Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giá trị đạo đức của gia đình nông thôn trong bối cảnh Việt Nam chuyển đổi

Những bằng chứng từ nghiên cứu dưới đây phản ánh động thái mới trong thái độ đối với một số giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi. Có thể nói, những tác động bên ngoài đang làm cho hệ các giá trị truyền thống của gia đình nông thôn lung lay, nhưng sự tác động đó chưa đủ sức làm thay đổi những giá trị truyền thống tốt đẹp và cả giá trị có phần lạc hậu đã tồn tại lâu đời.
Ảnh minh họa.

Giá trị đạo đức của gia đình Việt

Giá trị đạo đức của gia đình Việt Nam là những suy nghĩ và hành động thể hiện qua lời lẽ, ứng xử của các thế hệ trong gia đình tuân theo khuôn phép, tôn ti, trật tự và mong đợi của tổ chức gia đình. Về đại thể, những ứng xử đạo đức của gia đình là một giá trị rất quan trọng của xã hội Việt Nam từ xã hội truyền thống cho đến xã hội hiện đại ngày nay. Hệ giá trị đạo đức này được kết tinh, truyền thụ và gìn giữ qua bao thế hệ, góp phần tạo dựng bản sắc con người, gia đình và xã hội Việt Nam đương đại. 

Tuy nhiên, hệ giá trị đạo đức của gia đình Việt Nam đang biến đổi sâu sắc trong bối cảnh đất nước chuyển đổi, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hệ giá trị đạo đức của gia đìnhViệt truyền thống bị lung lay bởi hệ giá trị mới trong đời sống xã hội. Điều đáng quan tâm là hệ giá trị đạo đức mới du nhập vào đang thẩm thấu các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ, tạo sự cạnh tranh chiếm ưu thế chi phối hệ giá trị đạo đức, ứng xử trong quan hệ gia đình nông thôn. Sự song hành tồn tại của hai giá trị cũ và mới, truyền thống và hiện đại, tất yếu nảy sinh khác biệt xã hội về hệ giá trị và dẫn đến mâu thuẫn thế hệ, ảnh hưởng đến sự cố kết, ổn định của gia đình nông thôn. Thực tiễn cho thấy, mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ trong gia đình liên quan đến hệ giá trị đạo đức ứng xử đang ngày càng gia tăng ở nước ta trong bối cảnh đất nước chuyển đổi và hội nhập quốc tế, song cho đến nay còn thiếu vắng nghiên cứu quan tâm đến vấn đề này, và hiện trạng này đặt ra nhiều câu hỏi cần nghiên cứu trả lời. Dựa vào nguồn dữ liệu của đề tài cấp quốc gia: “Nghiên cứu các chính sách và giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới”, khảo sát 5 tỉnh với mẫu định lượng1005 và 250 PVS do nhóm nghiên cứu và tác giả thực hiện năm 2016 tại 5 tỉnh gồm Bình Thuận, Đắk Lắk, Nam Định, Tiền Giang), bài viết giới hạn bàn luận một số khía cạnh liên quan đến quan niệm của cư dân nông thôn về giá trị đạo đức trong gia đình như quan niệm về thứ bậc với các quy định ứng xử theo khuôn phép giữa thế hệ người già và con cái trong gia đình nông thôn hiện nay, sự khác biệt nhóm trong quan niệm về hệ giá trị này, và cuối cùng bài viết đưa ra bàn luận và hàm ý chính sách nhằm gìn giữ, phát huy hệ giá trị đạo đức tốt đẹp của gia đình trong bối cảnh Việt Nam chuyển đổi và ngày càng hội nhập sâu rộng ra thế giới bên ngoài.

Quan niệm về giá trị đạo đức (ứng xử, tôn ti trật tự) trong gia đình của cư dân nông thôn

Như đã nêu ở trên, giá trị đạo đức trong gia đình nông thôn rất rộng, gồm nhiều khía cạnh liên quan đến lời lẽ, ứng xử giữa các thành viên theo khuôn phép của nhóm xã hội này. Do giới hạn của nguồn dữ liệu nên giới hạn của phân tích này tập trung vào khai thác và làm rõ giá trị đạo đức ứng xử giữa thế hệ người cao tuổi và con cái trong gia đình nông thôn: Thái độ tôn trọng người già, tiếp thu ý kiến dạy bảo của người cao tuổi, con cái không được cãi lời cha mẹ. Đây là giá trị đạo đức ứng xử rất cơ bản mang tính truyền thống đã tồn tại trong gia đình Việt Nam, quy định vị thế, vai trò của thành viên cao tuổi và con cháu trong mỗi gia đình. Các kết quả khảo sát định tính và định lượng dưới đây sẽ góp phần trả lời vấn đề đặt ra.

