Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội ND tỉnh Hải Dương: Tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trong phòng, chống bệnh lao

07:17 01/08/2021 GMT+7

Trong những năm qua, công tác phòng, chống và điều trị bệnh lao của tỉnh Hải Dương đã có những bước tiến đáng kể. Mạng lưới phòng, chống lao của tỉnh hiện nay được bao phủ ở 12/12 huyện, thị xã, thành phố và 100 % đơn vị cấp xã. Có được kết quả như vậy, nhờ sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của hệ thống y tế, trong đó vai trò của các cấp Hội Nông dân (ND) đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực trong công tác phòng, chống lao.

Hội ND xã Tiền Tiến (TP. Hải Dương) tổ chức sinh hoạt mô hình “Nông dân phát hiện sớm người nghi mắc lao; tư vấn và hỗ trợ người mắc lao điều trị theo DOTS”.

Hội ND các cấp tích tực tuyên truyền phòng, chống bệnh lao

Hải Dương có khoảng gần 1,9 triệu người. Năm 2020, toàn tỉnh đã khám, phát hiện thu nhận 1.231 bệnh nhân lao, trong đó có 518 bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn, 501 bệnh nhân lao không có bằng chứng vi khuẩn và 165 bệnh nhân lao ngoài phổi, tỷ lệ điều trị khỏi đạt 95%.

Từ cơ sở thực trạng trên, Hội ND đã xác định vai trò, trách nhiệm của tổ chức trong việc phát hiện người bị mắc bệnh lao để hỗ trợ, phối hợp với cơ quan y tế trong khám và điều trị, bởi vì đối tượng mắc bệnh lao phần lớn là ND. Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Hội ND các cấp phối hợp với ngành Y tế địa phương xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên về phòng, chống bệnh lao thông qua công tác tuyên truyền phát hiện, vận động người nghi mắc lao đến các cơ sở y tế khám và điều trị. Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho 100% hội viên, ND về phòng, chống bệnh xã hội trong đó có lao và HIV nhằm giảm tỷ lệ người mắc bệnh và tỷ lệ người chết bệnh, góp phần nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ và phát triển giống nòi; phấn đấu để mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm tốc độ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng.

Trong năm 2020, đã tổ chức 1.524 lượt tuyên truyền thông qua các hình thức như tuyên truyền trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình; lồng ghép tuyên truyền qua các hội nghị, các buổi tập huấn kiến thức, qua sinh hoạt chi, tổ Hội ND. Tuyên truyền, vận động, tổ chức khám sàng lọc bệnh lao cho 27.678 hội viên, ND của 78 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 4 huyện (thị xã), trong đó đã xét nghiệm Gene Xpert cho các trường hợp có dấu hiệu nghi lao, phát hiện 107 bệnh nhân đưa vào quản lý điều trị. Hội ND cơ sở tích cực phối hợp với Đài truyền thanh cơ sở tuyên truyền, vận động hội viên tích cực cho con em đi tiêm phòng bệnh lao theo đúng lịch tiêm phòng của ngành Y tế.

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3), Hội ND các cấp đã phối hợp với đài phát thanh cơ sở viết 235 bài, phát tin 845 lần về tuyên truyền kiến thức phòng, chống bệnh lao; Phối hợp với ngành Y tế phát 6.531 tờ rơi, 550 cuốn tài liệu “Hỏi đáp về bệnh lao”. Các cấp Hội đẩy mạnh truyền thông với chủ đề: “Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”, để từ cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 tuyên truyền, vận động mọi người chung tay tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao. Hội ND tỉnh còn vận động cán bộ, hội viên, nông dân trong toàn tỉnh hưởng ứng nhắn tin ủng hộ Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao – PASTB.

