Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hậu dịch tả lợn châu Phi: Tái đàn là cấp thiết nhưng phải kiểm soát

19:46 28/08/2019 GMT+7
Đến nay, Dịch tả lợn châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever – viết tắt là ASF) gây thiệt hại lớn tại 62/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam với trên 3,5 triệu con lợn bị tiêu hủy. Vấn đề cấp thiết hiện nay là vừa tăng cường phòng chống dịch vừa có

Đến nay, Dịch tả lợn châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever – viết tắt là ASF) gây thiệt hại lớn tại 62/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam với trên 3,5 triệu con lợn bị tiêu hủy. Vấn đề cấp thiết hiện nay là vừa tăng cường phòng chống dịch vừa có phương án phát triển đàn lợn nhằm ổn định thị trường thực phẩm những tháng cuối năm. PV Làng Mới có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Đã 6 tháng kể từ khi địa phương đầu tiên xuất hiện ASF, xin ông cho một vài nhận định về diễn biến dịch hiện nay?
Nói về Dịch tả lợn châu Phi thì đây là bệnh dịch gây tác hại rất lớn cho ngành Chăn nuôi lợn. Ở nhiều quốc gia trên thế giới khi bị ASF đều gây thiệt hại rất lớn. Đặc biệt, với Việt Nam thì mức độ thiệt hại còn lớn hơn do đặc trưng của Ngành chăn nuôi nước ta là chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa áp dụng hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Mật độ chăn nuôi rất dày nên phạm vi phát tán bệnh rất rộng. Chỉ trong thời gian khoảng 5 đến 6 tháng vừa qua dịch đã lan ra 62/63 tỉnh, thành cả nước.

Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phúc tạp, các trang trại cần chủ động công tác phòng chống dịch. Ảnh Tư liệu

Dịch xuất hiện ở tất cả các địa phương trọng điểm về nuôi lợn. Lượng lợn chết và tiêu hủy trên 3,5 triệu con chiếm khoảng 15% tổng số lợn cả nước. Khi dịch sảy ra, đã phát sinh rất nhiều chi phí: công tác phòng chống dịch, công lao động, hóa chất… làm đội giá thành chăn nuôi lợn lên rất cao.
Trong số trên 3,5 triệu con lợn bị dịch phải tiêu hủy thì chủ yếu nằm ở chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ là chính. Do vậy, phạm vi thì rộng nhưng quy mô đàn lợn chưa phải là lớn. Chúng ta vẫn còn trên 85% đàn lợn vẫn an toàn đây là tín hiệu tích cực. Nhưng chúng tôi cho rằng dịch chỉ giảm chứ chưa dừng. Thậm chí tiềm ẩn nguy cơ lây lan sang các cơ sở chăn nuôi lớn. Nhận định của chúng tôi là dịch bệnh vẫn tiếp tục phát triển nếu các biện pháp kiểm soát dịch bệnh thiếu quyết liệt, lơ là, chủ quan, nản chí.

Dịch bệnh vẫn tiếp diễn vậy nhận định của ông về giá thịt lợn trong nước những tháng cuối năm sẽ diễn biến ra sao?
Hiện nay giá thịt lợn trong nước đang ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực. Ở miền Bắc giá thịt lợn hơi bình quân chỉ trên dưới 40.000 đồng/kg. Tại miền Nam chỉ bình quân từ 30 đến 35.000 đồng/kg. Trong khi tại Trung Quốc giá thịt lợn hơi trên 65.000 đồng/kg, Campuchia 60.000 đồng/kg, Thái Lan 52 đến 55.000 đồng/kg.
Giá thịt lợn thấp do các nguyên nhân như: Do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng thịt lợn giảm. Nhưng nguồn cung lại tăng do người chăn nuôi tại miền Nam và các tỉnh miền Trung sợ bị dịch, sợ mùa bão lũ sắp đến nên bán ra nhiều làm lượng cung tăng lên.
Với tâm lý bán tháo như vậy, nguồn cung thịt lợn vào các tháng cuối năm sẽ thiếu. Do vậy, nhận định của chúng tôi là giá lợn sẽ tăng. Chúng tôi khuyến cáo người chăn nuôi cố gắng giữ lại đàn lợn. Đây là cơ hội cho những đàn lợn khỏe mạnh nếu giữ được, người chăn nuôi sẽ có cơ hội lấy lại được phần thua thiệt của mình.

Dự báo nhu cầu thịt lợn những tháng cuối năm sẽ tăng cao (Trong ảnh: hoạt động hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn tại Thái Bình). Ảnh Tư liệu

Vậy để đảm bảo nguồn cung, đã đến lúc người chăn nuôi quan tâm vấn đề tái đàn chưa, thưa ông?
Để đảm bảo nguồn cung thịt lợn, đầu tiên là chúng ta giữ lại được đàn lợn khỏe mạnh thì sẽ cân đối được cung cầu, tránh được tình trạng thiếu thịt lợn. Đồng thời, ngành Chăn nuôi cũng thực hiện các biện pháp tăng tỷ trọng các vật nuôi khác. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, chăn nuôi gia cầm đã tăng 7,5%, dự kiến cuối năm tăng trên 10%. Giá súc ăn cỏ (đàn bò) tăng 2,9%, cuối năm tăng 5 đến 6%. Thủy sản cũng tăng trên 6,5%.
Phát triển các vật nuôi khác nhằm đảm bảo bù đắp nguồn thực phẩm thịt lợn bị thiếu. Tuy nhiên, do thói quen của người tiêu dùng Việt Nam không thể bỏ ngay thịt lợn sang sử dụng các loại thực phẩm khác. Đặc biệt là các tháng mùa thu, các tháng cuối năm, dịp Tết thì nhu cầu thịt lợn sẽ tăng trở lại rất cao.
Thế nên chúng tôi cho rằng kiểu gì chúng ta cũng phải tái đàn. Mọi năm thị phần thịt lợn chiếm 70% thị trường, thì năm nay vẫn giữ khoảng 60 đến 65% chứ không thể thay thịt lợn ngay được.

Như ông đã phân tích là cần giữ đàn lợn khỏe mạnh và tái đàn, cụ thể những trường hợp nào thì đủ điều kiện để tái đàn, thưa ông?
Chúng ta vẫn sẽ phải tái đàn, nhưng tái đàn có kiểm soát. Ở những cơ sở mà đang không bị dịch bệnh, an toàn thì chăn nuôi bình thường, thậm chí khuyến khích mở rộng quy mô. Còn những cơ sở đã bị bệnh mà sau 30 ngày không xuất hiện dịch, khi các biện pháp chăn nuôi an toàn tốt thì sẽ tổ chức tái đàn từ từ, phải cân nhắc rất kỹ. Chúng ta phải kiểm soát chỗ này, nếu các yếu tố chăn nuôi an toàn chưa đủ thì chưa tái đàn.
Việc kiểm soát tái đàn phải giám sát rất chặt chẽ. Trong đó phải giao cho chính quyền địa phương ở cấp xã, phường kiểm soát. Với những hộ vừa bị dịch, còn chưa bồi thường, hỗ trợ xong mà bây giờ bỏ lợn vào nuôi thì chính quyền địa phương phải có ý kiến, phải báo cơ quan thú y để có biện pháp. Nếu kiểm tra mà điều kiện chưa cho phép thì phải cương quyết không cho tái đàn. Nếu cố tình tái đàn thì không bồi thường, hỗ trợ nữa.
Điều kiện sau 30 ngày không có dịch, không phải chỉ hộ đó mà các hộ xung quanh cũng không bị dịch. Đồng thời phải tiến hành kiểm tra các điều kiện tiêu độc, khử trùng thật tốt. Rồi cơ quan thú y đánh giá xem đã đủ điều kiện tái đàn hay không. Nhưng tốt nhất là nên khuyến khích các hộ này chuyển sang các vật nuôi khác như gia cầm, thì thuận lợi hơn rất nhiều. Vì vẫn tạo được sinh kế và sau đó một thời gian thì có thể nuôi lợn trở lại.

Vấn đề tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi phải tiến hành thận trọng và có kiểm soát. (Trong ảnh: Trang trại nuôi lợn tại tỉnh Đồng Nai). Ảnh Tư liệu

Thực tế hiện nay dịch ASF vẫn có nguy cơ lan ra các trang trại lớn, xin ông cho biết người nuôi lợn cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật nào để bảo vệ đàn lợn còn khỏe mạnh?
Chúng tôi khuyến cáo 2 biện pháp kỹ thuật. Một là biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học vô cùng quan trọng. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã có văn bản hướng dẫn quy trình chăn nuôi an toàn sinh học sử dụng chế phẩm vi sinh để nâng cao sức đề kháng của đàn lợn, nâng cao khả năng phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn và hạn chế sử dụng kháng sinh.
Quy trình đã có, các địa phương và hệ thống khuyến nông, thông qua các cơ quan báo đài cần phải truyền thông thật nhanh để người chăn nuôi biết được kỹ thuật này, giúp người chăn nuôi sử dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp sử dụng chế phẩm vi sinh. Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đã sản xuất được các chế phẩm sinh học nhưng người chăn nuôi vẫn còn chưa có thói quen sử dụng.
Từ thực tế kiểm tra dịch bệnh chúng tôi thấy ở rất nhiều các cơ sở chăn nuôi trong vùng dịch nhưng không bị ảnh hưởng gì do sử dụng các chế phẩm sinh học đã tạo ra khả năng kháng bệnh rất tốt. Đây là giải pháp quan trọng để chúng ta mở rộng quy mô và cũng là tái đàn đối với chăn nuôi lợn.
Tiếp nữa là giải pháp về phòng bệnh, phải tiêu độc khử trùng, phải kiểm soát tốt công tác phòng chống dịch không thể lơ là. Có một thời gian sau 5 đến 6 tháng có tâm lý uể oải, lơ là, bi quan chán nản cho là dịch đã lan tỏa hết rồi. Nhưng thực tế 85% đàn lợn vẫn còn nên không được lơ là, chán nản. Phải quyết liệt.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trọng Đạt (thực hiện)

Ông Nguyễn Xuân Dương

“Quan điểm chúng tôi là chỉ cần mở rộng quy mô ở phần 85% đàn lợn khỏe mạnh hiện nay thì đã đủ bù lại phần lợn bị tiêu hủy rồi. Còn những trường hợp bị dịch bệnh rồi thì phải thận trọng, không nên tái đàn ngay bởi vì nguy cơ rủi ro vẫn còn cao. Khi bị bệnh trở lại thì sẽ gây tổn thất lớn mà ngân sách nhà nước cũng không còn khả năng hỗ trợ”- Ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi.