Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giải quyết quyền lợi cho 32 hộ nhận khoán với Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai là xác đáng

16:17 21/05/2020 GMT+7

Sau hàng chục năm gắn bó với cây cà phê khi ký kết hợp đồng nhận khoán với Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai nhưng đến cuối năm 2018, 32 hộ công nhân nhận khoán tại các xã Dun, Ia Pal và thị trấn Chư Sê nhận được thông báo thu hồi toàn bộ diện tích đất trồng trọt để trả về cho UBND huyện Chư Sê quản lý, thực hiện quy hoạch.

Tuy nhiên, khi tất cả các hộ công nhân đều chấp hành chủ trương của UBND tỉnh Gia Lai, phối hợp với các phòng, ban, chính quyền địa phương tiến hành điều tra, khảo sát lập phương án bồi thường thì UBND huyện Chư Sê liên tục ra các Quyết định, Thông báo giải quyết vụ việc bất nhất khiến hàng chục hộ công nhân không thể an tâm đảm bảo cuộc sống, kinh tế gia đình.

Doanh nghiệp “khoán trắng” cho công nhân

Trao đổi với phóng viên, anh Bùi Trung Kiên, người đại diện 32 hộ công nhân của Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai cho biết: “Không như hình thức khoán cũ có sự đầu tư của cả 2 bên là doanh nghiệp và hộ công nhân nhận khoán, từ năm 2006, Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai thực hiện “giao khoán trắng” cho công nhân. Với hình thức “khoán trắng” này, hộ công nhân ký kết hợp đồng đầu tư vào vườn cây tất cả các chi phí như tiền mua cây trồng, tiền công thay cây xấu, trồng cây bóng mát, mua phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới, công chăm sóc… kể cả công đoạn làm cỏ, tỉa chồi, bón phân, ép xanh… Trong khi đó Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai (doanh nghiệp giao khoán) chỉ bỏ ra chi phí quản lý. Do vườn cà phê nhận khoán trắng là thu nhập chính trong gia đình nên tất cả các công nhân đều chú trọng đầu tư gấp 2 – 2,5 lần so với định mức Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai đưa ra. Nhờ vậy, vườn cà phê luôn xanh tốt, cho năng suất cao, giá trị vườn cây tăng lên rất nhiều.”.

Công nhân nhận khoán trắng của Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai lo lắng khi nhận được Thông báo 38/TB-UBND ngày 20/02/2020 của UBND huyện Chư Sê.

Chị Nguyễn Thị Quyên, thôn Queng Mép, xã Dun, huyện Chư Sê là công nhân Đội sản xuất số 6 của Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai bức xúc: “Gia đình tôi đã gắn bó với cây cà phê của doanh nghiệp này hơn 20 năm qua. Từ khi nhận khoán giao trắng vào năm 2006, gia đình tôi đã đầu tư rất nhiều vào vườn cây, trồng cây bóng mát, xây dựng chòi canh… Cuối năm 2018, tôi cũng như các công nhân tại Đội sản xuất số 1, 3, 5 và 6 của Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai gặp khó khăn khi chấp hành việc trả vườn cà phê đang kinh doanh cho UBND huyện Chư Sê, kinh tế gia đình đột nhiên mất thu nhập, đời sống gặp rất nhiều khó khăn.”.

Chị Lê Thị Chuốt, công nhân Đội sản xuất số 1, Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai bức xúc: “Khi các cán bộ của UBND huyện Chư Sê, lãnh đạo doanh nghiệp xuống gặp công nhân đều hứa hẹn là khi nhà nước thu hồi sẽ đền bù xứng đáng cho công nhân. Lời hứa chỉ là vậy. Sau quá trình kiểm tra, xác minh giá trị tài sản tại từng vườn cây để lập phương án bồi thường cho 32 hộ công nhân, UBND huyện Chư Sê – lại ra các Quyết định, Thông báo với nội dung mâu thuẫn nhau, thậm chí ông Nguyễn Hữu Tâm – Phó Chủ tịch UBND huyện còn ký Thông báo phủ nhận gần như toàn bộ tài sản đã đầu tư trên vườn cà phê đang trong giai đoạn kinh doanh của công nhân chúng tôi”.

Quyền lợi hàng chục hộ công nhân – “khi thừa nhận”, “khi không”?

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 10/11/2017, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 796/QĐ-UBND về việc phê duyệt Phương án sử dụng đất sau khi cổ phần hóa của Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai.

Ngày 30/9/2019, UBND tỉnh Gia Lai ra Quyết định số 102/QĐ-UBND thu hồi 190,8335ha đất của Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai và giao lại cho UBND huyện Chư Sê quản lý, thực hiện theo Phương án sử dụng đất đã được phê duyệt tại xã Ia Pal và xã Dun, huyện Chư Sê.

Vườn cà phê công nhân đầu tư tất cả từ năm 2006 trong giai đoạn kinh doanh phải bỏ dở từ năm 2018.

