Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giúp cây ăn quả ‘nghỉ Đông tích cực”, tích lũy dinh dưỡng cho mùa sau

17:28 23/12/2020 GMT+7

Mùa Đông là mùa “cây khô lá vàng”, cây trồng đều  “nghỉ đông”. Bón phân Văn Điển đúng cách theo hướng dẫn của chuyên gia sẽ giúp cây ăn quả tiết kiệm sức lực và tích lũy dinh dưỡng cho mùa vụ quả bùng nổ vào năm sau.

Phân bón Văn Điển có thể giúp cây có múi phục hồi sức vào mùa Đông, tích cực chuẩn bị cho mùa nuôi quả mọng năm sau. (Ảnh minh hoạ: Cam sành Hàm Yên). Tư liệu

Trong sản xuất nông nghiệp nói chung và việc trồng cây ăn quả nói riêng, để có kết quả tốt, nhà nông cần đảm bảo cung cấp đầy đủ và cân đối các dưỡng chất cho cây trồng. Bởi theo nhận xét của các nhà khoa học, mỗi khi thu hoạch nông sản, ngoài các chất carbon, hidro, oxy, cây trồng đã lấy đi từ đất 19-21 chất dinh dưỡng khác nhau. Những chất này rất thiết thực trong mọi hoạt động sống và tham gia cấu tạo nên cơ thể cây trồng. Ví như để có 1 tấn quả thì cây bưởi lấy đi từ đất: 2kg đạm (N), 0,5kg lân (P2O5), 2,5kg kali (K2O); 0,2kg magie (MgO); 0,6kg vôi (CaO), 90g lưu huỳnh (S); 30g sắt (Fe), 4g mangan (M)n; 7g kẽm (Zn) và 5g đồng (Cu)…

Phân bón Văn Điển – món ăn “gây thương nhớ” đối với cây trồng

Trong các dinh dưỡng khoáng, Ca vừa là thức ăn cho cây; vừa là thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây, cũng là chất liên kết các hạt li mông, keo đất tạo ra các đoàn lạp làm tăng độ tơi xốp cho đất. Quan trọng nhất là Ca tham gia phản ứng trung hòa các axit nên có tác dụng  khử chua và tham gia cải tạo đất nông nghiệp. Khi độ pH được cải thiện, chất chua, chất độc trong đất giảm thì bộ rễ cây non có điều kiện phát triển thuận lợi, khả năng hút nước và các chất dinh dưỡng của bộ rễ tăng lên, cây khỏe mạnh phát triển nhanh. Magie là chất tạo diệp lục tố và khử chua giúp làm cho các loại quả tăng độ ngọt, tăng thời gian bảo quản. Silic khử độc sắt và mangan, giúp thành mạch và vách tế bào vững chắc làm cho cây chống đổ gẫy tốt hơn và sâu bệnh khó xâm nhập. Silic góp phần làm cứng cây, tăng chất lượng quả như tăng độ ngọt, nhiều nước và cải thiện hương vị của quả.

Trong các loại phân bón hiện nay, ngoài phân hữu cơ ra, chỉ có phân lân nung chảy Văn Điển đáp ứng được nhu cầu nói trên cho cây trồng: Dinh dưỡng dễ tiêu trong phân lân nung chảy Văn Điển có: P2O5 có từ 15-19%, MgO có từ 15-18%, SiO2 có 24-32%, CaO có 28-34%, và nhiều chất vi lượng khác như Fe, Mn, Cu, Zn, Bo, Mo….  Lân Văn Điển có tỷ lệ can xi và các dinh dưỡng trung lượng: Mg, Si… khá cao nên có tác dụng khử chua, nâng dần độ pH của đất phù hợp với cây ăn quả.

Lân Văn Điển là loại phân chậm tan, chỉ tan trong dung dịch axít yếu do rễ cây tiết ra, cây cần đến đâu phân hòa tan đến đó nên hạn chế bị rửa trôi. Không chỉ có thế, lân Văn Điển còn bổ sung các chất trung và vi lượng đối với đất đang thiếu hụt các chất này. Chúng rất cần thiết cho cây. Các loại phân bón đa yếu tố (ĐYT) NPK Văn Điển được cân đối các dưỡng chất NPK theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển cây trồng, ngoài ra còn có các chất trung lượng như Ca, Mg, Si…, vi lượng như B, Mn, Zn, Cu, Co.. mà các loại phân bón khác không có. Đây là loại phân bón rất tốt cho cây ăn quả, đặc biệt chăm bón giai đoạn sau thu quả, giai đoạn nghỉ Đông.

Kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả kỳ nghỉ Đông

Để có lượng dinh dưỡng nuôi số lượng lớn quả trên cây, các bộ phận của cây trồng đều hoạt động, đặc biệt là bộ rễ tơ hấp thụ dinh dưỡng và nước từ đất đưa lên lá quang hợp, Số lượng quả trên cây càng nhiều thì cường độ hoạt động của rễ tơ càng lớn đồng nghĩa với sự già hóa càng cao.

Các nghiên cứu về nông học cho thấy, cây ăn quả càng nhiều năm tuổi, năng suất quả càng cao, rễ tơ càng nhanh cỗi, và cần phải tạo lập rễ tơ mới. Nếu để lưu lại rễ tơ cũ nhiều năm thì sản lượng quả các năm sau sẽ thấp dần, cây hồi phục chậm, sinh trưởng yếu. Vì vậy, biện pháp phá bỏ rễ tơ cũ sau thu quả là việc cần phải làm, đặc biệt với các cây họ có múi như cổ nhân đã dạy: “mít chạm cành, chanh chạm rễ”.

Miền Bắc Việt Nam có khí hậu phân mùa rõ rệt: Mùa Xuân ấm ẩm, mưa dầm, mùa Hè, mùa Thu nắng lắm, mưa nhiều, thậm chí còn nhiều bão gió; mùa Đông thường rét và khô. Các loại cây ăn quả miền Bắc thường ra hoa vào vụ Xuân- Hè, và thu hoạch rải rác từ mùa Thu. Do vậy cây ăn quả khá đa dạng về giống và chủng loại; mỗi loại có chế độ chăm sóc khác nhau. Về tổng thể có thể phân thành 2 nhóm cây ăn quả: Nhóm lá xanh quanh năm và nhóm rụng lá hàng năm.

Dinh dưỡng dễ tiêu trong phân lân nung chảy Văn Điển có lân (15-19%), Magie (15-18%), silic (24-32%), canxi (28-34%), và nhiều chất dinh dưỡng vi lượng khác như sắt, mangan, đồng, kẽm, bo, molipden…

Nhóm cây lá xanh quanh năm

Đây là những cây đa dụng, vừa ăn quả, vừa bóng mát vừa cảnh quan. Trong điều kiện nhiệt độ thích hợp, cây xanh lấy năng lượng mặt trời tổng hợp thành chất hữu cơ tạo năng suất cây trồng. Khi thiếu nắng hoặc thời tiết rét, khô, cây không quang hợp được nhưng vẫn phải hô hấp để duy trì sự sống, nên tiêu tốn chất hữu cơ gây lãng phí dinh dưỡng của nhóm cây lá xanh quanh năm. Vì vậy nhóm này thường có hiện tượng ra quả cách năm, điển hình cho nhóm này là cây nhãn. Khắc phục hiện tượng trên, điều chỉnh ra hoa là việc khá khó khăn, phần nhiều tác động bằng những yếu tố ngoại cảnh vào thời kỳ trước ra hoa. Nếu mùa Đông khô rét nhiều, cây cằn cỗi thuận cho phân hóa mầm hoa. Ngược lại, nếu mùa Đông ấm, ẩm hoặc cây xanh tốt, sẽ hạn chế hoặc kìm hãm ra hoa.

Do vậy, ngoài yếu tố thời tiết thì việc chăm sóc các loại cây này cũng rất khác nhau:

– Nhóm cây ra quả đầu cành như nhãn, vải: Cành ra từ mùa thu năm trước là cành mẹ mang quả năm sau. Nếu cành khỏe và bánh tẻ thì vào mùa Xuân tới, hoa sẽ nở trên đầu cành. Nếu mùa Đông đã ra chồi lá thì mùa Xuân không ra hoa. Do vậy phải chăm sóc sớm ngay sau thu quả để sớm có nhiều cành lộc Thu. Mùa Đông không được chăm sóc, bón phân cho nhãn, vải, tốt nhất để cây khô cằn.

– Nhóm cây có múi: Việc điều chỉnh ra hoa dễ hơn, chủ yếu bằng điều tiết tỷ lệ C/N (tỷ lệ giữa carbon và nitơ được sử dụng để đánh giá tình trạng chất hữu cơ của đất và tính hữu dụng của phân chuồng cũng như các nguồn hữu cơ khác như tính chất đất và phân bón trong nông nghiệp) thông qua giải pháp “xiết nước”.

