

"Sau 2 năm COVID-19 cộng thêm giá xăng dầu tăng cao khiến tàu thuyền neo bờ quá nhiều, đa số các thuyền viên phải trở về quê kiếm việc làm thay thế như công nhân, phụ hồ, chạy xe... Giờ việc kêu bạn thuyền quay lại cũng khá khó khăn. Các yếu tố trên khiến việc quay trở lại ra khơi đánh bắt của tàu thuyền cũng hạn chế, trong tháng 7 sau khi giá dầu giảm sâu, số lượt tàu ra khơi có tăng nhưng vẫn rất ít, không đáng kể, chỉ khoảng 1-2%".

Theo Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, hiện địa phương gặp một số khó khăn trong khai thác, tiêu thụ thuỷ sản như: Dịch COVID - 19 vẫn còn, cảnh báo "Thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu tiếp tục tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu thủy sản; sức tiêu thụ sản phẩm thủy sản nội địa chậm, giá bán sản phẩm thủy sản giảm, giá dầu tăng dẫn đến chi phí chuyến biển tăng nên nhiều tàu nằm bờ. Ước tính tại thời điểm giá dầu cao nhất tháng 4-6/2022 khoảng 40-50% tàu nằm bờ.

Thời gian qua, nhiều chủ tàu tại Quảng hoạt động nghề khai thác lưới rê, câu khơi không muốn ra khơi nhưng để giữ chân thuyền viên nên phải đi khai thác. Song nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, số lượng tàu cá nhiều nên khai thác thủy sản kém hiệu quả.

Thu nhập thấp nên nhiều lao động chuyển nghề, lao động trẻ ít được bổ sung, vì vậy tình trạng lao động khai thác thủy sản ngày càng thiếu hụt khiến nhiều chủ tàu gặp khó khăn trong kêu gọi bạn thuyền.

Giá nhiên liệu giảm, ngư dân vẫn khó ra khơi vì khan hiếm lao động biển - Ảnh 3.

Tại Quảng Ngãi có thời điểm khoảng 50% tài nằm bờ - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, để hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biểm, Nhà nước cần tiếp tục có biện pháp giảm giá dầu hoặc có chính sách hỗ trợ giá dầu cho ngư dân khai thác thủy sản.  Gỡ Thẻ vàng của EC, ổn định thị trường để giá bán thủy sản hợp lý.

Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT có giải pháp hỗ trợ vay vốn, giãn nợ để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân; có chính sách hỗ trợ "giữ chân" lao động biển bị ảnh hưởng bởi giá dầu tăng để bà con tiếp tục bám biển, duy trì nghề đánh bắt hải sản.

Theo Chinhphu.vn