Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bà Rịa - Vũng Tàu: Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại để nâng tầm sản phẩm OCOP

Vân Nguyễn- Ngọc Đại - 16:30 17/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) – Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tìm các giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ nông dân, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) tiếp cận, chủ động đưa nông sản lên quảng bá, giới thiệu trên sàn thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo Quyết định số 743/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu đến năm 2025 sẽ có ít nhất 150 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, phát triển tối thiểu 20 - 24 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Để đạt mục tiêu này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, chú trọng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP phù hợp; xây dựng mã số vùng trồng, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, tỉnh triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình OCOP, trong đó có việc xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; phát triển thương mại điện tử... nhằm đưa sản phẩm OCOP Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành hàng hóa có thương hiệu, chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh xúc tiến thương mại điện tử để nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP. Ảnh: ĐVCC

Tính đến tháng 8/2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có thêm 52 sản phẩm OCOP mới được chứng nhận, nâng số sản phẩm OCOP trên địa bàn lên 145 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên (83 sản phẩm 4 sao, 62 sản phẩm 3 sao).  

Để thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với ngành liên quan triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm này. Hiện, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 4 điểm trưng bày, giới thiệu và bày bán sản phẩm OCOP, giúp doanh nghiệp, HTX, THT, hộ sản xuất nắm bắt tình hình cung, cầu để sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường và được người tiêu dùng tín nhiệm. Đồng thời, thông qua việc  giới thiệu kinh doanh trên các trang mạng thương mại điện tử và các chuỗi cửa hàng siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh, sản phẩm OCOP không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước mà còn vươn tầm xuất khẩu.

Trong đó, các sản phẩm của nông dân, HTX, THT tham gia sàn thương mại điện tử ngày càng phong phú, đa dạng như hồ tiêu, củ hoài sơn, nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, gạo, rau xanh, mật ong, nhung hươu… Đặc biệt, đã có 145 sản phẩm OCOP, hàng trăm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử.

Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các nông dân, HTX, THT được hướng dẫn từ cách tạo tài khoản, tạo kho hàng, đăng sản phẩm lên để bán, cách mô tả sản phẩm đến kinh nghiệm chốt đơn, xác định đơn hàng, chăm sóc khách hàng đối với các đơn hoàn thành… Bên cạnh đó, các chủ thể còn được hướng dẫn cách thức chăn nuôi, trồng trọt, tiếp cận với nguồn thông tin về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và bán được ra thị trường.

Mỗi nông hộ, mỗi HTX, THT đều có thể mở được một gian hàng số. Tham gia bán nông sản trên sàn thương mại điện tử sẽ giúp nông hộ, HTX, THT giảm được chi phí trung gian, giảm chi phí thuê kho, không phụ thuộc thương lái, nâng cao giá trị nông sản.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, Hội Nông dân (HND) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân tham gia tiến trình này. Các cấp HND. trong tỉnh cũng đã triển khai chương trình cài đặt, kích hoạt và sử dụng app "Nông dân Việt Nam" cho hơn 21.000 hội viên.

 Mới đây Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương) vừa công bố Quyết định công nhận các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2024. Trong danh sách này, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu có 11 sản phẩm và bộ sản phẩm được vinh danh như: Ghế đòn lục bình của Công ty TNHH sản xuất thương mại Hiệp Hòa; bàn, kệ đa năng của Công ty CP Forimex Thịnh Hoàng; kệ gỗ kết hợp lục bình từ Công ty TNHH sản xuất thương mại Khang Việt Tiến; ABC’s Art - Sắc màu sỏi đá của Công ty TNHH GD TM SX Hải Lan; các loại thịt đông lạnh như thịt đùi ghẹ, thịt càng ghẹ và thịt thăn ghẹ của Công ty TNHH chế biến thủy sản Đức Danh; cá đục nướng và cá bò nướng của Chi nhánh Công ty CP sản xuất dịch vụ và thương mại Thuận Huệ; sữa chua có đường và sữa chua nếp cẩm của Công ty TNHH thực phẩm Long Phước...

Trao đổi về hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các chủ thể sản phẩm OCOP, ông Trần Văn Mảng, Phó Chủ tịch HND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, khoa học - kỹ thuật, HND tỉnh cũng đã mở nhiều lớp tập huấn, hỗ trợ bà con ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Nhờ đó sản lượng và chất lượng sản phẩm gia tăng, giá trị sản phẩm cũng nâng lên Trong thời gian tới, các cấp HND tiếp tục phối hợp sở, ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ nông dân kết nối, chủ động đưa nông sản lên quảng bá, giới thiệu trên sàn thương mại điện tử, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2025
(Tapchinongthonmoi.vn) - Hiện nay, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã công nhận có 5 nghề truyền thống và 01 làng nghề truyền thống. Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định ngành nghề nông thôn có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho một số bộ phận gia đình ở nông thôn, đặc biệt góp phần quan trọng vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới.