Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hướng phát triển bền vững cho cây thanh long

07:15 04/10/2021 GMT+7

Tỉnh Bình Thuận nổi tiếng là “thủ phủ” thanh long với diện tích hơn 30.000ha, sản lượng gần một triệu tấn/năm. Để trái thanh long chinh phục thị trường, người trồng thanh long yên tâm khâu tiêu thụ luôn là mối quan tâm hàng đầu của ông Trần Đình Trung (hội viên nông dân xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc). Ông được coi là người “mở đường” cho những bước phát triển đột phá cho cây thanh long của địa phương.

Sơ chế thanh long sau thu hoạch tại HTX Thanh long Thuận Tiến.

Liên kết hợp tác để tiến xa

Tại “thủ phủ” thanh long Bình Thuận, nhận thức đây là cây trồng lợi thế, giúp nông dân giảm nghèo, nhiều hộ nhờ trồng thanh long đã thoát nghèo, vươn lên giàu có. Tuy nhiên những năm gần đây tình hình tiêu thụ không ổn định, giá cả thanh long bấp bênh, sản xuất thanh long không theo quy hoạch, nấm bệnh, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan dẫn đến không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thị trường phụ thuộc vào Trung Quốc và các cơ sở thu mua thường xuyên ép giá.

Nhìn ra những điểm yếu đó, ông Trần Đình Trung đã chủ động tìm hướng liên doanh, liên kết để tạo sức bật, tháo gỡ những “điểm nghẽn” cho vùng thanh long. “Từ năm 2009 tôi đã vận động hội viên, nông dân có trồng thanh long liên kết lại với nhau thành lập Tổ hợp tác sản xuất thanh long Thuận Tiến, với 52 thành viên, diện tích sản xuất 69ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Được sự hỗ trợ của Trung tâm nghiên cứu phát triển cây thanh long tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và Hội Nông dân xã Hàm Liêm, Tổ hợp tác sản xuất Thanh Long Thuận Tiến được cấp chứng nhậnVietGAP và đây cũng là chứng nhận VietGAP đầu tiên của tỉnh Bình Thuận” ông Trung cho biết.

Đến đầu năm 2014, ông Trung phối hợp với Liên minh Hợp tác xã phía Nam xây dựng Dự án Mutrap về chuỗi giá trị cho quả thanh long. Từ đó, thành viên của Tổ hợp tác nhận thức được mô hình phát triển theo hướng bền vững và xác định mục tiêu đưa quả thanh long Bình Thuận nói chung và thanh long Thuận Tiến vào thị trường khó tính.

Vào tháng 10/2016, ông Trung tiếp tục vận động các thành viên trong Tổ thành lập Hợp tác xã (HTX) Thanh Long Thuận Tiến với 11 thành viên và diện tích 24,1ha, với vốn điều lệ 600 triệu đồng. Với sự đồng tình và nhất trí của Hội đồng thành viên, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Thanh long Thuận Tiến. Mục tiêu của HTX hướng tới sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP; xây dựng thương hiệu trái Thanh Long cho HTX. Bên cạnh đó, HTX cũng đặt mục tiêu sản xuất và tiêu thụ trái thanh long theo hướng an toàn và chinh phục thị trường khó tính.

Trong suốt 5 năm qua, HTX Thanh long Thuận Tiến đã làm theo mô hình sản xuất sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, Fairtrade (Thương mại công bằng). HTX thực hiện việc kinh doanh theo hình thức ủy thác sản phẩm cho thành viên HTX cũng như thành viên liên kết (HTX chỉ đứng giao dịch không mua bán như doanh nghiệp), đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, sản phẩm đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, Fairtrade … giá cả ổn định, thành viên an tâm sản xuất.

Vào đầu tháng 01/2017, HTX Thanh long Thuận Tiến cùng với Dự án Mutrap do Liên minh HTX phía Nam được chứng nhận 4ha GlobalGAP. Đồng thời tham gia Hội chợ quốc tế trái cây rau củ quả (Fruit Logistica 2017) diễn ra tại Trung tâm triển lãm Berlin, Cộng hòa liên bang Đức. Một lần nữa, HTX thanh long Thuận Tiến đại diện cho Việt Nam giới thiệu sản phẩm tại châu Âu. Sự kiện này đã là động lực để trái thanh long tìm thêm được nhiều thị trường tiêu thụ.

Đến nay, sản phẩm của HTX Thanh long Thuận Tiến đã được nhiều đơn vị xuất khẩu quan tâm và biết đến; đồng thời đã ký kết nhiều hợp đồng quan trọng với thị trường châu Âu, Mỹ, Úc và các siêu thị trong nước…. HTX tiêu thụ hàng trăm tấn thanh long. Không chỉ tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên, HTX còn liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hội viên, nông dân, trang trại và các HTX liên kết (HTX Phú Thịnh, HTX Bắc Bình, HTX Thuận Hòa..).

“HTX hoạt động ngày càng hiệu quả, không những giúp thành viên nông dân tăng lợi nhuận sản xuất hàng năm từ 30% đến 50%, mà còn tạo thêm việc làm cho lao động nhàn rỗi trong quá trình sơ chế và đóng gói thanh long. Thu nhập trung bình mỗi tháng của lao động thời vụ từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng/tháng” ông Trung tự hào cho biết thêm.

 

Chinh phục thị trường bằng chất lượng

Bí quyết để HTX Thanh long Thuận Tiến liên tục tiếp cận được các thị trường lớn một cách vững chắc chính từ chất lượng của sản phẩm. “Thông qua các cuộc họp của HTX, các thành viên đã chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất thanh long an toàn như: Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, các quy trình sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, xịt thuốc đúng quy trình, không để dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn cho phép… nhằm đem lại năng suất cao và góp phần cải thiện môi trường sống đồng thời thực hiện nghiêm túc chủ trương của tỉnh về sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP” ông Trung cho hay.

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đánh giá, việc phát triển chuỗi cung ứng thanh long đòi hỏi quá trình lâu dài, đặc biệt theo hướng tăng trưởng xanh. Do vậy, phải xây dựng một lộ trình lâu dài cho chuỗi cung ứng thanh long hiện nay tại tỉnh Bình Thuận, có sự kết hợp yếu tố môi trường vào quản trị chuỗi cung ứng thanh long bao gồm: thiết kế sản phẩm, tìm kiếm và lựa chọn nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm cuối cùng cho người tiêu dùng…

Theo ông Trần Đình Trung, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn sạch thì mức độ lợi nhuận của thành viên tăng lên rõ rệt. Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập quốc tế nên phải sản xuất nông sản sạch mới mong đứng vững trên thị trường thế giới. Không còn con đường nào khác ngoài việc sản xuất theo quy trình an toàn để có được đầu ra ổn định. Trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, trái thanh long sau thu hoạch đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vừa an toàn cho người dùng vừa an toàn cho người trực tiếp sản xuất.

“Trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, các thành viên HTX nhận thấy, để trái thanh long xâm nhập được vào thị trường châu Âu thì quy trình sản xuất phải được nâng cao hơn nữa. Từ những nền tảng đã có, trong thời gian tới, HTX xây dựng kế hoạch tiếp tục liên kết mở rộng diện tích trên các địa bàn nhằm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, đồng thời lan tỏa mô hình HTX kiểu mới trong hệ thống Liên Minh HTX, góp phần vào quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương” ông Trung khẳng định.

Năm 2020, Bình Thuận diện tích đạt 33.750ha thanh long với sản lượng khoảng 700.000 tấn. Hiện nay, thanh long được trồng tại 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tập trung chủ yếu tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 11.400ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP (chiếm 34% tổng diện tích) và gần 355ha được cấp chứng nhận GlobalGAP.

Hữu Công