Mức độ đồng ý về giá trị đạo đức (ứng xử, tôn ti trật tự) trong gia đình

Truyền thống tôn trọng người già trong gia đình: “… Trong gia đình, con cái phụ thuộc vào người già: phải là người có uy thế từ xưa đến giờ, thứ hai là có vật chất, sắp xếp gia đình tốt thì con cháu tôn trọng. Ngược lại, có ông không giữ được vai trò của mình (cờ bạc, nghiện hút…) thì con cháu không tôn trọng mình. Do sinh hoạt của người trẻ khác với người già nên con cái có thể sống với bố mẹ nhưng ăn riêng, ít nhà ăn chung. Con cái mà làm ăn được, thành đạt thì quan tâm đến bố mẹ tốt hơn…”(Nam, 52 tuổi, Phó Bí thư xã ở Nam Định).

“…Vai trò của ông bà cũng rất quan trọng trong việc nuôi dạy con cháu trong gia đình, phụ giúp coi nhà trông cháu để con cháu trong độ tuổi lao động đi làm. Ông bà vẫn có tiếng nói, nói để con cháu nghe lời. Ở địa phương trường hợp ngược đãi ông bà, cha mẹ cũng không có. Tiếng nói ông bà vẫn đóng vai trò quan trọng đối với con cháu, ông bà gương mẫu thì sẽ nuôi dạy con cháu tốt hơn…”(Nữ, Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa - xã hội xã ở Long An).

Thông tin phỏng vấn sâu trên cho thấy giá trị đạo đức ứng xử thể hiện vị thế, vai trò của người cao tuổi đối với con cháu trong gia đình vẫn được phát huy, chiếm ưu thế trong suy nghĩ của các thành viên gia đình. Điều này phản ánh người già vẫn có tiếng nói quan trọng đối với các con cháu trong gia đình. Đồng thời cho thấy giá trị truyền thống tôn trọng người già trong gia đình vẫn tiếp tục được gìn giữ duy trì trong quan hệ ứng xử của gia đình nông thôn. Tuy nhiên, thông tin phỏng vấn cũng cho thấy do khác biệt giữa thế hệ nên không tránh khỏi va chạm cuộc sống dẫn tới sự tôn trọng người già trong một số gia đình đã không còn giữ được khuôn phép đạo đức ứng xử của gia đình. Kết quả khảo sát định lượng sẽ làm rõ thêm về mức độ đồng ý của người dân trong mẫu khảo sát về một số khía cạnh của giá trị này hiện nay.

Biểu đồ 1: Mức độ đồng ý của người dân về khuôn mẫu ứng xử theo giá trị tôn ti trật tự của gia đình: Người già đã nói là phải nghe (Đơn vị: %)

Biểu đổ 1 trình bày giá trị liên quan đến giá trị tôn ti trật tự của gia đình: “Người già đã nói là phải nghe”. Đây là một khuôn phép ứng xử đã tồn tại lâu đời trong gia đình Việt Nam, bởi truyền thống gia đình Việt Nam “trọng xỉ” coi trọng người cao tuổi trong việc giáo dục thế hệ con cái trong gia đình. Kết quả khảo sát cho thấy quan điểm của người trả lời về giá trị này theo xu hướng rất khác nhau. Phần lớn ý kiến trả lời đồng ý, hoàn toàn đồng ý với nhóm giá trị tôn ti thứ bậc trong gia đình “người già đã nói là phải nghe”. Cụ thể, có đến 64,8% trả lời đồng ý và 19,7% hoàn toàn đồng ý, trong khi tỷ lệ ý kiến hoàn toàn không đồng ý chỉ chiếm 0,3% và không đồng ý là 2,3%. Có thể thấy phần lớn người dân trong mẫu khảo sát vẫn rất coi trọng khuôn mẫu ứng xử truyền thống trong gia đình, các nguyên tắc phản ánh giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam “trọng xỉ” vẫn còn giữ vị thế quan trọng chi phối suy nghĩ và quan niệm của mỗi người dân nông thôn trong mẫu khảo sát.

Về giá trị “Con cái không được cãi lời cha mẹ” phản ánh kết quả như thế nào? Các dẫn chứng và phân tích dưới đây sẽ trả lời câu hỏi này.    

Biểu đồ 2: Mức độ đồng ý của người dân về khuôn mẫu ứng xử theo giá trị tôn ti trật tự của gia đình: Con cái không được cãi lời cha, mẹ (Đơn vị: %)

 

Biểu đồ 2, kết quả khảo sát tại 5 địa phương tiếp tục cho thấy quan điểm của người trả lời về giá trị này theo xu hướng rất khác nhau. Phần lớn ý kiến trả lời đồng ý, hoàn toàn đồng ý với nhóm giá trị tôn ti thứ bậc trong gia đình “Con cái không được cãi lời cha mẹ”. Cụ thể, có đến 61,5% trả lời đồng ý và 29,8% hoàn toàn đồng ý, trong khi tỷ lệ ý kiến hoàn toàn không đồng ý chỉ chiếm 0,3% và không đồng ý là 2,3%. Có thể thấy phần lớn người dân trong mẫu khảo sát vẫn rất coi trọng khuôn mẫu ứng xử truyền thống đã tồn tại lâu đời trong gia đình Việt Nam. Thực tế này cũng minh chứng rằng các khuôn phép mà con cái nên tuân thủ, phản ánh giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam con cái nghe lời cha mẹ vẫn còn chi phối suy nghĩ và quan niệm của mỗi người dân ở các địa phương trong mẫu khảo sát.

Khác biệt trong quan niệm về giá trị tôn ti thứ bậc 

Các dẫn chứng định tính và định lượng ở trên vừa phác thảo sơ bộ ý kiến người dân về giá trị đạo đức “tôn ti thứ bậc” trong gia đình. Một câu hỏi tiếp tục đặt ra là có sự khác biệt như thế nào giữa các nhóm xã hội theo tiêu chí địa phương về giá trị này trong gia đình? Các dẫn chứng và phân tích dưới đây sẽ trả lời câu hỏi này.

Quan niệm của người dân các địa phương về giá trị tôn ti thứ bậc trong gia đình nông thôn: “…Em nhận thấy trong gia đình nông thôn hiện nay thì người già nếu còn sức khỏe thì vẫn tham gia mọi việc gia đình và có tiếng nói quan trọng, còn các ông bà già cả ốm yếu không làm được việc nữa thì cũng không tham gia góp ý được gì”(Nữ, 45 tuổi, Nam Định).

“…Người cao tuổi trong gia đình thường là người từng trải nên có nhiều kinh nghiệm sống hơn con cháu. Chính vì vậy, việc giáo dục của họ đối với con cháu là rất đúng, về phía con cháu không nên cãi lại ông bà trong gia đình, dòng tộc. Song hiện nay không phải gia đình nào cũng ứng xử được đúng như vậy, không ít trường hợp con cháu hư cãi lời ông bà dạy bảo” (Nam, cán bộ xã, tỉnh Bình Thuận).  

Các dẫn chứng ở biểu đồ 3 và biểu đồ 4 dưới đây sẽ minh chứng rõ hơn về ý kiến của người dân các địa phương trong mẫu khảo sát nói về khuôn mẫu ứng xử theo giá trị tôn ti trật tự của gia đình.

Biểu đồ 3: Khác biệt giữa các địa phương về khuôn mẫu ứng xử theo giá trị tôn ti trật tự của gia đình: Người già đã nói là phải nghe (Đơn vị: %)

Biểu 3 cho thấy ý kiến trả lời đồng ý với các giá trị thể hiện tôn tin trật tự ở 5 địa phương trong mẫu khảo sát về khuôn mẫu ứng xử theo giá trị tôn ti trật tự của gia đình: Người già đã nói là phải nghe. Trong đó, hai tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là Đắk Lắk và Bình Thuận có tỷ lệ trả lời đồng ý cao nhất, tiếp đến là Tiền Giang, hai địa phương có tỷ lệ thấp nhất thuộc về Nam Định và Tuyên Quang. Thực tế này phản ảnh các địa phương thuộc vùng sâu và xa là miền núi phía Bắc, Cao Nguyên và ven biển Nam Trung bộ đề cao giá trị tôn ti thứ bậc cao hơn so với người dân ở các tỉnh đồng bằng và gần các thành phố lớn.

Biểu đồ 4: Khác biệt giữa các địa phương về khuôn mẫu ứng xử theo giá trị tôn ti trật tự của gia đình: Con cái không được cãi lời cha mẹ (Đơn vị: %)

Biểu đồ 4, khuôn mẫu ứng xử theo giá trị tôn ti trật tự của gia đình: Con cái không được cãi lời cha mẹ. Kết quả tiếp tục phản ánh ý kiến trả lời đồng ý với các giá trị thể hiện tôn tin trật tự ở 5 địa phương trong mẫu khảo sát. Kết quả cho thấy có khác biệt đáng kể giữa các địa phương về mức độ đồng ý các nhóm giá trị tôn trọng thứ bậc trong gia đình, trong đó Bình Thuận và Đắk Lắk tiếp tục là hai địa phương có tỷ lệ người trả lời đồng ý cao nhất, tiếp đến là Tuyên Quang, hai địa phương có tỷ lệ thấp nhất thuộc về Nam Định và Tuyên Quang. Thực tế này phản ảnh các địa phương thuộc vùng sâu và xa là miền núi phía Bắc, Cao Nguyên và ven biển Nam Trung bộ đề cao giá trị tôn ti thứ bậc cao hơn so với người dân ở các tỉnh đồng bằng và gần các thành phố lớn.

Khác biệt theo giới trong quan niệm về giá trị tôn ti thứ bậc trong gia đình

Quan niệm của hai giới nam và nữ về giá trị tôn ti thứ bậc trong gia đình nông thôn: “…Người cao tuổi trong gia đình luôn mong muốn mọi điều tốt đẹp cho con cháu, nhưng điều các ông bà nói ra đều tổng kết từ trải nghiệm cuộc sống đã qua, nên tốt nhất là con cháu nghe theo chỉ dẫn của họ”(Nữ, 40 tuổi ở Nam Định).

“…Nhiều cụ đã có tuổi suy nghĩ không còn nhanh và minh mẫn nữa, nhiều kinh nghiệm của các cụ đã cũ không còn phù hợp với cuộc sống hiện thời, nên ý kiến các cụ đưa ra chỉ mang tinh chất tham khảo. Giới trẻ phải chủ động và tự chịu trách nhiệm về những suy nghĩ và việc làm của mình” (Nam, cán bộ xã, tỉnh Nam Định).  

Biểu đồ 5: Khác biệt giới về khuôn mẫu ứng xử theo giá trị tôn ti trật tự của gia đình: “Người già đã nói là phải nghe, Con cái không được cãi lời cha mẹ”.

 Biểu đồ 5 tiếp tục cho thấy quan điểm của nam và nữ trong mẫu khảo sát về 2 nhóm giá trị cho thấy: Về giá trị thứ bậc, phần lớn nam và nữ trong mẫu đồng ý về các giá trị thứ bậc trong gia đình: Người già đã nói là phải nghe, con cái không được cãi lời cha mẹ. Tuy nhiên, có chênh lệch giữa nhóm nam và nữ về từng giá trị. Cụ thể ở giá trị “Con cái không được cãi lời cha mẹ” có 64,3% nam trả lời đồng ý trong khi tỷ lệ này ở nhóm nữ là 57,5%; tỷ lệ đồng ý về giá trị những việc lớn trong gia đình thì sự đồng ý ở nam là 48% và ở nữ chỉ có 41,7%.

Khác biệt thế hệ trong quan niệm về giá trị tôn ti thứ bậc trong gia đình 

Khác biệt thế hệ trong quan niệm về giá trị gia đình cũng là vấn đề được quan tâm trong nghiên cứu này. Chúng tôi cho rằng tuổi tác và kinh nghiệm sống sẽ chi phối quan điểm của mỗi thế hệ với giá trị gia đình. Người dân trong mẫu có năm sinh từ 1998 đến 1920, để làm rõ khác biệt thế hệ chúng tôi đã gộp biến sinh 1980 - 1998 nhóm Thanh niên; sinh từ 1961-1979 nhóm trung niên; sinh 1920-1960 nhóm người cao tuổi. Câu hỏi đặt ra là có sự khác nhau như thế nào về quan niệm giữa các thế hệ đối vê giá trị gia đình? Các số liệu bảng dưới đây sẽ cho thấy rõ vấn đề này.

Biểu đồ 6: Tỷ lệ đồng ý về các giá trị cơ bản của gia đình theo nhóm thế hệ (%)

Biểu đồ 6 cho thấy sự khác biệt đáng kể quan điểm các thế hệ về các giá trị gia đình. Nhìn chung thế hệ người lớn tuổi hơn có xu hướng đồng ý với các giá trị thứ bậc, giá trị giới cao hơn nhóm trung niên và thanh niên. Cụ thể như giá trị người già đã nói là phải nghe  có tới trên dưới 66% người cao tuổi và nhóm trung niên đồng ý với giá trị này  so với 60,5% ở nhóm thế hệ thanh niên. Ở các giá trị con cái không được cãi lời cha mẹ cũng cho kết quả tương tự. 

Khác biệt theo học vấn 

 Học vấn (xem biểu đồ 7) là yếu tố có ảnh hưởng mạnh đến nhận thức của cá nhân về giá trị gia đình hiện nay. Trong mẫu nghiên cứu, cá nhân có học vấn thấp nhất là tiểu học và cao nhất là đại học. 

Biểu đồ 7: Học vấn và ý kiến đồng ý về các giá trị gia đình (đơn vị%)

Về giá trị thứ bậc, kết quả thể hiện trong bảng trên cho thấy xu hướng những người học vấn thấp có tỷ lệ đồng ý với ba giá trị: Người già đã nói là phải nghe; Con cái không được cãi lời cha mẹ cao hơn nhóm cá nhân có học vấn trung học phổ thông, đại học. Điều này cho thấy học vấn càng cao thì con người càng cởi mở hơn với các giá trị tôn ti trật trong gia đình.

Bàn luận và hàm ý chính sách

Các phân tích về quan điểm người dân nông thôn về các giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam có xu hướng khác biệt, theo địa phương, lứa tuổi và giới trong quan điểm về một số giá trị cơ bản trong gia đình. Điều này phản ánh các giá trị cơ bản của gia đình nông thôn đang trong quá trình biến đổi do công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 Phần lớn người dân vẫn rất coi trọng các giá trị truyền thống liên quan đến ứng xử giữa ông bà, cha mẹ và con cái trong gia đình như người già đã nói là con cái phải nghe lời và con cái không nên cãi lời cha mẹ. Người già trong gia đình có tiếng nói rất quan trọng đối với các con cháu. Tuy nhiên, có một số lượng đáng kể người dân không đồng ý với những mô thức ứng xử mang tính truyền thống này. Nhóm học vấn thấp,  nhóm người cao tuổi, và nhóm sống ở địa phương vùng sâu có xu hướng đề cao các giá trị tôn ti thứ bậc cao hơn. Thực tế này cũng phản ánh khía cạnh liên quan đến khác biệt thế hệ, lối sống, mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình, biểu hiện rõ nhất là thái độ không tôn trọng ông bà, cha mẹ gia tăng trong xã hội. 

Tài liệu trích dẫn
Endruweit,G và Trommsdorff, G. 2002. Từ điển Xã hội học (sách dịch). Nxb Thế Giới.
Fichter, J,H. 1973. Xã hội học nhập môn. Bản dịch của Trần Văn Đĩnh, Sài Gòn.
Giddens, Anthony. 1997. Sociology (Third edition). Polity Press.
Mai Văn Hai - Mai Kiệm. 2003. Xã hội học Văn hóa. Nxb. Khoa học xã hội.
Ngô Đức Thịnh (chủ biên). 2010. Những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.Nxb. Chính trị Quốc gia. Hà Nội.
Parsons Talcott, and Edward A. Shils. 1951. “Values, Motives, and Systems of Action’’ In T. Parsons and E. A. Shils, eds., Toward a General Theory of Action. Cambridge, Mass., HarvardUniversity Press.