Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Gian nan `gieo chữ` trên ngàn

Bài, ảnh: Quốc Tuấn - 07:22 20/11/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Rất trân trọng khi gọi họ là những “chiến sỹ cầm bút, cầm phấn”. Bởi nếu không yêu nghề, yêu trò thì khó trụ vững nơi khó khăn đã khiến bao người phải sờn lòng… Thời điểm các thế hệ học trò cả nước đang hướng về Kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2021), đến với những người thầy, cô giáo nơi vùng cao Bắc Yên, tỉnh Sơn La để cảm nhận sự gian khổ, vất vả cùng những câu chuyện về nghề của họ…
Cô giáo Mùa Thị A, Trường Mầm non xã Háng Đồng, đã có gần 10 năm cắm bản và thường xuyên phải xa gia đình.

Truân chuyên con đường “gieo chữ”

Qua điện thoại trao đổi, một thầy giáo “cắm bản” Nậm Lộng, Làng Sáng thuộc xã Hang Chú và Háng Đồng (huyện vùng cao Bắc Yên) cho biết: “Tối qua vừa mưa to,  anh không lên được đâu, nhất là bản Nậm Lộng. Phải chờ 2 hôm có nắng mới có thể vào được. Nếu mưa xuống thì đến xe ô tô hai cầu cũng phải nằm chờ chứ chưa nói đến xe máy cuốn xích. Còn nếu cần thì đi bộ chắc phải gần ngày đường mới tới nơi”. 

Từ thị trấn Bắc Yên để đến được trung tâm xã vùng cao Hang Chú còn gần 50km đường đèo dốc với những khúc cua tay áo. Mất hơn 3 tiếng đồng hồ nghiêng ngả cùng những con dốc, đoạn đường đá với ổ trâu, ổ gà cùng những khúc cua phủ đầy sương mù kèm mưa phùn, chúng tôi mới đến được trung tâm xã Hang Chú. Trước đây phải đi bộ 3 ngày đường và giờ là đi xe máy thì sự vất vả đó phải nhân lên gấp nhiều lần với các thầy cô giáo. Vậy mà, với tình yêu nghề, yêu trẻ, các thầy cô giáo đã hy sinh niềm vui, hạnh phúc riêng để mang con chữ tới miền sương trắng và dốc núi cheo leo.

Trò chuyện với thầy giáo Đặng Văn Đon, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc PTDT bán trú và THCS Hang Chú - người đã có hơn 20 năm xa gia đình để “gieo chữ” trên vùng cao, được biết: Đa phần các thầy cô giáo ở các xã vùng cao đều phải xa gia đình. Có nhiều trường hợp chồng dạy ở một xã, vợ dạy ở một xã trong mấy chục năm liên tục. Có những điểm bản do đi lại khó khăn, giáo viên phải đi bộ cả ngày đường mới đến nơi. Cũng bởi vậy nên những điểm bản đó nhà trường chỉ “ưu tiên” cho giáo viên nam.

Cô giáo Hà Thị Hưng, giáo viên Trường PTDT bán trú và THCS Hang Chú chia sẻ: “Em đã gần hơn 14 năm liên tục công tác tại xã khó khăn thuộc các huyện trong tỉnh. Mấy năm đầu phải nhờ chồng hoặc đồng nghiệp làm “xe ôm” những lúc lên trường hoặc mỗi dịp về thăm gia đình”. 

Theo lời cô giáo Lường Thị Tươi, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh (xã Hang Chú), do 100% giáo viên là nữ nên việc đi lại rất khó khăn. Nhất là tại các điểm bản như Nậm Lộng vẫn là đường đất, nhà trường phải căn cứ vào hoàn cảnh gia đình, tinh thần xung phong… để phân công giáo viên vào đó cắm bản. Đã ba tuần, cô giáo Cà Thị Kim chưa ra ngoài trung tâm được vì mưa. Nhiều lúc cũng muốn gọi điện thoại động viên cô giáo nhưng trong đó lại không có sóng…

Câu chuyện “gieo chữ” của thầy giáo Lường Văn Cóng, giáo viên xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên - người đã hơn 20 năm xa gia đình để dạy học tại các điểm bản khó khăn, trong đó hơn 16 năm gieo chữ tại các bản của Hang Chú để lại nhiều trăn trở:  Để hoàn thành nhiệm vụ trồng người, thầy Cóng đã phải đổi tới 5 chiếc xe máy nhằm phục vụ cho việc đi lại. Đã có lần, từ lớp học cắm bản thầy giáo vừa địu con trai hơn 1 tuổi khóc gào trước ngực vừa đèo vợ kêu đau sau lưng trên con đường gồ ghề xuống huyện để khám bệnh.

