Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hiệu quả từ Dự án "Nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ phát triển cây Mét theo chuỗi giá trị”

Bùi Ánh - 08:34 08/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Sau thời gian thực hiện dự án "Nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ phát triển cây Mét theo chuỗi giá trị để giảm áp lực lên đa dạng sinh thái (ĐDSH) và chức năng hệ sinh thái rừng” tại 2 xã vùng đệm Tam Hợp, Tam Quang (huyện Tương Dương – Nghệ An) do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ, Hội Nông dân huyện Tương Dương là đơn vị chủ trì đã góp phần tạo sinh kế cho người dân đồng bào dân thiểu số, là yếu tố rất quan trọng để giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Tương Dương là huyện miền núi thuộc diện huyện nghèo nằm ở miền Tây Nghệ An, đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ khi Nhà nước cấm khai thác lâm sản, đóng cửa rừng, hạn chế chuyển đổi rừng tự nhiên đến nay đời sống người dân gặp khá nhiều khó khăn do chủ yếu diện tích rừng được giao là rừng tự nhiên.

Các hộ dân tham gia Dự án được hướng dẫn tận tình về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Mét

Cây Mét là loài cây đa tác dụng, rất phù hợp và mang lại nhiều lợi ích cho đồng bào dân tộc thiểu số, không chỉ có tác dụng về chống xói lở, bảo vệ môi trường mà còn giúp người dân phát triển kinh tế, lấy ngắn nuôi dài, đảm bảo có thu nhập quanh năm từ việc khai thác măng, khai thác mét cũng như làm vật liệu xây dựng trong gia đình, đồ thủ công mỹ nghệ...

Việc triển khai mô hình phục tráng rừng Mét đã suy thoái của Dự án được đánh giá là mô hình rất có ý nghĩa và hứa hẹn sẽ đem lại nhiều triển vọng trong tương lai. Huyện Tương Dương hiện có 1.634ha rừng Mét đã suy thoái rất cần được phục tráng. Dự án này được thực hiện sẽ giảm áp lực lên ĐDSH và chức năng hệ sinh thái rừng và góp phần tạo sinh kế cho người dân đồng bào dân thiểu số. Đây chính là yếu tố rất quan trọng để giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Việc triển khai mô hình phục tráng rừng Mét đã suy thoái của Dự án được đánh giá là mô hình rất có ý nghĩa và hứa hẹn sẽ đem lại nhiều triển vọng trong tương lai

Để thực hiện được Dự án các cơ quan chức năng địa phương huyện Tương Dương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giúp cho người dân địa phương hiểu hơn về lợi ích của cây Mét để nâng cao kiến thức, kỹ năng trong việc trồng, phát triển loại cây này. Từ đó hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu cải thiện cuộc sống bằng nguồn thu nhập bền vững mà lợi thế địa phương có được.

Dự án đã lựa chọn và tiến hành ký kết Hợp đồng hỗ trợ xây dựng mô hình với 333 hộ dân thực hiện dự án thuộc 6 bản (Tam Bông, Sơn Hà, Bãi Xa, Tam Liên, bản Văng Môn, bản Phồng) của 2 xã Tam Quang, Tam Hợp với tổng số vốn hỗ trợ gần 1,6 tỷ đồng.  Các hộ gia đình sau khi kí kết đã được dự án tổ chức truyền thông tại các thôn bản để biết được lợi ích, quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia dự án. Với mục tiêu hướng đến nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần bảo vệ rừng (BVR), bảo tồn ĐDSH. Đặc biệt Dự án đã trích gần 300 triệu đồng làm quỹ vốn quay vòng cho người dân tham gia dự án để phát triển kinh tế.

Với tốc độ sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh, sau 3 - 4 năm kể từ khi trồng, loại cây này có thể khai thác và cho năng suất khá cao từ 10 - 12 tấn/ha, thu nhập từ 10 triệu đến 20 triệu đồng/năm/ha. Cây Mét chỉ cần trồng một lần là có thể thu hoạch được hàng chục năm, công chăm sóc ít nên đây là sẽ một lợi thế rất lớn cho bà con miền núi huyện Tương Dương.

Hạt Kiểm lâm Tương Dương với vai trò là đơn vị đồng hành để thực hiện Dự án đã thể hiện được năng lực và trách nhiệm của mình

Theo kinh nghiệm của người dân từ thời cha ông để lại, khi chặt cây Mét phải chặt thật sát gốc để bụi Mét không bao giờ bị thoái hóa và thoáng mặt bằng để những lứa măng sau đều, mập. Đặc biệt, sau khi phát triển ổn định, cây tăng nhanh về số lượng, sản lượng thu hoạch năm sau sẽ nhiều hơn năm trước.

Với mục tiêu hướng đến của Dự án là: Bảo vệ, phục tráng, khai thác hợp lý rừng trồng Mét của các hộ gia đình hiện có trên địa bàn nhằm gia tăng số hộ hưởng lợi và nhân rộng các mô hình của dự án. “Để mục tiêu của Dự án đi đến thành công, Ban Quản lý Dự án đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tọa đàm, chia sẻ các bài học, kinh nghiệm thực tiễn thành công mô hình phát triển cây Mét cho cán bộ địa phương, cộng đồng, đại diện các hộ gia đình, doanh nghiệp liên quan. Thông qua đó kiến thức về khoanhh nuôi, bảo vệ, phục tráng, chăm sóc, trồng mới phát triển cây Mét theo chuỗi giá trị của các thành viên được nâng cao và áp dụng vào thực tiễn mô hình sinh kế của gia đình”, ông Trần Xuân Hậu – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tương Dương cho biết.

Với những thành quả đạt đươc sau 1 năm thực hiện, Dự án đã được Chương trình phát triển Liên Hợp quốc, Chương trình tài trợ dự án nhỏ -  Quỹ Môi trường toàn cầu cho phép mở rộng thêm địa bàn 3 xã gồm Tam Đình, Tam Thái và Thạch Giám và một số bản thuộc xã Tam Quang với kinh phí trên 1,7 tỷ đồng, đồng thời nâng quỹ vay vốn quay vòng lên trên 600 triệu đồng cho 578 hộ gia đình tham gia.

Dự án này sẽ góp phần thực hiện thành công “Đề án phát triển rừng nguyên liệu Tre Mét trên địa bàn huyện Tương Dương giai đoạn 2021 - 2025”

Trong suốt thời gian thực hiện mô hình Dự án, Hạt Kiểm lâm Tương Dương với vai trò là đơn vị đồng hành để thực hiện Dự án đã thể hiện được năng lực và trách nhiệm của mình. Ngoài việc phân công 05 cán bộ Kiểm lâm địa bàn gắn kết thực hiệm nhiệm vụ QLBVR tại gốc còn tăng cường công tác tuyên truyền giao dục pháp luật Lâm nghiệp, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp trồng rừng, sản xuất phân bón vi sinh…

Sau thời gian thực hiện Dự án đến nay tổng diện tích phục tráng Mét đạt 499,91ha/kế hoạch 500,87ha,  đạt tỷ lệ 99,7%, Trồng rừng Mét mới đạt 38,71ha/kế hoạch dự án 44,12ha, đạt tỷ lệ 87,74%.

Với việc triển khai Dự án này sẽ góp phần thực hiện thành công “Đề án phát triển rừng nguyên liệu Tre Mét trên địa bàn huyện Tương Dương giai đoạn 2021 - 2025” đã được UBND huyện phê duyệt tại Quyết định số 342/QĐ - UBND ngày 21/4/2021, đồng thời bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ đa dạng sinh học khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An.