Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Gỗ vận chuyển hiên ngang – Cán bộ “đi vắng”

12:45 27/12/2017 GMT+7

“Gỗ đi trên đường này tấp nập ngày đêm”, “ Chúng nó đi công khai chứ không phải lén lút vì có thể đã được bảo kê và đóng phí”… Đó là thông tin của một người dân đang sinh sống tại xã Ea Bung – huyện Ea Súp – tỉnh Đăk Lăk cho phóng viên chúng tôi biết.

Theo phản ánh của người dân địa phương, phóng viên đã thu thập thông tin tại khu vực rừng thuộc địa bàn xã Ea Bung, tại đây hàng chục cây gỗ đã bị đốn hạ. Nhiều gốc cây gỗ lớn có đường kính 50 – 60cm, các thân gỗ dược sắp xếp ngay ngắn trên những chiếc công nông tự chế, hiên ngang đi ra khỏi rừng giữa thanh thiên bạch nhật.

Phát hiện có người lạ chủ phương tiện cho xe vào đồi lẩn tránh.

Tại thời điểm phóng viên có mặt, phát hiện người lạ, một nhóm người đã theo dõi mọi động tĩnh của phóng viên,đe dọa phóng viên tác nghiệp. Sau khi thoát khỏi sự giám sát ngoài mong đợi này chúng tôi đã xâm nhập vào rừng tiểu khu 267 xã Ea Bung huyện Ea Sup theo thông tin người dân phản ánh có tình trạng phá rừng rất nghiêm trọng. Tại đây phóng viên ghi nhận tình trạng phá rừng lấy gỗ, lấy đất sản xuất đang xảy ra.

Được biết trạm kiểm lâm địa bàn liên xã Yatmốt nằm chốt giữ trên con đường Quốc phòng. Đây là con đường độc đạo. Gỗ khu vực này muốn vận chuyển ra khỏi rừng chỉ còn cách đi qua trạm kiểm soát này.

Chúng tôi tìm đến trạm Kiểm lâm địa bàn liên xã để tìm hiểu về tình trạng phá rừng ở đây. Tại đây, tuy trong giờ hành chính nhưng trụ sở trạm kiểm lâm đóng cửa, Hai nhân viên kiểm lâm địa bàn đang “quần đùi, cởi trần ngồi nhậu” xung quanh vỏ lon bia vứt la liệt. Một trong số đó lên tiếng mời chúng tôi “ anh em cùng làm tí đi”.

Hỏi người dân trong khu vực thì nhận được những câu trả lời làm chúng tôi bất ngờ té ngửa “Bọn nó có thể được bảo kê rồi chú ơi, rừng cả huyện này bị phá chứ không phải mỗi khu vực này đâu, không có bảo kê to ở trên huyện trên tỉnh làm sao chúng nó dám phá rừng”.

Anh Nguyễn Văn T cho chúng tôi biết thêm “Gỗ đi trên đường này tấp nập ngày đêm”, “Chúng nó đi công khai chứ không phải lén lút vì nghe đâu đã được bảo kê và đóng phí rồi”….

Gặp gỡ và trao đổi với chủ nhân một trong số những xe gỗ “hiên ngang” đi về giữa thanh thiên bạch nhật. Anh cho biết “Mình nộp tiền rồi, bắt làm sao được mình nữa”

Chiều tối 21 tháng 12 năm 2017 khi làm việc với công an huyện Ea Súp chúng tôi đã thông báo tình trạng phá rừng với công an huyện và có ghi biên bản làm việc cụ thể. Tuy nhiên mãi đến ngày 25 tháng 12 năm 2017 mọi câu chuyện phá rừng vẫn im lặng. Chiều cùng ngày trao đổi với Pv qua điện thoại hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Ea Súp cho biết chưa nhận được thông tin nào.

Biên bản làm việc với công an huyện Ea Súp

Cũng trong ngày 25 tháng 12 năm 2017 PV tìm đến Chi cục kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk trình báo nạn phá rừng. Tại đây cô nhân viên tên Phương cho chúng tôi biết “ Hiện lãnh đạo đi vắng, các anh trình muốn báo thì ghi lại nội dung và chiều nay lãnh đạo sẽ liên hệ trả lời”.

Tời chiều cùng ngày vẫn không có phản hồi từ chi cục kiểm lâm chúng tôi tìm đến sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, trùng hợp thay cả ban lãnh đạo “đi họp”, Ông phó chánh văn phòng Nguyễn Văn Tuấn yêu cầu chúng tôi cung cấp thông tin rồi lãnh đạo sẽ liên lạc làm việc sau. Tuy nhiên cho tới thời điểm này các cơ quan vẫn im lặng ‘bất thường’.

Không chỉ với diện tích đất rừng tự nhiên, mà diện tích rừng giao theo chương trình 134 của chính phủ cũng bị xâm hại, người dân tỏ ra rất bức xúc. Anh Q thôn 8 xã Ea Bung cho biết “Chúng nó cho xe ủi và xe múc vào san bằng hết chú ơi, bọn nó được trang bị cưa lốc chuyên dụng, chúng tôi không dám chống cự, báo chính quyền thì chính quyền hỏi qua loa rồi im lặng chú ơi”.

Trước thực trạng phá rừng ngày càng gia tăng, liệu các cơ quan chức năng huyện Ea Súp và Tỉnh Đăk Lăk có biết?, các ngành hữu quan có biện pháp gì để thắt chặt công tác quản lý và bảo vệ rừng?, Làm cách nào để giảm diện tích rừng bị xâm phạm?. Hay mãi mãi im lặng để rừng bị tàn phá như thời gian qua?

Làng mới sẽ tiếp tục thông tin mới nhất về vụ việc tới bạn đọc.

Quốc Dũng