Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hơn 1 triệu cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập Nghị quyết hội nghị Trung ương 6

Tuệ Anh - 11:48 05/12/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Sáng 5/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Thủ tướng Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự hội nghị. Ảnh: Phương Hoa

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tại điểm cầu Trung ương ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội (TP. Hà Nội) kết nối với 11.632 điểm cầu các ban, bộ, ngành ở Trung ương, cấp huyện, cấp xã trên toàn quốc, với trên 1 triệu cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập.

Tham dự Hội nghị có ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư;  các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các đồng chí cán bộ chủ chốt các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong toàn hệ thống chính trị.

Tại điểm cầu cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tham dự có ông Phạm Tiến Nam – Phó Chủ tịch Thường trực BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam; cùng toàn thể cán bộ, đảng viên thuộc cơ quan T.Ư Hội NDVN.

Đây là hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, đảng viên trong việc triển khai thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm của các văn kiện Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.

Các đại biểu sẽ nghiên cứu học tập 4 chuyên đề: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính chị trong giai đoạn; Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quang cảnh Hội nghị tại Hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội (TP. Hà Nội). Ảnh: Phương Hoa

Trong buổi sáng 5/12, các đại biểu đã được nghe ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Nội chính T.Ư trình bày các nội dung liên quan đến vấn đề tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đất nước ta trải qua hơn 35 năm đổi mới và hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011), công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Tuy nhiên, công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, quản lý và bảo vệ đất nước trong tình hình mới… Chính vì vậy cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với việc thực hiện nguyên tắc nhất quán nhất là tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam…

Mục tiêu trọng tâm hướng đến là hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Quang cảnh điểm cầu cơ quan T.Ư Hội NDVN tham gia nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, BCH T.Ư Đảng khóa XIII. Ảnh: Trần Quảng

Để đạt được mục tiêu, Hội nghị T.Ư lần thứ 6 của BCH T.Ư Đảng khóa XIII đã đề ra những giải pháp đồng bộ và cụ thể như: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững; Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam…

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra trong 2,5 ngày. Sau 2 ngày học tập nghiên cứu, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương dành 0,5 ngày để triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các nghị quyết, kết luận Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.