Bên cạnh các hoạt động truyền thông, các cấp Hội cũng đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; vận động cán bộ, hội viên, nông dân SXKD giỏi giúp đỡ các hộ khó khăn do bị bệnh lao như: cho vay vốn, hỗ trợ cây con giống, cung ứng vật tư chậm trả, hướng dẫn kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, HND các cấp đã tín chấp với Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội tạo nguồn vốn vay phát triển SXKD, trong đó có khoảng 200 hộ gia đình bệnh nhân lao có nhu cầu vay vốn được Hội tín chấp cho vay với tổng dư nợ khoảng 6 tỷ đồng. 100% các hộ gia đình bệnh nhân lao (37/37 hộ) được tham dự các buổi chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về sử dụng phân bón, chăn nuôi, nuôi thủy sản, trồng lúa, rau màu; tham gia các buổi hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, chính sách pháp luật đảm bảo an sinh xã hội; có 05 hộ gia đình người bệnh được hỗ trợ tạo việc làm phù hợp sức khỏe và hoàn cảnh gia đình.

Đại diện mô hình “Nông dân phát hiện sớm người nghi mắc lao; tư vấn và hỗ trợ người mắc lao điều trị theo DOTS” xã Hợp Tiến (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) tổ chức thăm và tặng quà bệnh nhân lao.

Hiệu quả từ các mô hình ND tham gia phòng, chống lao

Hội ND Hải Dương đã triển khai các mô hình phòng, chống lao từ năm 2011 đến nay. Thông qua mô hình “Nông dân phát hiện sớm người nghi mắc lao; tư vấn và hỗ trợ người mắc lao điều trị theo DOTS”, Hội ND các đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tự giác và tự nguyện đi khám, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để nông dân mắc lao điều trị theo DOTS (điều trị lao ngắn hạn có kiểm soát trực tiếp).

Từ năm 2011 – 2020, toàn tỉnh đã thành lập 14 mô hình trong đó 6 mô hình được thành lập từ năm 2011-2016 và tự duy trì hoạt động gồm xã Hiệp Cát (huyện Nam Sách), xã Hồng Lạc, Thanh Xá (huyện Thanh Hà), xã Minh Đức (huyện Tứ Kỳ), phường Duy Tân (thị xã kinh Môn), xã Đồng Tâm (huyện Ninh Giang); 8 mô hình được Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống lao T.Ư Hội NDVN hỗ trợ kinh phí hoạt động gồm xã Tiền Tiến (thành phố Hải Dương), xã Thanh Sơn (huyện Thanh Hà), phường An Lưu (thị xã Kinh Môn), chuyển đổi từ phường Duy Tân, thị xã Kinh Môn, xã An Thanh (huyện Tứ Kỳ), chuyển đổi từ xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, xã Hợp Tiến, Phú Điền (huyện Nam Sách), xã Văn Hội (huyện Ninh Giang), xã Tân Hương (huyện Ninh Giang), chuyển đổi từ xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang.

Các mô hình tổ chức sinh hoạt được 32 buổi, 01 buổi/quý với 1.600 lượt thành viên tham dự, tổ chức 215 lượt đến thăm bệnh nhân lao tại nhà. Phối hợp với đài truyền thanh cơ sở viết 96 bài tuyên truyền phòng, chống, phát hiện và quản lý điều trị lao, phát được 192 lượt. Tổng số người được tư vấn hỗ trợ các thông tin, kiến thức về phòng, chống lao là 9.074 người. Phối hợp với Bệnh viên Phổi tỉnh Hải Dương, Trung tâm Y tế các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, thị xã Kinh Môn tổ chức 03 hội nghị tập huấn kiến thức phòng, chống bệnh lao cho 60 cán bộ, hội viên, y tế cơ sở tại 03 mô hình mới thành lập. Các mô hình góp phần phát hiện sớm người mắc lao nên tỷ lệ điều trị khỏi cao (trên 98%); không có hiện tượng bỏ điều trị, 37/37 bệnh nhân tuân thủ điều trị về uống thuốc, tái khám, vận động được 135 người thân bệnh nhân đi xét nghiệm.

Hội ND các cấp đã tổ chức 16 lần kiểm tra, giám sát, đạt 100 % kế hoạch giao. Cơ bản các mô hình có chất lượng hoạt động tốt, thường xuyên viết bài tuyên truyền và phát trên loa truyền thanh cơ sở đảm bảo đúng quy định; tổ chức sinh hoạt theo định kỳ, chất lượng sinh hoạt tốt, các thành viên mô hình tham dự đầy đủ, trong các buổi sinh hoạt đều có cán bộ y tế phổ biến kiến thức về bệnh lao, ngoài ra còn phổ biến kiến thức phòng, chống bệnh nói chung, nhất là các bệnh theo mùa, các bệnh không lây nhiễm; nhóm chăm sóc y tế và cán bộ Hội cơ sở đã tích cực tuyên truyền, vận động người nghi mắc lao đi khám sớm, đồng thời tổ chức tốt các buổi thăm hỏi bệnh nhân, tư vấn và hướng dẫn, động viên người mắc lao điều trị theo DOTS đạt kết quả tốt.

Nhờ các hoạt động cụ thể của mô hình, ý thức của hội viên ND đã được nâng cao, hội viên nông dân hiểu rõ hơn về bệnh lao và giảm tình trạng kỳ thị, xa lánh bệnh nhân lao, đồng thời có các biện pháp hiệu quả nhằm phòng, chống bệnh lao lây lan; các bệnh nhân lao tích cực điều trị, giảm thiểu tình trạng bệnh lao kháng thuốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ như trên, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai các mô hình này. Hiện nay, người mắc lao vẫn còn chịu nhiều định kiến và mặc cảm của xã hội cùng với thời gian điều trị kéo dài, gây trở ngại cho đời sống người bệnh. Vẫn còn tình trạng người có biểu hiện nghi mắc lao có tư tưởng giấu bệnh, không đi khám hoặc khám không đúng tuyến. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống lao tuyến cơ sở chưa được triển khai hoặc có triển khai nhưng chưa đầy đủ; một số mô hình còn sinh hoạt đơn điệu, chưa có sức lôi cuốn hội viên nông dân tham gia. Đồng thời, công tác khám, phát hiện, điều trị bệnh lao rất vất vả, nguy hiểm song thu nhập của đội ngũ cán bộ y tế còn thấp, nhất là y tế cấp cơ sở nên phần nào ảnh hưởng tới trách nhiệm của cán bộ tham gia. Điều kiện kinh phí còn hạn chế, trong năm 2020 chỉ có 8/235 cơ sở được hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình; năm 2021 các mô hình hiện không được hỗ trợ kinh phí nên công tác tuyên truyền phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Đánh giá về công tác phòng, chống lao của các cấp Hội ND, bà Phạm Thanh Thủy – Phó Chủ tịch, Tổ trưởng Tổ chống lao Hội ND tỉnh Hải Dương cho biết: “Để thực hiện tốt công tác phòng, chống lao trong thời gian tới, đề nghị các cấp Hội ND cần tiếp tục phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên ND, người dân trong cộng đồng bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả hơn nữa. Trong năm 2021, T.Ư Hội NDVN đã hỗ trợ triển khai 03 mô hình về công tác phòng, chống lao ở cấp huyện gồm huyện Bình Giang, thị xã Kinh Môn, TP. Hải Dương. Các mô hình này tập trung vào thăm hỏi bệnh nhân lao tại nhà, động  viên bệnh nhân điều trị theo phác đồ, vận động người nghi mắc lao đi khám”.

Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn T.Ư Hội NDVN và các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí để duy trì, nhân rộng các mô hình “Nông dân phát hiện sớm người nghi mắc lao; tư vấn và hỗ trợ người mắc lao điều trị theo DOTS”; có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với đội ngũ y tế trực tiếp thực hiện công tác khám, chữa bệnh lao. Có chính sách riêng, đặc thù để hỗ trợ phát triển kinh tế đối với các gia đình bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về vệ sinh môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân – bà Thủy nhấn mạnh.

                         Bùi Hải Hưng