Thầy Cóng nhớ lại: “Khi đó là vào ngày nghỉ, thấy vợ đau bụng dữ dội, dùng đủ cách mà bản thân biết về chữa đau bụng nhưng vẫn không hiệu quả, nên quyết định đưa xuống huyện. Mất gần 6 tiếng đồng hồ đánh vật với cung đường từ bản xuống huyện thì mới biết vợ bị đau ruột thừa. Các bác sỹ nói, chỉ chậm một chút nữa là nguy hiểm tới tính mạng, đúng là hú hồn”.

Ngoài lòng say nghề, sự bền bỉ của các thầy cô giáo được coi là vô giá thì những giọt nước cho sinh hoạt hàng ngày cũng giá trị không kém. Nhiều điểm bản cũng bởi nước khan hiếm nên các thầy cô giáo còn xây dựng cả một kế hoạch chung và riêng trong việc dùng nước sinh hoạt. Thầy giáo Phạm Văn Tại, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú và THCS Hang Chú chia sẻ: Nhiều điểm trường các thầy giáo chuyên nhiệm vụ gánh nước. Nước sinh hoạt thiếu đến nỗi vào mùa mưa, bất kể là 2  hay 3 giờ sáng, có mưa là mọi người hò nhau dậy hứng nước và tranh thủ giặt quần áo. 

Giờ ăn của học sinh Trường PTDT bán trú  và THCS Hang Chú.

Vợ chồng cùng vượt ngàn “gieo chữ” 

Vợ chồng thầy giáo Hà Văn Đức và cô giáo Hà Thị Bình, giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên là một trong số nhiều vợ chồng giáo viên tình nguyện lên công tác tại bản Làng Sáng, xã Háng Đồng. Việc chăm sóc, nuôi dạy con chủ yếu nhờ  ông bà nội đảm trách. Bởi lẽ, với khí hậu khắc nghiệt, đường đi lại quá gian nan của bản Làng Sáng và thời gian đều dành hết cho “gieo chữ” nên vợ chồng thầy đành phải để con cho ông bà trông khi cháu chưa cai sữa. 

Cố nén cảm xúc của mình, cô giáo Hà Thị Bình bộc bạch: “Em công tác ở xã vùng cao Háng Đồng được hơn 5 năm. Quê em ở Tân Sơn, Phú Thọ. Khi mới cưới nhau cũng có ý định khi nào hết thời gian cống hiến cho vùng cao về mới sinh con, nhưng phần vì ông bà thúc giục, phần vì không biết chờ đến bao giờ nên quyết định sinh con. Thời gian đầu, cháu ở trên này ốm đau suốt do không quen khí hậu. Trong khi chồng cả ngày đi dạy tại các khu lẻ tối mịt mới về, thậm chí cả tuần không về vì mưa xuống phải ngủ ở bản. Ở đây muốn mua cho con đồ ăn để tẩm bổ cũng không có. Nhiều đêm nhớ con chỉ dám khóc thầm vì sợ chồng nghe thấy lại sốt ruột”. 

Thầy Hà Văn Đức đồng cảm: “Em có nhiều đồng nghiệp dạy ở khu lẻ có vợ dạy ở xã khác xa hàng trăm ki lô mét, phải mang con đi theo. Mấy tháng vợ chồng gặp nhau được một lần. Như chúng em đây vẫn là hạnh phúc rồi”.

Cũng như vợ chồng thầy Đức - cô Bình, vợ chồng thầy Hoàng Mạnh Hải và cô Đào Thị Phượng, giáo viên cùng trường phải “nhường” việc chăm sóc con trai cho bà nội khi mới gần 1 tuổi. Thầy Hải tâm sự: “Những lúc không có giờ dạy, em còn kiêm thêm nghề “xe ôm” để đèo vợ lên các bản vận động, tuyên truyền để các phụ huynh cho con em mình đi học. Với hệ thống đường giao thông vùng cao còn đầy gian nan thì việc phụ nữ đi xe máy là cực kỳ khó khăn. Còn nếu đi bộ thì phải nửa ngày đường hay lâu hơn mới tới được nhà học sinh”.

Vẫn còn đó nhiều điều chưa kể hết quanh câu chuyện “gieo chữ” của các thầy, cô giáo cắm bản tại các xã vùng cao của huyện Bắc Yên. Tuy nhiên, có một điểm chung nhất là họ luôn có lòng yêu nghề, yêu trò và khó khăn, gian khổ không thể làm sờn lòng họ. 


“Đa phần các thầy cô giáo ở các xã vùng cao đều phải xa gia đình. Có nhiều trường hợp chồng dạy ở một xã, vợ dạy ở một xã trong mấy chục năm liên tục. Có những điểm bản do đi lại khó khăn, giáo viên phải đi bộ cả ngày đường mới đến nơi. Cũng bởi vậy nên những điểm bản đó nhà trường chỉ “ưu tiên” cho giáo viên nam”.
Thầy giáo Đặng Văn Đon, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú và THCS xã Hang Chú.