Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giải pháp quan trọng nhất là chăn nuôi an toàn sinh học

21:06 29/08/2019 GMT+7
“Dịch tả lợn châu Phi (ASF) vẫn còn diễn biến phức tạp, đến thời điểm hiện tại, Bộ NN&PTNT chưa có chỉ đạo về việc tái đàn. Giải pháp quan trọng nhất cho người nuôi lợn thời điểm này là áp dụng quy trình, biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH). Đây cũng

“Dịch tả lợn châu Phi (ASF) vẫn còn diễn biến phức tạp, đến thời điểm hiện tại, Bộ NN&PTNT chưa có chỉ đạo về việc tái đàn. Giải pháp quan trọng nhất cho người nuôi lợn thời điểm này là áp dụng quy trình, biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH). Đây cũng là nội dung chủ đạo trong các hoạt động khuyến nông nhằm đồng hành và hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua khó khăn” đó là chia sẻ của TS. Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trong cuộc trao đổi với Tạp chí Nông Thôn Mới.

Đề cập tới những diễn biến của ASF, TS. Hạ Thúy Hạnh cho biết: Tính đến cuối tháng 7.2019, ASF đã xuất hiện trên 62/63 tỉnh, thành phố. Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, việc tiêu hủy lợn không đúng cách còn gây ô nhiễm, ảnh hưởng xấu tới môi trường làm dịch bệnh càng khó kiểm soát hơn.

Trước tình hình ASF vẫn còn phức tạp, xin bà cho biết các hoạt động khuyến nông được triển khai thế nào nhằm bám sát diễn biến dịch bệnh?
Ngay từ khi có công bố dịch ASF tại Việt Nam thì TTKNQG nhận được sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT phối hợp cùng với các đơn vị như: Cục chăn nuôi, Cục Thú y… tổ chức các hoạt động phòng chống dịch bệnh.

Hoạt động tập huấn về phòng chống ASF của TTKNQG. Ảnh Tư liệu

Hoạt động thứ nhất là chúng tôi tập trung đào tạo, tập huấn ngay cho các tỉnh xuất hiện dịch đầu tiên như: Hà Nam, Nam Định, Thái Bình… Tại các địa phương này, chúng tôi tập huấn cho hệ thống khuyến nông về: Phát hiện dịch bệnh; Vấn đề tăng cường thực hiện các giải pháp ATSH; Đào tạo thêm kỹ năng hỗ trợ cán bộ thú y tại địa phương để triển khai nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh.Ngoài việc tổ chức tập huấn thì chúng tôi cũng xây dựng Bộ tài liệu về Chăn nuôi ATSH để phòng tránh dịch bệnh dưới hình thức tờ rơi phát cho người dân và tài liệu tập huấn để làm cơ sở cho khuyến nông các tỉnh thực hiện.

Nhằm cập nhật những diễn biến và biện pháp phòng chống dịch, TTKNQG còn có các hoạt động nào để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của người chăn nuôi, thưa bà?
Một trong những hoạt động được đánh giá cao và mang tính thời sự là Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp được TTKNQG duy trì thường xuyên. Khi sảy ra ASF chúng tôi đã triển khai ngay 2 diễn đàn về phòng chống dịch tại miền Bắc và miền Nam. Ở miền Bắc tổ chức từ tháng 4.2019 tại Hà Nội với chủ đề: Giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi lợn. Còn tại miền Nam tổ chức vào ngày 28.6.2019 tại Đồng Nai với chủ đề: “An toàn sinh học và giải pháp phòng chống bệnh ASF tại các tỉnh, thành phía Nam”.

Tham gia diễn đàn gồm có lãnh đạo cục, vụ, viện, nhiều chuyên gia, trung tâm khuyến nông các tỉnh, các nông hộ, chủ trang trại chăn nuôi và doanh nghiệp… nhằm tìm ra giải pháp phòng chống hiệu quả ASF. Các diễn đàn này thu hút khoảng 300 đến 400 nông dân, những người chăn nuôi lợn tại các địa phương. Các vấn đề người chăn nuôi đưa ra đều được các nhà khoa học, nhà quản lý đặc biệt là những chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y giải đáp cụ thể. Giúp cho người chăn nuôi hiểu được tầm nguy hại của ASF khi mà tại thời điểm mới bùng phát cho đến nay vẫn chưa có vacxin phòng bệnh, cũng như chưa có thuốc điều trị.

Xin bà cho biết,ngoài biện pháp tiêu hủy, để phòng dịch và bảo vệ đàn lợn chưa bị bệnh cần phải thực hiện các giải pháp nào?
Chúng tôi xác định một trong những giải pháp tổng thể đầu tiên là giải pháp ATSH. Vì đến thời điểm này, theo đánh giá của các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế, để phòng chống ASF thì giải pháp duy nhất đó là chăn nuôi ATSH.
ATSH trong chăn nuôi là giải pháp rất quan trọng nhằm phòng chống dịch bệnh. Các biện pháp bao gồm cả kỹ thuật và quản lý nhằm ngăn ngừa, hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân sinh học xuất hiện tự nhiên hoặc do con người tạo ra gây hại đến con người, vật nuôi, hệ sinh thái. Chăn nuôi ATSH sẽ ngăn chặn được nguồn dịch từ bên ngoài xâm nhập vào đàn vật nuôi. Giảm bớt sự lây lan những mầm bệnh từ trong đàn vật nuôi ra môi trường xung quanh.

Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Cục Chăn nuôi tham mưu với Bộ NN&PTNT ban hành các giải pháp kỹ thuật mới về ATSH để phòng chống ASF. Trong đó hướng dẫn người chăn nuôi các giải pháp tổng thể từ vấn đề chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi, từ con giống, thức ăn, nước uống, chăm sóc kỹ thuật, thú y, đặc biệt là việc kiểm soát người, phương tiện vận chuyển ra vào khu chăn nuôi, về quản lý, xử lý chất thải…
Đây là những giải pháp tổng thể giúp cho người chăn nuôi chủ động phòng chống dịch bệnh tốt nhất. Các hoạt động khuyến nông cũng tập trung vào các nội dung như: tổ chức tập huấn, xây dựng các mô hình trình diễn… nhằm cung cấp các giải pháp chăn nuôi ATSH hiệu quả nhất. Quan trọng nhất là các giải pháp chăn nuôi ATSH này phù hợp với từng quy mô chăn nuôi, theo đặc thù vùng miền.

Những đối tượng nào sẽ được ưu tiên hỗ trợ chăn nuôi an toàn sinh học thông qua các chương trình khuyến nông, thưa bà?
Các đối tượng được ưu tiên hỗ trợ chăn nuôi an toàn sinh học bao gồm 2 nhóm đối tượng: Các nông hộ và các trang trại và gia trại. Tuy nhiên thực tế hiện nay với các trang trại lớn của nhiều doanh nghiệp thì bao giờ cũng thực hiện tốt hơn. Thế nên chúng tôi sẽ tập trung chính vào các đối tượng nhóm nông hộ. Bởi thực tế hiện nay, chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ lệ lớn, việc thực hiện giải pháp ATSH tổng thể trong nông hộ còn đang gặp khó khăn vì vậy chúng tôi sẽ tập trung vào nhóm này cũng như là nhóm gia trại.

Hiện nay, đối với các địa phương đã công bố hết dịch, vậy xin bà cho biết đến thời điểm nào thì tái đàn?
Hiện nay, Bộ NN&PTNT chưa có chỉ đạo về việc tái đàn. Thực tế thì trước đây Bộ cũng đã có quy định, sau khi công bố hết dịch 30 ngày thì người chăn nuôi có thể tái đàn và chỉ tái đàn trước 10% tổng quy mô. Tuy nhiên, trên thực tế, có những địa phương sau khi công bố hết dịch 60 ngày người dân mới tái đàn nhưng mầm bệnh vẫn không hết và đã có trường hợp ghi nhận tái phát dịch bệnh.

Để đảm bảo an toàn cho người chăn nuôi, thời điểm này chưa cho giải pháp tái đàn. Bởi việc khống chế dịch bệnh còn đang đi vào giai đoạn cấp thiết. Vì vậy quan trọng nhất là làm sao bảo vệ đàn cụ kỵ, bảo vệ nguồn giống làm cơ sở tái đàn sau này. Điều quan trọng nữa là các cơ sở chăn nuôi tiếp tục thực hiên các giải pháp ATSH để bảo vệ đàn lợn đang duy trì.

Trân trọng cảm ơn bà!

Bà Hạ Thúy Hạnh

“Để ngăn chặn Dịch tả lợn Châu Phi, an toàn sinh học nghiêm ngặt trong khu chăn nuôi lợn là rất quan trọng. Về quy trình chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, bà con nông dân cần chọn giống là những con của cặp bố mẹ có năng suất cao, có nguồn gốc rõ ràng và được tiêm phòng đầy đủ.Về thức ăn phải đủ hàm lượng dinh dưỡng và được kiểm soát đảm bảo không bị nấm mốc, ôi thiu. Nước uống cho đàn lợn phải sạch sẽ. Bên cạnh đó, đàn lợn cần được tiêm phòng vắc xin đầy đủ” – TS. Hạ Thúy Hạnh.

Bình Châu (thực hiện)