Ngày 11/02/2019, ông Nguyễn Hồng Linh, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê ký Quyết định số 05/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng trên đất của Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai với tổng chi phí là 9.990.813.214VNĐ (trong đó, bồi thường hoa màu: 9.087.405.493VNĐ; bồi thường vật kiến trúc: 275.672.871VNĐ; hỗ trợ khác: 451.080.000VNĐ và kinh phí cho hội đồng: 176.654.871VNĐ).

Thực hiện các Quyết định của UBND tỉnh Gia Lai, công văn yêu cầu hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh, từ giữa năm 2019, phòng TN&MT huyện Chư Sê đã tiến hành rà soát, kiểm đếm, hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất để tỉnh giao lại cho UBND huyện Chư Sê quản lý, thực hiện quy hoạch.

Theo phương án bồi thường hỗ trợ khi thu hồi của UBND huyện Chư Sê ban hành: Số gia đình, cá nhận thuộc diện giao khoán 32 hộ, diện tích vườn cà phê thu hồi là 23,4ha. Tuy nhiên, sau quá trình kiểm tra, rà soát của phòng TN&MT huyện Chư Sê xác định, ngoài hồ sơ giao khoán, còn có các tài sản phát sinh của 32 hộ dân với giá trị tương đương 2.569.724.769VNĐ. Như vậy, sau khi kiểm đếm, tổng kinh phí thực hiện phương án bồi thường hoa màu, vật kiến trúc trên đất cho 32 hộ công nhân Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai là 12,5 tỷ đồng.

Trong khi quyền lợi tài sản của 32 hộ công nhân chưa xác định được hướng giải quyết của UBND huyện Chư Sê thì ngày 20/02/2020, các hộ công nhân nhận khoán của Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai bất ngờ khi nhận được Thông báo số 38/TB-UBND của UBND huyện Chư Sê do ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện ký phủ nhận gần như toàn bộ quyền lợi tài sản đã đầu tư của công nhân.

Nội dung Thông báo số 38/TB-UBND cho rằng: “Theo hồ sơ tiếp nhận bàn giao tài sản trong phần diện tích đất 190,8335ha của Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai trả về địa phương quản lý chỉ có cây cà phê trồng từ năm 1981 và cà phê trồng tái canh 2014 với giá trị còn lại là 58.750.759 đồng (tính từ thời điểm đến ngày 30/6/2017). Giá trị tài sản trên sổ sách đối với phần diện tích là 7.300.000 đồng. Số tiền này, UBND huyện sẽ rà soát lại toàn bộ hồ sơ liên quan và lập phương án bồi thường cho Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai theo quy định.

Đối với các loại tài sản khác không đảm bảo quy định về bồi thường, hỗ trợ (trừ cây cà phê trồng năm 1981 và cà phê trồng tái canh năm 2014) mà các hộ dân đã nhận khoán chăm sóc, trồng thêm, tạo lập thêm, UBND huyện Chư Sê không xem xét, tính toán bồi thường, hỗ trợ vì không đúng đối tượng và không đủ cơ sở xem xét.”.

Hợp đồng giao khoán của Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai ký kết với công nhân.

Khi nhận nội dung thông báo này, anh Đỗ Phú Cường bức xúc: “Chúng tôi đầu tư toàn bộ các khoản và nộp sản lượng về Công ty vì nhận đất theo hình thức khoán trắng từ năm 2006 mà UBND huyện Chư Sê ra Thông báo số 38/TB-UBND như thế này khác nào tất cả quyền lợi chính đáng về tài sản đầu tư vào nông nghiệp của 32 hộ công nhân chúng tôi ngang nhiên bị mất sạch. 32 hộ công nhân với 23,4ha cà phê đang kinh doanh mà được bồi thường tổng cộng 7,3 triệu đồng thì chúng tôi không biết lấy gì để tiếp tục sản xuất, duy trì cuộc sống.”.

Sở, ban, ngành vào cuộc

Trước những bức xúc kéo dài nhiều năm qua của 32 hộ công nhân Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai về phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng không thống nhất của UBND huyện Chư Sê, ngày 23/3/2020, ông Phạm Duy Du, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Gia Lai chủ trì đoàn liên ngành của tỉnh cùng lãnh đạo Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, NN&PTNT, Thanh tra tỉnh Gia Lai cùng đại diện UBND huyện Chư Sê, các xã Ia Pal, Dun, thị trấn Chư Sê đã tổ chức buổi đối thoại với đại diện 32 hộ công nhân.

Ngay tại buổi đối thoại này, lãnh đạo các Sở TN&MT; Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư, NN&PTNT và Thanh tra tỉnh Gia Lai cũng thống nhất việc đền bù cho người dân là xác đáng và phải làm, việc UBND huyện Chư Sê thực hiện Quyết định 102/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai ban hành “thực hiện còn chậm và giải quyết chưa đến nơi đến chốn”, đề nghị UBND huyện Chư Sê tiếp tục xác định tài sản để làm cơ sở lập phương án, khẩn trương thực hiện đền bù cho người dân theo đúng quy định pháp luật liên quan.

Thanh Luận