Nếu cây có múi thu quả vào mùa Thu thì ngay sau thu hoạch tiến hành làm cỏ, cắt tỉa cành tăm tơ, sâu bệnh, cành cuống quả, cành vượt (nếu không cần), sau đó dùng cuốc rạch xung quanh tán cây, bón phân hữu cơ, phân lân nung chảy Văn Điển và phân đa yếu tố NPK (5:10:3 ; 10 :7 :3). Tùy tình hình sinh trưởng của cây mà bón lượng nhiều ít, lấp đất và tưới ẩm vừa để cây hồi phục sau kỳ mang quả, vừa tạo sức cho cây ra hoa vụ tới. Nếu cây xanh tốt quá, vào thời điểm khô hanh, nên cuốc đất phơi ải xung quanh tán cây, cách gốc cây khoảng 0,3- 0,5m vừa diệt nấm bệnh, vừa làm đứt rễ tơ hạn chế hút dinh dưỡng.

Ngoài ra còn có thể dùng vọt tre vụt cho rách, rụng bớt lá để hạn chế sinh trưởng, tạo điều kiện cho phân hóa mầm hoa vụ Xuân. Sau đó trộn, rải phân lân nung chảy Văn Điển và một ít phân đa yếu tố NPK (5:10:3 ; 10:7:3) xuống gầm tán cây và lấp đất. Lưu ý : trường hợp này không được tưới vì cần để cây cằn.

Nếu thu quả muộn vào dịp tết Nguyên Đán: Trước thu hoạch 30-45 ngày nên bón thêm phân đa yếu tố NPK 12:12:17, kết hợp tưới nước để bổ sung dinh dưỡng nuôi quả. Ngay sau thu quả, bấm tỉa cành đã mang quả, cành tăm tơ, cành sâu bệnh rồi cuốc sâu theo tán cây, bón phân hữu cơ ủ mục với phân lân nung chảy Văn Điển và phân đa yếu tố NPK Văn Điển công thức 5:10:3, hoặc 10:7:3. Sau khi lấp đất kín phân, nếu đất quá khô cần tưới cho đủ ẩm đề sớm ra rễ mới.

Để cây na đều đặn cho nhiều quả ngon và đẹp hằng năm, nhà nông nên bón phân cân đối đa, trung, vi lượng như phân bón Văn Điển . Ảnh minh hoạ. Vũ Sinh.

Với nhóm cây rụng lá hàng năm

Như như cây na, hồng, đào, mận…: Khi thời tiết khô, rét thì cây tự rụng lá để bảo toàn dinh dưỡng, sang Xuân, cây ra lá đến đâu, hoa ra đến đó. Những cây này, việc bón phân cơ bản trong năm gồm phân hữu cơ ủ mục và phân lân nung chảy Văn Điển, có thể bón ngay sau thu hoạch hoặc gần tiết Lập xuân. Lúc này không cần bón nhiều phân đa yếu tố NPK Văn Điển công thức 5:10:3; 10:7:3…

Nhìn chung, mùa Đông, mùa “cây khô lá vàng”, mọi cây trồng đều  “nghỉ đông”, ngừng hoặc hạn chế sinh trưởng nhằm tiết kiệm và tích lũy dinh dưỡng cho mùa vụ quả năm sau. Thời tiết càng khô rét, việc nghỉ đông càng thuận lợi; vì vậy thời kỳ này không nên tưới nước hoặc bón phân dễ tiêu cho cây. Tuy vậy, việc bón phân cho cây ăn quả giai đoạn này có thể tiến hành trước hoặc sau thời kỳ khô rét, tùy thuộc vào loại cây và thời điểm thu hoạch của mỗi cây. Nhất thiết phải dùng phân hữu cơ ủ mục kết hợp với phân lân nung chảy Văn Điển và phân bón đa yếu tố NPK 5:10:3, 10:7:3 Văn Điển, nhằm khi thời tiết ôn hòa trở lại, cây trồng sẽ được cung cấp đầy đủ các chất NPK, chất mùn và các dinh dưỡng trung, vi lượng, giúp bộ rễ nhanh hồi phục và phát triển. Giải pháp này không chỉ giúp cây mau hồi sức sau kỳ nuôi quả mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho phân hóa mầm hoa vụ xuân tới và hạn chế hiện tượng rụng quả sinh lý, tăng tỷ lệ đậu quả và chất lượng quả thu hoạch.

Trọng Hòa – Nam Phong