Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hiệu quả ứng dụng máy sạ lúa theo khóm/cụm tại một số địa phương vùng ĐBSCL

14:50 10/08/2020 GMT+7

Thời gian qua đã có nhiều mô hình, dự án chứng minh tính hiệu quả thuyết phục của việc giảm lượng hạt giống trong gieo sạ, điển hình là các mô hình lúa cấy máy được hệ thống khuyến nông các tỉnh triển khai trong những năm gần đây.

Máy sạ lúa theo khóm/cụm.

Mô hình đã giảm được lượng hạt giống lúa sử dụng (60 – 70%), góp phần đáng kể trong việc đáp ứng đủ nhu cầu hạt giống cho sản xuất. Theo đó còn giúp giảm được chi phí sản xuất (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) …), tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng giá bán nên hiệu quả kinh tế cao hơn so với lúa sạ lan, sạ dày từ 4 – 5 triệu đồng/ha (tăng thêm 40 – 50% lợi nhuận).

Hiện nay, ngoài mô hình lúa cấy máy đạt được kết quả như trên, từ năm 2018, một loại máy sạ lúa theo khóm/cụm từ Hàn Quốc cũng đã được nhập khẩu và sử dụng trên đồng ruộng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

So sánh tính năng hoạt động của máy sạ lúa theo khóm và máy cấy lúa như sau:

*Máy cấy hoạt động cấy theo hàng song, theo khóm bằng cây mạ và có thể chọn khoảng cách cấy theo hàng song, khoảng cách cấy theo khóm và số lượng tép mạ mỗi khóm khi cấy;

* Máy sạ lúa theo khóm cũng hoạt động sạ theo hàng song, theo khóm, nhưng bằng hạt giống (đã ủ nẩy mầm như dùng cho công cụ sạ hàng kéo tay) và cũng có thể chọn khoảng cách sạ theo hàng song, khoảng cách sạ theo khóm và số lượng hạt giống mỗi khóm khi sạ.

Điều đặc biệt, bộ phận công tác (thiết bị sạ khóm/cụm) có thể tháo lắp với động cơ máy cấy và hoạt động sạ bình thường như máy cấy. Nói cách khác, bộ phận động cơ và di động có thể tháo lắp và dùng chung cho bộ phận cấy và bộ phân sạ khóm. Như vậy, cơ chế hoạt động của 2 máy là như nhau.

Điểm khác biệt là máy sạ lúa theo khóm/cụm khắc phục được mặt hạn chế của máy cấy ở tính năng sử dụng hạt giống khi sạ, không phải qua công đoạn gieo mạ phức tạp, tốn thêm chi phí, từ đó giảm thêm chi phí sản xuất so với ruộng cấy máy từ 1,5 – 2 triệu đồng/ha.

Mặt khác, máy sạ lúa theo khóm/cụm còn có năng suất làm việc cao hơn (6–8ha/ngày) so với máy cấy chỉ đạt 3–4ha/ngày, giúp đẩy nhanh lịch thời vụ né rầy.

Mô hình lúa sạ theo khóm/cụm đã được trình diễn tại nhiều địa phương và cho kết quả tốt không kém máy cấy, nếu không nói trội hơn do giảm chi phí làm mạ. Kết quả cụ thể của việc sử dụng máy sạ lúa theo khóm tại một vài địa phương như sau:

1. Tại Hậu Giang (vụ Hè Thu 2019)

– Năng suất lúa cấy và lúa sạ theo khóm như nhau, đạt 5,8 tấn/ha; năng suất lúa sạ lan đạt 5,0 tấn/ha.

Nghĩa là so với lúa sạ lan, năng suất lúa cấy và lúa sạ theo khóm đều tăng 0,8 tấn/ha (tăng 16%);

– Lợi nhuận lúa cấy đạt 9.822.000 đồng/ha, lúa sạ theo khóm đạt 12.472.000 đồng/ha, lúa sạ lan 5.149.000 đồng/ha.

Nghĩa là so với lúa sạ lan, lợi nhuận lúa cấy tăng 4,673.000 đồng/ha (tăng 91%), lợi nhuận lúa sạ theo khóm tăng 7.323.000 đồng/ha (tăng 142%).

Mô hình lúa sạ theo khóm tại Hậu Giang.

2. Tại Trà Vinh (vụ Thu Đông 2019)

– Năng suất lúa cấy đạt 6,9 tấn/ha, lúa sạ theo khóm đạt 6,4 tấn/ha, lúa sạ lan đạt 5,6 tấn/ha.

