Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hơn 40 năm giữ “lửa” nghề làm khuôn bánh Trung thu

13:06 28/09/2021 GMT+7

Ở một ngôi nhà ven ngoại thành Hà Nội, có một gia đình từ 40 năm nay vẫn miệt mài với nghề làm khuôn bánh trung thu truyền thống. Chục năm qua, khi khuôn nhựa giá rẻ tràn lan, nghề làm khuôn gỗ dần mai một, người làm nghề chuyển sang làm mộc mỹ nghệ, nhưng riêng ông Trần Văn Bản vẫn đau đáu với nghề truyền thống của quê hương.

Ông Bản hướng dẫn cho cháu nội làm khuôn bánh.

Gìn giữ tinh hoa tiên tổ

Khác với nghề mộc công việc quanh năm, nghề làm khuôn gỗ bánh Trung thu thường bận rộn bắt đầu từ tháng 4 âm lịch và cao điểm là trước rằm tháng 8 – Tết Trung thu. Làng nghề điêu khắc mộc Thượng Cung (xã Tiền Phong, Thường Tín, Hà Nội) vốn nổi tiếng với nghề làm khuôn bánh Trung thu truyền thống. Nhưng rồi khuôn nhựa ra đời, vừa nhanh vừa rẻ khiến khuôn gỗ mất dần chỗ đứng. Người làm nghề lần lượt chuyển sang làm đồ thờ cúng để duy trì cuộc sống.

Sinh ra ở làng quê có truyền thống lâu đời về làm khuôn bánh Trung thu nên ông Trần Văn Bản dù đã bước sang tuổi 67 vẫn luôn đau đáu với nghề. Công việc tuy có khó khăn, thu nhập cũng không cao như mộc mỹ nghệ nhưng ông vẫn kiên trì giữ lửa nghề trên 40 năm nay. Hiện nay, các thế hệ trong gia đình ông vẫn tiếp nối nghề để gìn giữ tinh hoa của cha ông để lại.

Ông Bản chia sẻ, khi xưa, người dân trong làng Thượng Cung đục đẽo khuôn bánh quanh năm để cung cấp ra thị trường vào dịp Tết Trung thu. Dọc con đường dẫn vào làng, gỗ xà cừ được xếp hàng dài để chờ thợ xẻ gỗ. “Các nhà làm nghề phải nuôi thợ ăn, ở để xẻ gỗ bằng tay, sau đó gia đình mới pha khuôn được”, ông Bản nhớ lại.

Vào những năm 1980-1990, nghề đục khuôn bánh trung thu phát triển rực rỡ. Hàng ngày, xe tải từ khắp các nơi trong cả nước nườm nượp đổ về Thượng Cung chất những bao tải đựng khuôn bánh với hình dáng tùng, cúc, trúc, mai… lên xe. Tuy nhiên kể từ năm 2000 trở đi, những chiếc khuôn nhựa từ Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường bởi giá cả rẻ, mẫu mã đa dạng. Từ đây, khuôn bánh bằng gỗ rớt giá thê thảm nhưng vẫn không có khách mua, các hộ làm nghề đục khuôn bánh trong thôn Thượng Cung chuyển sang làm công việc khác.

Ông Trần Văn Bản cho biết, để làm một chiếc khuôn bánh Trung thu theo phương pháp truyền thống phải qua rất nhiều công đoạn. Gỗ phải được làm sạch vỏ, bào nhẵn mặt, pha gỗ thành hình khuôn theo kích thước và mẫu mã khách hàng yêu cầu. Đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ tới từng chi tiết, chỉ cần một nhát đục sai sẽ khiến chiếc khuôn có thể bị hỏng, phải bỏ đi rồi làm lại cái khác. Mỗi nét đục lại được sử dụng bằng những công cụ khác nhau do khách hàng đặt riêng.

Nếu như trước đây, việc làm khuôn bánh Trung thu làm thủ công hoàn toàn thì hiện nay, công cụ, máy móc được đưa vào sử dụng, giúp giảm bớt thời gian chế tạo cho người làm nghề. “Công đoạn cầu kỳ, quan trọng nhất là đục tạo hoa văn, đường nét trang trí cho khuôn thì vẫn phải làm hoàn toàn thủ công. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải hết sức khéo léo, tỉ mỉ để làm sao cho hoa văn sắc sảo, khuôn dóc không bị bám bột bánh…, bánh làm ra mới đẹp mắt” ông Bản nói.

Ngày trước, khuôn bánh Trung thu được làm bằng gỗ thị. Hiện nay do loại gỗ này rất hiếm nên gia đình ông chuyển sang dùng gỗ xà cừ thu mua từ các cây đổ hoặc chặt hạ trong những dự án giao thông. Loại gỗ này vừa dẻo, sánh lại bền, ít cong vênh sau một thời gian sử dụng. Khuôn bánh nướng và bánh dẻo cũng không giống nhau. Khuôn bánh dẻo phải được làm sắc nét, khô nét thì lên khuôn mới đẹp. Khuôn bánh nướng cầu kỳ hơn, đường nét phải dầy, đều và mềm mại.

Mỗi mùa Trung thu, gia đình ông Bản làm ra khoảng 500-600 khuôn bánh. Giá khuôn dao động từ 150.000 đến 500.000 nghìn đồng một chiếc, tùy kích cỡ. Có những chiếc khuôn bánh cỡ to, cầu kì có giá lên tới cả triệu đồng.

Những chiếc khuôn bánh với hoa văn cầu kỳ.

Tạo sức sống mới từ đam mê

Là một người tâm huyết với nghề, ông luôn cố gắng hết sức để làm hài lòng khách hàng. Ông Bản cho biết: “Sản phẩm tôi làm ra phải đúng như yêu cầu khách hàng, đến khi nào người ta ưng ý mới thôi. Mình làm sản phẩm không chỉ để kiếm tiền mà sản phẩm chứa đựng cả giá trị tinh thần to lớn. Đó là kinh nghiệm bao năm nay tôi luôn chắt chiu trong từng sản phẩm mình làm ra”.

Lợi thế của khuôn gỗ truyền thống là không độc hại, chắc chắn, nét góc, càng ngâm càng đen, dùng trăm năm cũng không sợ hỏng. Ông Bản luôn có niềm mong muốn nghề làm khuôn bánh truyền thống sẽ được truyền lại cho thế hệ sau. Chiếc bánh Trung thu chứa đựng rất nhiều ý nghĩa vì vậy để làm được một chiếc bánh ngon, có tâm huyết cũng cần sử dụng bằng một chiếc khuôn chất lượng nhất.

Theo ông Bản, khoảng 5 năm trở về trước lượng khuôn nhà ông bán không được nhiều do có sự xuất hiện của nhiều loại khuôn nhựa giá thành rẻ chỉ từ 30.000- 50.000 một chiếc. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, người ta lại bắt đầu quay lại dùng khuôn gỗ truyền thống để làm bánh do tính an toàn thực phẩm cao hơn, chất lượng tốt hơn. Ông Bản luôn tự tin, dù thị trường có sản xuất bao nhiêu mẫu khuôn bánh bằng nhựa, cũng không thay thế được khuôn gỗ truyền thống.

Nói về tính ưu việt của chiếc khuôn gỗ, ông Bản cho biết: Làm bánh dẻo thì bột chín họ cho bột vào khuôn cùng nhân vào là xong, còn bánh nướng thì dùng bột đã nhào tạo hình trong khuôn rồi cho vào nướng. Dùng khuôn bằng gỗ vừa sạch lại vừa bền, mãi mãi không hỏng. Mấy năm gần đây các khách hàng ngoại quốc cũng đến tham quan cơ sở sản xuất của gia đình ông để đặt hàng.

“Trung thu là dịp đoàn viên, Tết của tình thân. Chiếc bánh Trung thu muôn đời nay vẫn gắn liền với truyền thống dân tộc, tôi sẽ luôn giữ gìn, truyền lại nghề cho thế hệ con cháu để những tinh hoa dân tộc không bao giờ mất đi” ông Trần Văn Bản khẳng định.

“Tôi đam mê với khuôn bánh trung thu bằng gỗ bởi đó là nghề truyền thống của cha ông ta và nó đem lại cho người dân sự an toàn khi sử dụng bánh. Giờ mắt mũi tôi kém rồi, lưng cũng đau nhưng các con của tôi chắc chắn sẽ làm theo nghề này”.
Ông Trần Văn Bản.

Bình Châu