Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản

Bùi Hải Hưng - 13:08 08/02/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Được coi là giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và mức thu nhập của nông dân (ND), thời gian qua, Hội ND xã Ngọc Liên (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, ND ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm.

Ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động Hội
Thời gian qua Hội ND xã Ngọc Liên đã tích cực tuyên truyền, triển khai hiệu quả chuyển đổi số trong công tác xây dựng tổ chức Hội, phát triển các mô hình kinh tế tập thể mới; hỗ trợ quản lý đến sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản. Đến nay, đã có hơn 90% nội dung tuyên truyền của tổ chức Hội thực hiện trên không gian mạng, Hội ND xã kết nối, trao đổi thông tin hai chiều với Hội ND huyện Cẩm Giàng qua các nhóm zalo, email. Đối với các cuộc họp, hội nghị không sử dụng tài liệu giấy mà được mã hoá bằng mã QR để đại biểu dễ dàng thao tác, thuận tiện khi nhận và lưu tài liệu. 

Lãnh đạo Hội ND tỉnh Hải Dương, lãnh đạo UBND huyện, Hội ND huyện Cẩm Giàng, UBND, Hội ND xã Ngọc Liên dự lễ ra mắt tem truy xuất nguồn gốc và ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược chuyển đổi số, tiêu thụ dưa hấu Ngọc Liên. 
Bên cạnh đó, Hội ND xã còn xây dựng các trang zalo, fanpage để trao đổi thông tin 2 chiều với cán bộ chi, tổ hội; chuyển tải các hướng dẫn về quy trình trồng rau an toàn, cảnh báo các loại bệnh trên rau màu theo mùa vụ, các thông tin hoạt động của Hội đến hội viên nông dân. Hội ND xã còn hỗ trợ, hướng dẫn cho nông dân tham gia sàn thương mại điện tử, các nhóm bán hàng trên mạng xã hội, từ đó từng bước thay đổi nhận thức về cách thức bán hàng thông minh, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm; hướng dẫn các hộ nông dân đăng ký thông tin, làm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác để quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử; tập trung đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ cho hội viên, nông dân như phối hợp với các ngân hàng tăng cường các nguồn vốn vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phối hợp với các công ty, doanh nghiệp có uy tín trên thị trường cung ứng vật tư đầu vào, liên hệ với các doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đầu ra. 
Hội ND xã còn tích cực mở các hội nghị tuyên truyền về những lợi ích khi áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó một bộ phận không nhỏ hội viên nông dân đã tích cực ứng dụng công nghệ số trong sản xuất như xây dựng hệ thống nhà lưới, chuồng trại khép kín để lắp đặt áp dụng hệ thống bơm tưới thông minh, cho ăn tự động, hệ thống tưới tiêu và giám sát được thực hiện qua điện thoại. 
Mô hình lan toả, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình chi tổ Hội ND nghề nghiệp theo hướng thiết thực, hiệu quả, góp phần từng bước lan toả thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của nông dân sang chuyển đổi số. Tháng 01/2022, Hội ND xã Ngọc Liên vận động hội viên thành lập, ra mắt chi hội nghề nghiệp trồng cây dưa hấu thôn Bằng Nghĩa với 46 thành viên, đến nay đã có 65 thành viên tham gia.
Để mở rộng thị trường và xây dựng thành công thương hiệu “Dưa hấu Ngọc Liên”, Hội ND huyện Cẩm Giàng đã hỗ trợ, kết nối với Công ty cổ phần Công nghệ Xác thực số ký hợp đồng cung cấp dịch vụ xây dựng quy trình nguyên công mới, cấu hình quy trình nguyên công, ghi chép nhật ký điện tử, đào tạo, hướng dẫn vận hành online và xây dựng mẫu tem cho dưa hấu Ngọc Liên. Công ty thường xuyên cử chuyên gia về tập huấn cho 65 hộ tham gia mô hình, cách vận hành tem truy xuất cho Ban quản lý vận hành tem và bàn giao trên 50.000 tem cho tổ quản lý tem của xã Ngọc Liên. 

Niềm vui của nông dân Ngọc Liên thu hoạch dưa hấu.
Song song với đó, Hội ND huyện Cẩm Giàng đã ký kết thoả thuận hợp tác “Chiến lược triển khai mô hình dưa hấu Ngọc Liên thông qua truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số, tiêu thụ sản phẩm bền vững và đồng bộ” với Công ty Cổ phần hệ sinh thái APDEX, hướng tới mục tiêu từ mô hình dưa hấu Ngọc Liên sẽ hoàn thiện “mô hình tạo chuỗi” nhằm từng bước thiết lập “Chuỗi dưa hấu Ngọc Liên” tại huyện Cẩm Giàng. Sau khi mô hình được nhân rộng, làm cơ sở tiến hành các thủ tục xin cấp mã vùng trồng, công bố sản phẩm; phối hợp với địa phương tổ chức kết nối tiêu thụ hoặc bao tiêu xuất khẩu các sản phẩm đáp ứng các quy trình, quy định, mục tiêu của “Chuỗi cung ứng nông sản xuyên Việt”. 
Đến nay, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Ngọc Liên cũng ký kết hợp đồng tiêu thụ dưa hấu Ngọc Liên với Công ty TNHH Phố Chợ. Nhờ những hoạt động trên đã góp phần tạo lập thương hiệu “Dưa hấu Ngọc Liên”, thời gian qua, giá dưa luôn đảm bảo cao hơn mức giá thị trường từ 1.200 đến 2.000 đồng/kg. Trong trường hợp mất mùa trừ chi phí giá dưa vẫn cho nông dân thu lãi cao hơn trồng lúa từ 3 - 4 lần. Trồng dưa theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đã và đang có tác động lan toả đến nhiều người dân trên địa bàn biết đến sản phẩm dưa hấu Ngọc Liên, thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng... 

Hội Nông dân hỗ trợ hội viên xã Ngọc Liên tiêu thụ dưa hấu.

Bà Nguyễn Thị Hiên, Phó Chủ tịch Hội ND huyện Cẩm Giàng cho biết: Việc áp dụng thực hiện chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nông dân quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm của Hội ND xã Ngọc Liên thời gian qua đã bước đầu thể hiện hiệu quả, từng bước đưa chuyển đổi số vào sản xuất, tiêu thụ nông sản của hội viên nông dân, thúc đẩy sự thay đổi của người nông dân thích ứng với điều kiện mới, tích cực tham gia vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu ở một số nông sản trọng điểm, có thế mạnh. 
Thời gian tới, để chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong công tác Hội và phong trào nông dân, trong phát triển nông nghiệp Hội ND xã Ngọc Liên nói riêng, các cấp Hội ND huyện Cẩm Giàng nói chung cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng thực hiện hiệu quả, sáng tạo hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động Hội và đặc biệt là tuyên truyền, vận động người nông dân thay đổi tư duy, từng bước tiếp cận chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực trong đời sống”.