Nghĩa là so với lúa sạ lan, năng suất lúa cấy tăng 1,3 tấn/ha (tăng 23%), năng suất lúa sạ theo khóm tăng 0,8 tấn/ha (tăng 14%)

– Lợi nhuận lúa cấy đạt 15.773.000 đồng/ha, lúa sạ theo khóm đạt 16.191.000 đồng/ha, lúa sạ lan đạt 9.228.000 đồng/ha.

Nghĩa là so với lúa sạ lan, lợi nhuận lúa cấy tăng 6.545.000 đồng/ha (tăng 71%), lợi nhuận lúa sạ theo khóm tăng 6.963.000 đồng/ha (tăng 75%).

3. Tại Vĩnh Long (vụ Hè Thu 2019)

– Năng suất lúa cấy và lúa sạ theo khóm như nhau, đạt 6,2 tấn/ha; năng suất lúa sạ lan đạt 5,45 tấn/ha.

Nghĩa là so với lúa sạ lan, năng suất lúa cấy và lúa sạ theo khóm đều tăng 0,75 tấn/ha (tăng 14%);

– Lợi nhuận lúa cấy đạt 6.300.000 đồng/ha, lúa sạ theo khóm đạt 10.073.000 đồng/ha, lúa sạ lan đạt 5.850.000 đồng/ha.

Nghĩa là so với lúa sạ lan, lợi nhuận lúa cấy tăng 450.000 đồng/ha (tăng 8%), lợi nhuận lúa sạ theo khóm tăng 3.773.000 đồng/ha (tăng 64%).

4. Kết quả mô hình trình diễn thực hiện theo “Lễ phát động ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy trong sản xuất lúa các tỉnh phía Nam” do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Hậu Giang (vụ Đông Xuân 2019 – 2020)

– Năng suất lúa sạ theo khóm đạt 9,24 tấn/ha, lúa sạ lan đạt 8,0 tấn/ha.

Nghĩa là so với lúa sạ lan, năng suất lúa sạ theo khóm tăng 1,24 tấn/ha (tăng 16%).

– Lợi nhuận lúa sạ theo khóm đạt 33.898.000 đồng/ha, lúa sạ lan đạt 22.240.000 đồng/ha.

Nghĩa là so với lúa sạ lan, lợi nhuận lúa sạ khóm tăng 11.658.000 đồng/ha (52%).

Đáng chú ý, cũng mô hình lúa sạ máy theo khóm nhưng kết hợp bón phân vùi cho kết quả cao hơn: Năng suất lúa (tươi) đạt 9,66 tấn/ha, cao hơn mô hình lúa sạ lan 1,66 tấn/ha (tăng 21%), lợi nhuận đạt 36.132.000 đồng/ha, cao hơn mô hình lúa sạ lan 13.892.000 đồng/ha (tăng 62%).

Qua các kết quả trên cho thấy, năng suất lúa sạ theo khóm và lúa cấy máy là như nhau và luôn cao hơn năng suất lúa sạ lan khoảng 15%. Tuy nhiên hiệu quả kinh tế mang lại của lúa sạ theo khóm không những cao hơn lúa sạ lan mà còn cao hơn cả lúa cấy do giảm chi phí công làm mạ và cấy.

Từ kết quả thuyết phục của mô hình máy sạ lúa theo khóm, đến nay đã có nhiều địa phương tiếp cận và nhân rộng mô hình này.

Năm 2019, bằng nguồn vốn địa phương, 02 tỉnh An Giang và Kiên Giang đã triển khai mô hình khuyến nông về máy sạ lúa theo khóm tại địa phương.

Năm 2019, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Lễ phát động phong trào ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa tại các tỉnh phía Nam, trong đó có máy sạ lúa theo khóm.

Năm 2020, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt 2 dự án khuyến nông Trung ương thực hiện mô hình máy sạ lúa theo khóm triển khai giai đoạn 2020 – 2022 tại 2 tỉnh Vĩnh Long và Bạc Liêu.

Có thể nói, hiện nay cùng với máy cấy, máy sạ lúa theo khóm đã được sản xuất chấp nhận như là một giải pháp khả thi, dễ thực hiện trong việc ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa nhằm giảm lượng hạt giống gieo sạ, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng năng suất thu hoạch, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế sản xuất lúa.

Tuy nhiên, cũng như các máy móc thiết bị nông nghiệp khác, để máy sạ lúa theo khóm nhanh chóng được nhân rộng trong sản xuất, rất cần các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước về đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, mà trước hết cần xem xét tháo gỡ các vướng mắc, mở rộng đối tượng được hưởng, tăng tính khả thi trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ./.

(Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia)